Bằng cơ chế này, người dân chọn ra các đại biểu thay mặt mình điều hành công việc nhà nước, đồng thời trực tiếp loại bỏ những đại diện không còn xứng đáng ra khỏi bộ máy công quyền. Do đó, có thể nói: “Nếu quyền bầu cử của nhân dân được thực hiện một cách nghiêm túc, thì cho dù nhà nước cùng các quan chức của nó có độc tài đến đâu chăng nữa cũng bị ngăn chặn một cách thích đáng bằng các nhiệm kỳ hữu hạn của chúng”[1].
Trên cơ sở hiểu rõ điều này, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải sớm tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã đi vào lịch sử nước ta như một sự kiện trọng đại của dân tộc, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam và sự hình thành của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh của mình. Lần đầu tiên, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái từ 18 tuổi trở lên, thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Tất cả các tỉnh, thành trong cả nước lúc đó, với khoảng 89% cử tri đi bỏ phiếu, đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã thành công tốt đẹp.
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa I, năm 1946. Ảnh: Tư liệu
Trong chặng đường 75 năm qua, trải qua 14 khóa, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hoạt động ngày càng chất lượng, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của dân tộc, góp phần to lớn vào quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, được Nhân dân, cử tri cả nước đồng lòng ủng hộ, tín nhiệm.
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, nhiệm vụ phía trước của Quốc hội còn rất nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới để có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Năm 2021, kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, cũng là dịp đất nước chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 dự kiến tổ chức vào tháng 5 năm 2021. Song, đây cũng là dịp để các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị ra sức chống phá. Chúng tìm cách kích động tư tưởng hoài nghi về nền dân chủ mà chúng ta đang xây dựng, xuyên tạc bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, từ đó kêu gọi đa nguyên, đa đảng. Chúng giở chiêu trò “tự ứng cử”, hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội ủng hộ cho các “nhà dân chủ” hòng gây rối, phá hoại cuộc bầu cử; đồng thời rêu rao Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử. Chúng xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, lan truyền kịch bản “xếp ghế” cho nhân sự Quốc hội trên mạng xã hội, rêu rao rằng bầu cử chỉ là hình thức,…
Thế nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận, Nhà nước mà chúng ta đang kiên trì xây dựng và hoàn thiện là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo. Quá trình xây dựng Nhà nước đã đạt được những kết quả to lớn về nhiều phương diện, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Có thể nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trên con đường xây dựng còn những bất cập, nhưng đang ngày một hoàn thiện. Hơn nữa, cũng cần phải ý thức rõ ràng rằng, mỗi quốc gia đều có một chế độ chính trị phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội của mình.
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử là rất cần thiết, nhằm bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý. Điều đó không có nghĩa là Đảng bao biện, làm thay, dàn xếp bầu cử như những luận điệu xuyên tạc, thù địch. Pháp luật về bầu cử của nước ta quy định rõ công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử, đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là quyền hiến định của công dân, không ai có quyền cản trở.
Việc lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành theo đúng quy định của Luật Bầu cử. Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ: “Chúng ta kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Tại Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng là từ 25-50 đại biểu (5-10%). Trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi thủ đoạn cài cắm các “mầm mống dân chủ” vào Quốc hội nhằm hình thành lực lượng đối lập trong cơ quan quyền lực nhà nước, thực hiện chống phá, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hiện thực hoá “diễn biến hòa bình”, đánh phá từ bên trong, thì quy định như vậy hoàn toàn không phải là một sự cản trở dân chủ, mà xuất phát từ đặc thù chính trị và nhằm ngăn chặn những nguy cơ trước mắt. Nếu nhìn lại lịch sử cách đây 75 năm, ngay trong lần tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, trong bối cảnh hết sức phức tạp, chúng ta đã phải dành 70 ghế trong Quốc hội cho Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt cách). Do đó, sự cẩn trọng như hiện nay là điều hết sức cần thiết.
Thực tế chứng minh, kể từ khi ra đời tới nay, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ mệnh của mình với đất nước. Hoạt động của Quốc hội ngày càng đổi mới theo hướng dân chủ và hiệu quả, tạo được niềm tin trongcử tri và nhân dân. Mỗi kỳ họp Quốc hội luôn là sự kiện chính trị - xã hội được toàn dân quan tâm, theo dõi và mong đợi những quyết sách đúng đắn, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì cuộc sống tốt đẹp cho Nhân dân. Đó cũng chính là lời bác bỏ đanh thép nhất đối với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động cho rằng Quốc hội nước ta chỉ mang tính hình thức.
[1]Nguyễn Đăng Dung, Chế ước quyền lực nhà nước, Nxb. Đà Nẵng, 2008, tr.179.