Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: Sự lựa chọn lịch sử mang tầm chiến lược toàn diện
Không phải ngẫu nhiên mà dân tộc Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là kết tinh của những chiêm nghiệm sâu sắc từ lịch sử đấu tranh giành độc lập, là kết quả của một quá trình nhận thức và vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin vào thực tiễn Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta lãnh đạo xây dựng là mô hình phát triển vì con người, do con người và vì sự phát triển toàn diện của con người. Đó là một xã hội trong đó tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, trong đó không để ai bị bỏ lại phía sau, nơi mọi người có cơ hội, điều kiện để tham gia kiến tạo phát triển và là nơi thành quả phát triển không rơi vào tay thiểu số mà được phân bổ công bằng, nhân văn.
Chính vì vậy, luận điệu cho rằng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là "chia đều sự nghèo khổ" không chỉ phiến diện, mà còn phản ánh một sự xuyên tạc thô thiển, ác ý, nhằm làm lu mờ những thành tựu vĩ đại và chệch hướng lý tưởng cách mạng của dân tộc ta.
Chủ nghĩa xã hội: Không đồng nhất với bình quân chủ nghĩa, càng không phải là sự nghèo nàn đồng loạt
Công bằng chủ nghĩa xã hội được thể hiện trong nguyên tắc phân phối theo lao động. Dưới góc nhìn của C.Mác, sau khi trích ra các phần cần thiết để duy trì và tái sản xuất, cũng như bảo đảm đời sống chung của cộng đồng, phần sản phẩm xã hội còn lại sẽ được phân phối dựa trên nguyên tắc: người lao động nhận được một lượng vật phẩm tiêu dùng tương xứng với lượng lao động mà họ đã cống hiến cho xã hội, sau khi đã trừ phần đóng góp vào các quỹ công cộng. Nguyên tắc này thể hiện sự công bằng, bởi mọi người sản xuất đều được quyền tiếp cận quỹ tiêu dùng xã hội một cách bình đẳng nếu họ cống hiến một lượng lao động như nhau.
Luận điệu "chia đều sự nghèo khổ" hàm ý rằng chủ nghĩa xã hội là nơi triệt tiêu động lực cạnh tranh, thủ tiêu cá nhân, làm cản trở phát triển. Nhưng sự thật là, chính trong mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, những giá trị sáng tạo, năng lực cá nhân, tinh thần doanh nhân được phát huy mạnh mẽ trong một khuôn khổ pháp lý ổn định, công bằng, và định hướng xã hội rõ ràng; vừa khuyến khích làm giàu hợp pháp vừa tích cực xóa đói giảm nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đó không phải là sự phủ nhận thị trường, mà là sự điều tiết thị trường để không biến nó thành công cụ của chủ nghĩa đầu cơ, bóc lột, lũng đoạn. Đó không phải là sự "cào bằng" như các thế lực thù địch rêu rao, mà là sự bảo đảm cơ hội công bằng và quyền tiếp cận công lý, giáo dục, y tế, việc làm cho mọi công dân.
Thực tiễn Việt Nam: Phồn vinh, công bằng và hội nhập
Trải qua 40 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ từ một quốc gia nghèo nàn, từng chịu cảnh bao vây, cấm vận, trở thành một đối tác có vị thế trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 34 nước, bao gồm tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cường quốc hàng đầu thế giới. Đồng thời, Việt Nam cũng là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế và khu vực, với mạng lưới hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh ngày càng sâu sắc và thực chất.
Tính đến năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,09%, nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 476,3 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD. Năng suất lao động đạt 9.182 USD/người, tăng 726 USD so với năm trước. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi xuất khẩu mạnh mẽ và dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào. Cụ thể, xuất khẩu tăng 14,3% đạt 405,53 tỷ USD, trong khi đầu tư nước ngoài tăng 9,4% lên 25,35 tỷ USD. Chỉ số phát triển con người (HDI) liên tục tăng.
Đặc biệt, Việt Nam đã và đang xây dựng thành công các mô hình phát triển vùng sâu, vùng xa, như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Những thành tựu đó không thể là kết quả của một mô hình “chia đều sự nghèo khổ”, mà phải được kiến tạo từ một nền tảng chính trị ổn định, đường lối phát triển đúng đắn và sự đồng thuận xã hội cao.
Phản bác luận điệu xuyên tạc: Sự cần thiết của một trận tuyến tư tưởng sắc bén
Những kẻ cố tình gán ghép chủ nghĩa xã hội với sự trì trệ, nghèo đói không phải vì thiếu thông tin, mà bởi động cơ chính trị thâm độc. Họ thừa biết rằng, Việt Nam đi lên từ đống đổ nát bởi chiến tranh, từ nền nông nghiệp lạc hậu, song họ không muốn thấy một Việt Nam ổn định, phát triển và độc lập trên con đường riêng của mình. Họ lo sợ sự thành công của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sẽ trở thành một minh chứng sống động phản bác lại những định kiến tư bản chủ nghĩa.
Do đó, cần xây dựng và củng cố mạnh mẽ trận tuyến tư tưởng – lý luận trong Đảng và toàn xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên, học giả, nhà báo cần trở thành một chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu sai trái, làm sáng tỏ hơn nữa những thành tựu thực tiễn và giá trị lý luận của chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Kết luận: Chủ nghĩa xã hội – khát vọng Việt Nam thời đại mới
Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đang hiện hữu sinh động, đang từng bước khẳng định tính ưu việt qua từng chính sách phát triển vùng, từng công trình trọng điểm, từng chương trình quốc gia vì an sinh, phúc lợi nhân dân. Đó là lựa chọn đầy bản lĩnh và nhân văn của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Bác bỏ luận điệu “chia đều sự nghèo khổ” cũng là khẳng định rằng: Việt Nam không chỉ đang đi đúng đường, mà đang từng bước hiện thực hóa khát vọng – khát vọng về một dân tộc hùng cường, một đất nước phồn vinh, một xã hội công bằng, nơi mọi người dân đều có cơ hội vươn lên cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.