(VNTV). Trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia dựa trên sức mạnh chính nghĩa, lẽ phải, sức mạnh của luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử, tạo môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình - nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc

Được thông qua tại hội nghị tổ chức quốc tế họp ở San Francisco (Mỹ) từ ngày 24/4 đến ngày 26/6/1945, Hiến chương Liên hợp quốc đề cao các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; hợp tác bình đẳng và cùng có lợi; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hòa bình.

Khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc quy định: “Tất cả các thành viên Liên hợp quốc giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế của họ bằng các biện pháp hòa bình sao cho không tổn hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý”. Đồng thời, các thành viên của Liên hợp quốc phải từ bỏ đe dọa bằng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào hoặc bằng mọi cách khác không phù hợp với các mục đích, tôn chỉ của Liên hợp quốc (Khoản 4 Điều 2).

Chính thức có hiệu lực từ ngày 24/10/1945, Hiến chương Liên hợp quốc đóng vai trò to lớn trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế trên cơ sở tôn trọng giá trị, bản sắc riêng của mỗi quốc gia về lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội. Các nguyên tắc và giá trị của Hiến chương Liên hợp quốc là thành quả và nỗ lực đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Riêng với vấn đề trên biển, việc giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế được thể hiện đậm nét trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). UNCLOS 1982 khẳng định nguyên tắc trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên là thông qua các biện pháp hòa bình. Vì vậy, giải quyết tranh chấp, khác biệt trên Biển Đông theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 là con đường đúng đắn duy nhất, phù hợp với lợi ích của tất cả các nước trong khu vực và hòa bình trên toàn thế giới.

Việt Nam chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982

Trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường bởi các thách thức: xu hướng quân sự hóa; tham vọng độc chiếm Biển Đông; việc đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh bất đối xứng giải quyết tranh chấp; tính hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 bị đe dọa bởi việc diễn giải và áp dụng luật pháp có lợi cho một quốc gia nào đó trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị đang gia tăng và phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, các quốc gia có lợi ích liên quan ở Biển Đông vẫn tồn tại những khác biệt lớn, những nhận thức và cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề Biển Đông và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa. Thực tiễn cho thấy, để thu hẹp những khác biệt và đi đến giải quyết những tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề khó khăn, nhiều thách thức và rất lâu dài.

Vấn đề Biển Đông và giải quyết tranh chấp, bất đồng trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một trong những thách thức chủ yếu của Việt Nam trong chiến lược phát triển quốc gia và xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông bao gồm nhiều khía cạnh: chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên Biển Đông theo UNCLOS 1982; sự toàn vẹn lãnh thổ trên biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia trên biển; phát triển bền vững kinh tế biển; vai trò và vị thế quốc gia biển Việt Nam; môi trường hòa bình và ổn định; an ninh và an toàn hàng hải...

Chính sách của Việt Nam hướng đến bảo đảm mục tiêu: giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; bảo đảm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không để xảy ra xung đột, đối đầu với các bên liên quan; bảo đảm việc khai thác tài nguyên trên các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các phương tiện, các biện pháp chính trị, tư tưởng, kinh tế, pháp lý và ngoại giao.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng một lần nữa đã khẳng định quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam là: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”[1]. Giải quyết các tranh chấp, bất đồng, khác biệt trên Biển Đông, trong đó có vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Do đó, Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở tiến trình ngoại giao và luật pháp quốc tế, thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên trên Biển Đông”.

Quá trình đàm phán, đi đến ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam với Trung Quốc phải đặt trên nền tảng, nguyên tắc bảo đảm cao nhất chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc. Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thể nhân nhượng, không thể đánh đổi, không thể thỏa hiệp. Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên cơ sở pháp lý của quốc tế và sức mạnh chính nghĩa, giữ vững nguyên tắc, đồng thời kiên trì phương châm hòa hiếu, hòa bình. Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, không để bị lôi kéo, tác động bởi các nhân tố bên ngoài, không đứng về bên này để chống bên kia. Đảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế; kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản có thể xảy ra, không để Tổ quốc “bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, công tác thông tin, tuyên truyền chủ quyền biển, đảo phải hướng đến bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bình đẳng và cùng có lợi. Việt Nam đấu tranh dựa trên sức mạnh chính nghĩa, lẽ phải, sức mạnh của luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử; gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh và xu thế của thời đại, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh, kiên trì, mềm dẻo, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia, tạo môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

 

[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, Hà Nội, tr.161-162.