(VNTV). Kinh tế tư nhân - khu vực từng phải đối mặt với nhiều băn khoăn, nghi ngại - được đặt vào vị trí trung tâm của nền công vụ kiến tạo, phục vụ. Lần đầu tiên, kinh tế tư nhân được trao trọng trách là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”. Tuy nhiên, để Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào thực tiễn, cần có quá trình thể chế hóa bài bản, toàn diện. Yếu tố cốt lõi là tạo môi trường pháp lý và chính sách ổn định, giúp doanh nhân yên tâm đầu tư và làm giàu chính đáng.

Thể chế không tốt sẽ triệt tiêu động lực phát triển

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là bước ngoặt lịch sử, mở ra cơ hội để kinh tế tư nhân vươn mình đột phá, đồng thời đánh dấu sự thay đổi mang tính chiến lược trong quản trị quốc gia và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Nghị quyết 68 không chỉ khẳng định mà còn định hình sứ mệnh của các doanh nhân. Nghị quyết mới cũng sẽ thay đổi thái độ ứng xử, cơ chế chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân. Có thể nói doanh nghiệp tư nhân đã được cởi bỏ triệt để để phát triển.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, với sự ưu đãi, khuyến khích dành cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong vài thập kỷ qua, khối kinh tế tư nhân trong nước đang bị mất sức cạnh tranh và hiển hiện nguy cơ đánh mất mình ngay trên sân nhà, dù vẫn đang đóng góp đến gần 60% vào GDP, so với mức trên dưới 20% của khối FDI.

Doanh nghiệp FDI hiện đang chiếm đến 2/3 tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện tập trung vào gia công, lắp ráp mang lại giá trị gia tăng thấp, ưu tiên khai thác nguồn lao động giá rẻ hơn là mở rộng và phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi tại Việt Nam. Ngược lại, khối tư nhân còn tiềm năng dồi dào, dư địa phát triển rất lớn, từ các doanh nghiệp lớn, đến nhóm vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, dù tinh thần cải cách đã khởi động, nhưng thực tiễn cho thấy, thủ tục rườm rà, chồng chéo vẫn đang khiến vốn đầu tư bị nghẽn dòng, cơ hội phát triển bị bào mòn và niềm tin của doanh nghiệp bị thử thách.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nêu thực trạng: “Để một triển khai dự án có sử dụng đất, doanh nghiệp phải đi qua ít nhất 15 thủ tục lớn, chưa kể vô số thủ tục nhỏ liên quan đến quy hoạch, chủ trương đầu tư, đấu thầu, thuê đất, đánh giá tác động môi trường… Doanh nghiệp muốn đầu tư, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn, nhưng quy trình thủ tục quá lâu khiến họ mỏi mòn chờ đợi”.

Sự lãng phí không chỉ là thời gian, mà là cả cơ hội. Bởi lẽ, nhiều thủ tục trong số đó hoàn toàn có thể cải cách nếu có quyết tâm chính trị. Ông Tuấn dẫn lại lời Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Tại sao dự án đã nằm trong quy hoạch chi tiết, đã được đánh giá tác động môi trường, vẫn phải bắt đầu lại từ đầu mỗi lần có nhà đầu tư mới?”.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, thách thức lớn nhất hiện nay là khâu thể chế hóa.

Nếu thể chế không tốt, chính nó sẽ trở thành rào cản và triệt tiêu động lực phát triển. “Cải cách phải bắt đầu từ những điều rất cụ thể, không thể nói chung chung. Ngay cả một yêu cầu nhỏ như lý lịch tư pháp trong hồ sơ doanh nghiệp cũng có thể là rào cản nếu không được thực hiện minh bạch”, TS Trần Thị Hồng Minh chia sẻ.

Sáng 26-5, hội thảo khoa học “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”, do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức, đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tham gia. Các tham luận tại hội thảo tập trung làm rõ cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hội thảo khoa học Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, có sự tham dự của nhiều chuyên gia. Ảnh: Thanh Hiền

Khẩn trương tháo gỡ nút thắt thể chế, cởi trói cho doanh nghiệp

Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn chỉ rõ, thủ tục đầu tư hiện nay là điểm nghẽn lớn khiến dòng vốn chậm chảy vào nền kinh tế, đặc biệt là các dự án sử dụng đất. Ông dẫn chứng khảo sát cho thấy, 74% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy kế hoạch đầu tư do vướng mắc thủ tục hành chính đất đai.

Vì vậy, để nghị quyết đi vào cuộc sống, cần hành động quyết liệt từ Chính phủ và Quốc hội nhằm cải thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục và thúc đẩy môi trường đầu tư thông minh hơn cho doanh nghiệp tư nhân.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cũng nhấn mạnh, để Nghị quyết 68-NQ/TW đi vào thực tế, cần có quá trình thể chế hóa bài bản, toàn diện. Yếu tố cốt lõi là tạo môi trường pháp lý và chính sách ổn định, giúp doanh nhân yên tâm đầu tư và làm giàu chính đáng.

Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương – Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, cần phải cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, đặc biệt trong việc nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

“Muốn các Nghị quyết đi vào cuộc sống, thì yếu tố con người - những người trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp phải thay đổi. Phải có KPI rõ ràng. Doanh nghiệp, người dân phải được quyền đánh giá công chức có làm đúng trách nhiệm hay không”, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Theo Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành phần kinh tế tư nhân chỉ có thể thực sự chuyển mình từ vai trò "bổ trợ" sang "động lực quan trọng của nền kinh tế" khi môi trường thể chế, chính sách được cải thiện đồng bộ; đồng thời, chính các doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực quản trị, năng suất và khả năng đổi mới sáng tạo.

Đồng tình quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, điều cốt lõi để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế là phải tháo gỡ các trói buộc, khơi thông những điểm nghẽn thể chế đang kìm hãm sự phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt như hạ tầng và nhân lực.

Cải cách nhà nước cần song hành với cải cách thị trường, nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế./.