Trả lời:
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp cơ sở (cấp xã), bởi “Cấp xã là gần gũi nhân dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”[1]. Chính quyền địa phương giữ vai trò là cầu nối gần gũi nhất giữa Nhà nước và Nhân dân, là nơi trực tiếp giải quyết các vấn đề thiết thực của người dân, từ thủ tịch hành chính, an sinh xã hội đến an ninh trật tự. Đồng thời chính quyền địa phương tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách sát thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn. Việc tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý nhà nước còn góp phần xây dựng chính quyền dân chủ, gần dân và vì dân.
Hiểu rõ vai trò của chính quyền địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lưu ý cán bộ các cấp chính quyền phải sửa chữa, khắc phục, tránh mắc phải những sai lầm, khuyết điểm như trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.
Một là, trái phép - tức là “vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho nhân dân oán than”.
Hai là, cậy thế - tức là “cậy thế mình trong ban này, ban nọ rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận không nghĩ đến dân”.
Ba là, hủ hóa - tức là “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ... Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”.
Bốn là, tư túng - tức là “Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài”.
Năm là, chia rẽ - tức là “Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau”.
Sáu là, kiêu ngạo - tức là “Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ”[2].
Có thể nói, sáu thói xấu gồm có trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo là những biểu hiện tha hóa quyền lực, làm tha hóa phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ. Những hành vi như bắt bớ vì tư thù, ỷ thể coi thường Nhân dân, tham lam vật chất, kéo bè kết canh, chia rẽ nội bộ và tỏ thái đố kiêu ngạo, hách dịch… không chỉ khiến người dân oán thán, mất lòng tin mà còn làm suy giảm uy tín của Đảng, Chính phủ. Nếu không được chấn chỉnh nghiêm túc, các thói xấu sẽ làm suy yếu bộ máy lãnh đạo, gây rạn nứt khối đoàn kết toàn dân tộc, cản trở công cuộc phát triển đất nước một cách bền vững.
Vì vậy, trước thực tiễn của đời sống xã hội có nhiều thay đổi, biến động, mỗi cán bộ cần phải quán triệt, thực hiện tốt cho được lối sống, đạo đức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân, vì lợi ích của quốc gia dân tộc là trên hết. Và chúng ta phải ghi sâu những chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra đó là: “công bình, chính trực” vào lòng. Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang từng bước tiến vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, việc tiến hành cuộc “cách mạng” sắp xếp tổ chức bộ máy với việc tổ chức đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền 2 cấp bảo đảm yêu cầu chiến lược phát triển đất nước lâu dài. Chính quyền địa phương sau khi sắp xếp phải đảm bảo tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại. Cho nên, mỗi cán bộ cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/01/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trong đó nhấn mạnh đẩy mạnh giáo dục cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. “Đẩy mạnh giáo dục cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư để “không muốn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế chặt chẽ để “không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; xử lý vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ để “không dám tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; nâng cao đời sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để “không cần tham nhũng, tiêu cực”[3].
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 460.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 65-66.
[3] Ban Chấp hành Trung ương: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/01/2025, Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.