50 năm trước, với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dân tộc ta làm nên khúc ca khải hoàn, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, mở ra thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam. Trong bản hùng ca cách mạng của cả dân tộc, có khúc tráng ca hào hùng của quân và dân trên mảnh đất Quảng Bình thời hoa lửa
Mọi việc làm của Quảng Bình đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, có ý nghĩa đến việc bảo vệ miền Bắc
Đó là lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần duy nhất, Người đến thăm Quảng Bình-Vĩnh Linh, cách đây 68 năm (16/6/1957). Điều đó cho thấy Quảng Bình có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là “đầu sóng ngọn gió”, “tuyến lửa tiền tiêu” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và “mắt xích” quan trọng nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
Xác định vị trí quan trọng của mình, trong những năm 1954-1957, quân và dân Quảng Bình ra sức đoàn kết, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng, đưa Quảng Bình cùng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 16/6/1957, nhân dân Quảng Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Dù thời gian ngắn ngũi, Bác đã gặp gỡ Đảng bộ, quân dân và để lại những lời căn dặn sâu sắc. Bác biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân làm được trong kháng chiến và những năm hoàn bình xây dựng địa phương, nhấn mạnh đến vị trí của Quảng Bình, Vĩnh Linh trong giai đoạn mới. “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết…”[1]
Sau chuyến thăm của Bác, Tỉnh ủy mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đẩy mạnh thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Quảng Bình hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện kế hoạch 5 năm (1961-1965).
Điển hình nhất là hợp tác xã Đại Phong, “một hình mẫu” trong xây dựng hợp tác xã ở miền Bắc, được Bác Hồ hai lần viết báo khen ngợi, nhiều đoàn đến học tập, tham quan. Những thắng lợi đạt được đã làm cho nền kinh tế-xã hội trong tỉnh có những biến đổi to lớn. Bộ mặt nông thôn có những thay đổi căn bản, niềm tin trong nhân dân càng thêm củng cố, khối liên minh công nông, khối đoàn kết dân tộc ngày càng tăng cường.
Các nữ Anh hùng Quảng Bình: Nguyễn Thị Suốt, Nguyễn Thị Khíu, Trần Thị Lý, tại Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua tổ chức tại Ba Rền năm 1967 (Ảnh tư liệu)
Bản hùng ca cách mạng của quân và dân Quảng Bình
Đầu tháng 8/1964, Mỹ dựng nên sự kiện “vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đúng như nhận định của Trung ương Đảng, “địch sẽ mở rộng đánh phá miền Bắc và Quảng Bình, Vĩnh Linh là nơi chúng sẽ đánh phá trước hết”[2], Quảng Bình trở thành “túi bom, rốn đạn” “đấu sóng ngọn gió” trong những năm tháng chiến tranh phá hoại.
Đầu năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trong điều kiện đó, quân và dân Quảng Bình cùng với nhân dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, kiên cường chống trả, mở đầu trang sử chống chiến tranh phá hoại với quyết tâm “dù chiến tranh xẩy ra với hình thức nào, dù có đổ máu hi sinh, quân dân Quảng Bình cũng quyết đánh, quyết thắng trận đầu với bất cứ giá nào. Đồng thời vô luận tình huống nào cũng đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, ra sức phát triển kinh tế, văn hóa và bảo đảm đời sống nhân dân”[3].
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Quảng Bình đã chủ động triển khai vừa sản xuất vừa chiến đấu phù hợp với tình hình. Trong không khí thi đua yêu nước sôi nổi lúc đó, quân và dân Quảng Bình đã dấy lên phong trào các thi đua, nhất là phong trào“Mỗi người làm việc bằng hai” với khẩu hiệu “Giặc đến là đánh giặc đi là tiếp tục sản xuất”, nông dân với “Tay cày tay súng”, công nhân với “Tay búa tay súng”, ngư dân với “Tay lưới tay súng”... tất cả sáng ngời lên chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng, kiên trung trong chiến đấu và sản xuất.
Với sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong 150 ngày đêm chiến đấu chống Chiến dịch Sấm Rền của Mỹ, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay giặc Mỹ, đồng thời bảo đảm giao thông vận tải và sản xuất. Vì thế, ngày 17/7/1965, Bác Hồ gửi thư khen “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ Quảng Bình đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ, vừa qua lại thu hoạch vụ chiêm rất tốt. Như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi. Các tỉnh khác hãy ra sức thi đua với Quảng Bình”[4].
Tiếp đó, tháng 11/1965, Tỉnh ủy tổ chức “Đại hội tổng kết thi đua”, phát động phong trào thi đua “Hai giỏi’” (Chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi) nhằm động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh giương cao ngọn cờ thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Quân và dân Quảng Bình lại ra sức hưởng ứng các phong trào thị đua yêu nước. Hợp tác xã có phong trào “Cánh đồng thắng Mỹ”, đội sản xuất có phong trào “Thửa ruộng thâm canh thắng Mỹ”, cơ quan xí nghiệp có phong trào “Trận địa thắng Mỹ”; thanh niên có “Ba sẵn sàng”, phụ nữ có “Ba đảm đang”; khoa học kỹ thuật có “Ba quyết tâm”; giáo dục có “Hai tốt”; lực lượng vũ trang có “Ba nhất”…
Danh hiệu “Đơn vị hai giỏi”, “Chiến sĩ hai giỏi”; “Cá nhân hai giỏi
, “Gia đình hai giỏi”…xuất hiện ngày càng nhiều. Phong trào thi đua “Hai giỏi” trở thành phong trào thi đua sôi nổi lập, tạo động lực cho quân dân Quảng Bình vượt lên những đau thương mất mát, lập nên những chiến công hiển hách, trở thành phong trào cách mạng của quần chúng sâu rộng, là biểu tượng cao đẹp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong suốt 10 năm ác liệt (1965-1975).
Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, Mỹ đã cho hơn 8 vạn lần máy bay các loại tham chiến, trút xuống mảnh đất Quảng Bình hơn 1,5 triệu tấn bom, hàng vạn quả rốc-két, 14 vạn quả đạn pháo; giết hại 13.786 người, làm bị thương 22.456 người; phá hủy 99.712 nhà dân. Tính ra mỗi km2 hứng chịu 158 quả bom, 16 quả pháo, 3 quả rốc-két; mỗi người dân chịu 574 bom tạ[5]…Mặc dù, “tuyến lửa khốc liệt” như vậy, nhưng quân và dân Quảng Bình không chịu khuất phục, quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược với “Bức tường thành’ của chiến tranh nhân dân vững chắc. Trong chống chiến tranh phá hoại, quân và dân Quảng Bình đã bắn rơi 704 máy bay Mỹ, bắn trúng 86 tàu chiến các loại. Từ phong trào cách mạng anh dũng ấy, nhiều tên đất, tên người đã đi vào sử sách, viết nên bản hùng ca cách mạng như liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, mẹ Suốt, Nguyễn Thị Kim Huế…
Đơn vị dân quân Dương Thủy, huyện Lệ Thủy bắn rơi chiếc máy bay thứ 300 của giặc Mỹ
trong thành tích chung của quân và dân Quảng Bình tính đến ngày 30/7/1967
(Ảnh tư liệu Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình)
Không chỉ giỏi trong chiến đấu, trong xản xuất, nổi tiếng với khẩu hiểu “bám làng mà chiến đấu, bám đồng ruộng mà sản xuất, bám hố bom mà thâm canh”, từ vùng đất trong lửa đạn quân dân tạo ra những cánh đồng 5 tấn xanh tươi, những trang trại chăn nuôi, những nhà máy... Nhiều hợp tác xã, đơn vị sản xuất trong mọi ngành nghề vượt lên khó khăn, tiếp tục dẫn đầu trong phong trào thi đua như Đại Phong, Lộc Long, Hợp Hòa, Tiên Lang, Thiết Sơn, Cự Nẫm, Minh Khai, Bảo Ninh…
Đồng thời, Quảng Bình vẫn làm tròn nghĩa vụ đối với cách mạng miền Nam, giữ vững thông suốt trên mặt trận giao thông vận tải. Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, quân và dân Quảng Bình nỗ lực tối đa chi viện mọi sức người, sức của cho tiền tuyến. Hàng vạn người con Quảng Bình đã tham gia khắp các mặt trân trên chiến trường miền Nam, chiến trường Lào cùng với hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, không ít người đã nằm lại ở mãi tuổi hai mươi.
Trên mặt trận giao thông vận tải, với khẩu hiệu “Đảng ủy xã là chủ hàng, dân quân là công nhân bốc xếp, nền nhà dân là kho tàng”. “Nhường nhà để hàng, nhường làng dấu xe”, “Xe chưa qua nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu xương”, … quân và dân Quảng Bình đã kiên cường giữ vững những con đường kết nối hậu phương với tiền tuyến.
Kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến cùng dân tộc, Quảng Bình được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý trong đó có 160 đơn vị, 35 cán bộ, chiến sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 186 Đơn vị Quyết thắng; Bác Hồ đã 7 lần gửi thư khen quân dân Quảng Bình, tặng 4 cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược[6]…
Vượt lên tất cả, quân dân Quảng Bình đã vươn đến đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm nên bản hùng ca cách mạng hào hùng. Những thắng lợi của quân dân Quảng Bình đã góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hoàn thành vai trò hậu phương đối với cách mạng miền Nam, cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.14, tr.571
[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Báo cáo tổng kết tình hình 4 năm chống Mỹ cứu nước (1965-1968), Phòng Lưu trữ Tỉnh ủy Quảng Bình.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập II.1954-1975, Đồng Hới, 2000, tr.176
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập II. 1954-1975, Sđd, tr.43
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập II. 1954-1975, Sđd, tr.322
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập II. 1954-1975, Sđd, tr.396.