Vấn đề dân tộc thường xuyên bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng ta. Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống, tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Những kết quả đó chính là điểm sáng trong việc bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề dân tộc trên địa bàn.

Tỉnh Lâm Đồng nằm ở khu vực Tây Nguyên với 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 24,54% dân số toàn tỉnh[1]. Đa dạng sắc tộc vừa tạo nên sự đa dạng trong bản sắc văn hóa địa phương song cũng là đặc điểm thường bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm kích động di cư trái phép, chia rẽ khối đại đoàn kết, gây mất ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn. Bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là biện pháp quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Từ đó, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung triển khai đồng bộ các chính sách, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, góp phần giữ vững ổn định chính trị và đại đoàn kết dân tộc.

Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng. Các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bố trí dân cư được tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả. Qua đó, 10 dự án định canh, định cư với tổng kinh phí trên 114 tỷ đồng đã ổn định đời sống cho gần 750 hộ dân tộc thiểu số[2], đồng thời bố trí nơi ở mới cho nhiều hộ di cư tự do và các gia đình trong vùng chịu ảnh hưởng thiên tai. Hệ thống hạ tầng thiết yếu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và văn hóa được đầu tư mở rộng, góp phần cải thiện điều kiện sống và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh Lâm Đồng đã huy động tổng nguồn vốn trên 15 nghìn tỷ đồng để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung xây dựng nhiều công trình trọng điểm, trong đó có hàng trăm km đường giao thông các cấp và các công trình phúc lợi xã hội thiết yếu. Đảm bảo 100% xã trên địa bàn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện và nước hợp vệ sinh vượt trên 90%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số được khuyến khích phát triển với 353 doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ[3],góp phần quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới với phần lớn xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn, nhiều xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu.

Trên lĩnh vực chính trị, tỉnh Lâm Đồng đặc biệt chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số, nâng cao sự tham gia của đồng bào trong hệ thống chính trị với hơn 5.500 đảng viên và gần 100.000 hội viên các tổ chức chính trị - xã hội[4]. Về y tế, 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gần 93%[5]. Về văn hóa, giáo dục, tỉnh đã đầu tư trường lớp thuận lợi cho trẻ em dân tộc thiểu số, đồng thời đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố thế trận lòng dân, góp phầnbảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ảnh: Các em học sinh người dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng trong ngày khai giảng năm học mới  

(Nguồn: Chính Thành, Báo Lâm Đồng)

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo đảm quyền của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng vẫn còn một số khó khăn như: Nguồn vốn đầu tư còn phân tán, hiệu quả thấp; sản xuất chậm phát triển, thu nhập chưa bền vững; công tác giảm nghèo chưa đạt mục tiêu dài hạn, an sinh xã hội còn bất cập. Tập quán lạc hậu, tệ nạn xã hội và hoạt động tôn giáo trái phép còn tồn tại. Công tác dân vận, tuyên truyền chưa thật sự sâu rộng, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân còn thiếu kịp thời.

Để khắc phục khó khăn trong bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số , góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Việc này nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào hiểu đúng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết và ổn định chính trị, xã hội.

Thứ hai, tập trung tăng cường và ưu tiên phát triển kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách dân tộc. Để thực hiện, cần hoàn thiện cơ chế, mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, kinh tế hợp tác và trang trại hiệu quả, gắn kết chặt chẽ sản xuất với tiêu thụ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, mã số, sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc trưng địa phương.

Thứ ba, cần đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số. Bảo đảm họ được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng tại cơ sở; nâng cao năng lực đội ngũ y tế địa phương và tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục đầu tư mở rộng trường, lớp đạt chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng giáo dục nội trú, bán trú; thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển, hỗ trợ học sinh là người dân tộc thiểu số. Đồng thời, gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, đa dạng hình thức đào tạo phù hợp nhu cầu, giúp người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Thứ tư, bảo tồn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua các chính sách hỗ trợ giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết, tín ngưỡng, phong tục tập quán tốt đẹp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, hôn nhân cận huyết; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thứ năm, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt tại cơ sở, là nhiệm vụ then chốt nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của chính quyền và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể. Đồng thời, cần quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số theo Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2045. Thực hiện chính sách đãi ngộ, chăm lo cho người có uy tín trong cộng đồng góp phần phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ sáu, cần đẩy mạnh công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát động phong trào thi đua “Đoàn kết, quyết tâm vượt khó, vươn lên cùng đất nước” sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa chiến lược các công trình đầu tư trọng điểm của tỉnh nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội và liên kết vùng.

Với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện có hiệu quả việc bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.

 

[1] Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng (2024), Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 2024

[2] Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng (2024), Báo cáo chính trị tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2024 - 2029.

[3] Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng (2024), Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV, năm 2024.

[4] Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng (2024), Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV, năm 2024.

[5] Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng (2024), Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV, năm 2024.