Định vị “bộ tứ trụ cột” của Việt Nam hiện nay
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc ngày 18/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Bốn Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới) là “Bộ tứ trụ cột” giúp Việt Nam cất cánh.
Tổng Bí thư đã không chỉ quán triệt nội dung các nghị quyết, mà còn dẫn dắt tư duy phát triển bằng một tầm nhìn chiến lược mang tính hệ thống. Bằng việc đặt hai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW trong mối liên hệ hữu cơ với hai Nghị quyết trước đó, Tổng Bí thư đã hình thành một chỉnh thể tư tưởng được gọi là “bộ tứ trụ cột”. Đó là nền tảng tư duy cho một mô hình phát triển mới của Việt Nam trong bối cảnh chuyển động nhanh, rộng và sâu của thời đại.
Điều đáng chú ý là, tư duy phát triển trong bài phát biểu của Tổng Bí thư mang nhiều điểm đột phá. Trước hết là sự thay đổi căn bản về cách tiếp cận thể chế: từ mô hình quản lý hành chính truyền thống sang mô hình Nhà nước pháp quyền kiến tạo và phục vụ. Trong đó, pháp luật không chỉ để kiểm soát mà còn là công cụ kích thích phát triển, khuyến khích sáng tạo và bảo vệ quyền tự do kinh doanh.
Một đột phá khác là sự khẳng định vai trò trung tâm của khu vực kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Đây không còn là sự khẳng định mang tính khuyến khích mà là một lựa chọn chiến lược - thể hiện tư duy phát triển nhất quán, minh bạch và hiện đại. Việc chính thức đặt kinh tế tư nhân vào vị trí “trụ cột” sẽ tạo ra không gian phát triển lớn hơn cho khu vực này, đồng thời khơi thông các nguồn lực trong xã hội.
Như vậy, “Bộ tứ trụ cột” bao gồm thể chế pháp lý, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế khu vực tư nhân, trong đó thể chế pháp quyền tạo điều kiện; đổi mới sáng tạo dẫn dắt; kinh tế tư nhân thúc đẩy thực thi và hội nhập quốc tế mở rộng không gian phát triển.
Nội hàm của “bộ tứ trụ cột”
(1) Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất
Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định: “kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”. Đây là sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức chiến lược: từ việc coi kinh tế tư nhân là khu vực bổ trợ, nay trở thành một trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo nên thế “kiềng ba chân” vững chắc cho một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập hiệu quả. Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là nhu cầu kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và khả năng thích ứng trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.
Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đề ra yêu cầu hoàn thiện thể chế để bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, ổn định; khơi thông nguồn lực về đất đai, tín dụng, thị trường, công nghệ; tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư nghiên cứu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời xây dựng đội ngũ doanh nhân hiện đại không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và khát vọng cống hiến vì quốc gia.
Nghị quyết cũng khẳng định doanh nhân Việt Nam là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” trong thời kỳ mới, đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân, từ “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, từ vai trò “bổ trợ” sang “dẫn dắt phát triển”.
(2) Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là khâu đột phá
Nghị quyết số 57-NQ/TW khẳng định, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là công cụ hỗ trợ mà phải trở thành nền tảng phát triển và lực đẩy chủ yếu cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới. Đây là một cuộc cách mạng sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi tinh thần đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, đồng bộ và nhất quán. Mọi tư duy cũ kỹ, lối làm việc hình thức, thụ động cần được loại bỏ để không cản trở tiến trình phát triển.
Đồng chí Tổng Bí thư đã từng khẳng định: “Muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới, không có con đường nào khác ngoài khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, sáng tạo bứt phá hơn để thực sự biến khoa học công nghệ thành nền tảng và động lực then chốt đưa đất nước vươn tới những tầm cao mới”.
(3) Cải cách thể chế là nền tảng phát triển
Nghị quyết số 66-NQ/TW ra đời đã xác định đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nội dung cốt lõi, nền tảng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết khẳng định pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi mà còn là cơ sở tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng và thi hành pháp luật phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của toàn Đảng và hệ thống chính trị, gắn chặt với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Tinh thần cải cách xuyên suốt Nghị quyết là chuyển đổi căn bản tư duy xây dựng pháp luật từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ bị động sang chủ động, kiến tạo. Pháp luật phải đi trước một bước, gắn với chuyển đổi số, công khai minh bạch, thuận tiện hóa tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Phân cấp, phân quyền phải rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và lợi ích cục bộ.
(4) Hội nhập quốc tế là động lực chiến lược
Nghị quyết số 59-NQ/TW được ban hành trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, cùng các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và kinh tế xanh đang định hình lại mô hình phát triển toàn cầu.
Nghị quyết khẳng định hội nhập quốc tế là động lực chiến lược, không chỉ là mở cửa, giao lưu mà là sự nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự chủ động, bản lĩnh và năng lực thích ứng toàn diện. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể sáng tạo. Nội lực từ kinh tế, thể chế, văn hóa đến nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định; ngoại lực là nguồn bổ sung. Hội nhập phải toàn diện, sâu rộng nhưng vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, nâng cao năng lực tự cường.
Nghị quyết đề ra định hướng lớn là phát triển kinh tế số, xanh, tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng khoa học công nghệ; giữ vững chủ quyền, ổn định, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược; tận dụng hội nhập để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Yêu cầu trọng yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ hội nhập có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững và khả năng phối hợp liên ngành.
Có thể khẳng định, bốn nghị quyết nói trên của Bộ Chính trị tạo thành một hệ thống chiến lược thống nhất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao thu nhập quốc dân vào năm 2045. Điểm đột phá của các nghị quyết là tư duy phát triển mới để đưa Việt Nam thực sự cất cánh. Để thực hiện tốt bốn nghị quyết này đòi hỏi sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.