Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội

    Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam không chỉ bằng lòng yêu nước mà còn bằng một tầm nhìn vượt thời đại. Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tư tưởng, quan điểm, chỉ dẫn quý báu về vai trò của khoa học công nghệ, về định hướng phát triển khoa học công nghệ trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa.

   BÁC HỒ THĂM KHU CÔNG NGHIỆP DẦU KHÍ BACU (LIÊN XÔ) NĂM 1959

    Thứ nhất, khoa học công nghệ có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại. Chính sự phát triển của khoa học công nghệ “chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”[1].

    Thứ hai, khoa học công nghệ là một trong những mặt trận hàng đầu “trong sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đưa nước ta từ nền nông nghiệp lạc hậu lên thành nước công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có khoa học, kỹ thuật tiên tiến để đưa nhân dân ta vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo đói lạc hậu”[2].

    Thứ ba, khoa học công nghệ “phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”[3].

    Thứ tư, để phát triển khoa học công nghệ phải trân trọng, đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn lực trí tuệ của dân tộc; ra sức đào tạo đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học và xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoa học; thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh. Người làm khoa học không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải “có đức, có tài”, có trách nhiệm với nhân dân, với đất nước.

    Thứ năm, tham gia công tác khoa học không phải là công việc của một cá nhân hay nhóm người nào đó, mà phải huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, từ nhà khoa học, doanh nghiệp đến người lao động, tức là “mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”[4].

    Và để bảo đảm khoa học công nghệ phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp khoa học công nghệ; bảo đảm dân chủ, tự do tư tưởng, tự do sáng tạo khoa học, kỹ thuật nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng, bởi “chỉ có dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhân dân kết thành một khối, thì sự nghiệp khoa học và giáo dục mới có tiền đồ vẻ vang...”[5] vì sự phát triển toàn diện của con người và xã hội.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam

    Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không chỉ là một lý tưởng chính trị, mà còn là một mô hình thực tiễn phát triển sinh động trong đó đặt trọng tâm vào sự giàu mạnh, công bằng, tiến bộ, dân chủ và văn minh. Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, không thể không coi khoa học công nghệ là động lực cốt lõi. Bởi làm cách mạng xã hội chủ nghĩa phải dựa vào khoa học; nếu không có một nền học vấn hiện đại, nếu không có khoa học, kỹ thuật hiện đại thì chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản chỉ là một nguyện vọng mà thôi[6].

Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị lịch sử mà còn mang tính chỉ đạo lâu dài đối với quá trình phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Từ ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, qua gần 40 năm đổi mới, qua 8 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, từ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII và một số Nghị quyết chuyên để về phát triển khoa học công nghệ[7], Đảng ta đã hình thành hệ thống quan điểm chỉ đạo khá phong phú, sâu sắc về phát triển khoa học công nghệ cũng như ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển đất nước. Trong bối cảnh mới, với yêu cầu, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[8]. Đồng thời, Đại hội XIII khẳng định 1 trong 12 định hướng lớn để phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 là: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”[9].

    Phát triển khoa học công nghệ là chìa khóa để hiện đại hóa nền kinh tế, chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý xã hội, từ đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn – một nhiệm vụ và tiêu chí quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, sứ mệnh của khoa học công nghệ còn được thể hiện qua việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế, thông tin – những lĩnh vực cốt lõi tạo nên chất lượng sống công bằng, bình đẳng, nhân văn cho mọi công dân cũng như giải phóng sức sáng tạo của con người. Trên thực tế, Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực như sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ số, giáo dục số, y tế thông minh. Đó cũng chính là những nhiệm vụ, mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội mà toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang ra sức thực hành và hoàn thiện.

    Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mang nhiều ý nghĩa sâu sắc với nước ta, đây được xem là cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, nhấn mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “đột phá quan trọng hàng đầu” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cùng với đó, những thành tựu bước đầu như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nền tảng công nghệ AI nội địa hay các doanh nghiệp công nghệ vươn ra thế giới cũng đang cho thấy khoa học công nghệ đang từng bước trở thành nền tảng vững chắc cho mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam hiện đại.

    Sự kết nối giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và những chủ trương nhất quán, đúng đắn đã thể hiện tính kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo của Đảng ta trong việc xác định vai trò trung tâm của khoa học công nghệ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khoa học và công nghệ không chỉ là công cụ phát triển, mà còn là thước đo trình độ văn minh và tiến bộ xã hội. Trong hành trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, khoa học công nghệ đóng vai trò đặc biệt – vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng, vừa là phương tiện hiện thực hóa lý tưởng cao đẹp mà Đảng và Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Ngày nay, trong hành trình xây dựng một nước Việt Nam hùng cường tiến bước vào kỷ nguyên phát triển mới, có vị thế trên bản đồ công nghệ thế giới, chúng ta càng cần kiên định với con đường Người đã mở ra – con đường của tri thức, tự chủ, đổi mới, sáng tạo. Có như vậy mỗi bước tiến của khoa học công nghệ hôm nay cũng chính là sự tiếp nối những ước vọng cao đẹp của Người với mục tiêu phát triển vì con người, vì dân tộc, phồn vinh, dân chủ, văn minh và hạnh phúc.


[1] Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr 354.

[2] Hồ Chí Minh: Sđd, t.12, tr. 501.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.14,  tr. 97.

[4] Hồ Chí Minh: Sđd, t.14, tr. 97.

[5] Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr 272.

[6] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.41, tr. 365.

[7] Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 30 tháng 3 năm 1991 của Bộ Chính trị khóa VI về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới; Nghị quyết số 02-NQ/HNTW 24 tháng 12 năm 1996 của Ban chấp hành Trung ương khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000; Nghị quyết số 20-NQTW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 50-KLTW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 140.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 115.