Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ
Do những tác động của dịch bệnh COVID-19, từ năm 2020 đến nay, cũng như quá trình chuyển đối số, hoạt động thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến, góp phần tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các giao dịch hàng hóa, tạo ra một xu thế mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Đồng thời, thương mại điện tử có thể coi là phao cứu sinh” giúp cho nhiều doanh nghiệp, nhiều đối tượng kinh doanh buôn bán vượt qua khó khăn của biến động thị trường. Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021, tỷ lệ người dùng mạng tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Có thể nói, thương mại điện tử đã, đang và sẽ ngày càng phát triển do những lợi ích rõ ràng mà phương thức này mang mại.
Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, hơn 7,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thông qua giáo dịch điện tử, trong đó bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trung bình là 29%/năm trong giai đoạn 2020-2025 và tới năm 2025, quy mô thương mại điên tử của Việt Nam sẽ đạt 52 tỷ USD. Đây là những con số rất ấn tượng, thể hiện xu hướng ngày càng phát triển do những lợi ích rõ ràng mà phương thức này mang mại.
Với người tiêu dùng, mua hàng trên mạng hiện nay rất dễ dàng và tiện lợi. Không phải mất thời gian đi đến các cửa hàng, không phải chờ đợi thanh toán…, người tiêu dùng chỉ cần ở nhà, truy cập internet với một vài thao tác đơn giản là có thể đặt mua cho mình món đồ mình muốn và sản phẩm sau đó sẽ được giao đến tận nơi theo yêu cầu. Để tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm mong muốn chỉ cần nhập từ khóa trên Google, sau vài giây là có thể nhận được hàng chục kết quả về loại sản phẩm, mức giá và mẫu mã hết sức đa dạng. Những website có uy tín thường quy định cụ thể trong thể thức giao hàng, đổi, trả, quảng cáo hàng, phương thức thanh toán để người tiêu dùng tham khảo, lựa chọn và sử dụng dịch vụ. Song cũng có không ít những người bán hàng online đã quảng cáo quá mức về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa; như livestream với những lời mời chào hấp dẫn để đánh vào sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.Trước “ma trận” thông tin nêu trên, nếu không cẩn thận, kỹ lưỡng tìm hiểu thông tin người tiêu dùng rất dễ bị lừa. Một số vi phạm phổ biến khác là: sản phẩm nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người mua hàng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng; tự động hủy đơn hàng; người tiêu dùng không mua được sản phẩm theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mãi đi kèm; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại… Với lực lượng chức năng, quản lý hoạt động thương mại điện tử khá khó khăn khi các cá nhân kinh doanh lập nhiều tài khoản bán hàng trên các mạng xã hội, đăng ký hoạt động, khai báo thông tin mập mờ, không chính xác về nhân thân, thường xuyên thay đổi địa chỉ, khi bị phản ánh về vi phạm thì xóa bỏ hình ảnh, thông tin có liên quan.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm
Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và cho những doanh nghiệp kinh doanh chân chính, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hoạt động thương mại điện tử, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cảnh báo người tiêu dùng.. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng; hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết, phân biệt hàng thật và hàng giả, hàng nhái; cung cấp thông tin về thủ đoạn vi phạm pháp luật, các hành vi lừa dối, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên lựa chọn những sàn thương mại điện tử có uy tín, có cam kết cung cấp hàng hóa chính hãng, có chính sách bảo hành, đổi trả rõ ràng. Mỗi doanh nghiệp cần minh bạch trong hoạt động của mình, thiết lập quyền riêng tư cho khách hàng thông qua những tài khoản cá nhân để họ có thể tự xác định những thông tin cần bảo mật, những thông tin cho phép hoặc không cho phép truy cập, đồng thời giúp họ xem được quá trình bảo mật thông tin của mình để bảo đảm thông tin không bị rò rỉ; có những hướng dẫn cho khách hàng khi cung cấp thông tin, chủ động giải quyết vấn đề lạm dụng thông tin khách hàng.
Ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử. Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khu mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Theo quy định mới, tngười tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website thương mại điện tử sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về hàng hóa, sản phẩm, giúp hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải./.