Khi nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chắc chắn chúng ta không thể không nhắc tới những quyết sách linh hoạt, sáng tạo của Người. Chính những quyết sách linh hoạt, sáng tạo này đã đưa đến những thành công cho cách mạng Việt Nam. Không khó để nhận ra rằng trước những giai đoạn thử thách đầy cam go của lịch sử, bằng sự nhạy bén và mẫn cảm chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng bộ máy lãnh đạo đưa ra những quyết định chuẩn xác, tạo ra thời cơ thuận lợi để dân tộc Việt Nam vượt lên và đi tới
1. Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi Người chưa nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản.
Một câu hỏi lớn cho đến hôm nay vẫn chưa thật sự có lời giải đáp thật thấu đáo là vì sao khi ấy Nguyễn Ái Quốc lại không được giao là người đứng đầu Đảng. Nếu đọc lại đường lối của Quốc tế Cộng sản khi ấy và Chính cương vắn tắt, Sách lược văn tắt của Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì có lẽ chúng ta cũng có thêm ở đó lời giải đáp chăng?
Trong khi Quốc tế Cộng sản khi ấy cho rằng chỉ công nông mới là lực lượng của cách mạng thì trong Cương lĩnh đầu tiên của Hội nghị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định rằng ở Việt Nam, chỉ những ai phản lại quyền lợi của đất nước và dân tộc mới không phải là lực lượng của cách mạng và cần đánh đổ, tất cả những ai vì đất nước, vì dân tộc sẽ có chỗ đứng trong lòng dân tộc và sẽ là lực lượng của cách mạng.
Tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Trung ương và bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Hội nghị cũng đã thay thế Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt bằng Luận cương chính trị tháng 10/1930, trong đó có những quan điểm, tư tưởng có thể coi là khác về cơ bản so với đường lối trước đó của Nguyễn Ái Quốc. Viết ra điều này không phải để phê phán các bậc tiền bối, bởi chúng ta đều biết rằng cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ đều bị thực dân Pháp bắt, xử tù, giết hại. Đối với một con người cái gì là quý nhất? xin thưa! Đó là sự sống, vậy mà để mưu cầu độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, các bậc tiền bối vĩ đại này đã không tiếc chính cả bản thân mình. Vậy thì, với tư cách là những người thuộc thế hệ sau và đang được hưởng những thành quả từ sự hi sinh của các thế hệ đi trước chúng ta chỉ còn biết cúi đầu, kính phục. Sở dĩ phải viết lại điều này để thấy rằng con đường của dân tộc cũng nhiều chông gai, trắc trở, không chỉ đến từ phía thực dân, đế quốc.
Tất nhiên, những hạn chế về đường lối, quan điểm khi ấy của các nhà lãnh đạo của Đảng chắc chắn có nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân là chúng ta chịu sự chi phối quá mạnh mẽ từ Quốc tế Cộng sản, nhưng bản thân các nhà lãnh đạo khi ấy lại mang tư tưởng phục tùng, tuân lệnh…Nguyễn Ái Quốc. Dường như trong những thời điểm khúc quanh trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Nguyễn Ái Quốc thường có tư duy bơi ngược dòng. Không phải chỉ khi đã trở thành người lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà kể từ khi quyết định ra đi tìm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc cũng đã quyết định …ngược dòng khi đi sang phương Tây, sang nước Pháp, nước đang đô hộ dân tộc Việt Nam khi ấy.
Lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ 06/3/1946 tại 38 Lý Thái Tổ, Hà Nội (Ảnh tư liệu)
2. Bây giờ nếu ai đến thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Long Xuyên, An Giang sẽ thấy ở đó có 1 chiếc xuồng máy. Chiếc xuồng máy này chính là phương tiện mà Bác Tôn đã sửa để chở các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng bị kẻ thù giam cầm ngoài Côn Đảo về đất liền khi Cách mạng tháng Tám thành công. Các sách sử của chúng ta hiện nay đều viết rằng Cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản Đông Dương có 5 nghìn đảng viên. Thực ra con số 5 nghìn ấy là tổng số, thực tế khi ấy rất nhiều đồng chí vẫn bị giam cầm ở các nhà tù. Ai là người làm nên cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại, tất nhiên đó là nhân dân. Cố Trưởng ban Tuyên huấn Xứ uỷ Nam Bộ Nguyễn Văn Nguyễn trong “Tháng Tám trời mạnh thu” đã từng cảm tác: “Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình vô vi của anh hùng cô độc. Một tác phẩm của nhân dân, làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân”.
Để có cuộc Cách mạng tháng Tám thành công nhanh chóng và hầu như không đổ máu là công lao và sức mạnh của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Song, nếu không có những quyết sách sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1941 thì liệu có được kết quả tốt đẹp này hay không. Mặt trận Việt Minh thành lập với đường lối đúng đắn của mình đã quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941 đã quyết định thay đổi chiến lược của cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tất cả các mục tiêu, lợi ích khác đều phải phục vụ cho mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc. Năm 1945, khi thời cơ cách mạng tới, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn dân hãy “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Đất nước giành được độc lập song phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, thù trong, giặc ngoài, bằng thiên tài lãnh đạo và phong cách linh hoạt, sáng tạo, uyển chuyển của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các quyết sách chống nạn đói, nạn dốt, chống ngoại xâm, bầu cử tự do, biên soạn và ban hành Hiến pháp v.v…Để tranh thủ thời cơ, có thêm thời gian chuẩn bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định nhượng bộ, ký với Pháp nhiều hiệp định, thoả thuận, trong đó có những thoả thuận đã gây ra cho Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhiều nghi kỵ, hiểu lầm, chống đối như Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946. Hơn 80 năm đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã gây ra cho dân tộc ta biết bao đau thương, mất mát và khi ấy họ còn lăm le quay trở lại xâm lược toàn bộ nước ta lần thứ 2, họ là “thù”. Cùng thời điểm ấy, với danh nghĩa đồng minh, 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc đã vào Việt Nam, họ vào Việt Nam với danh nghĩa là “bạn”. Để tiễn 20 vạn “bạn” về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 cho “thù” là Pháp ra Vĩ tuyến 16 để 20 vạn “bạn” Trung Hoa Dân quốc phải rút về nước, tức cho giặc quay lại để tiễn “bạn” về.
Khi đọc sách, chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Hồ Chí minh đã ký với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp bản Tạm ước 14/9/1946, thế nhưng có bao nhiêu người biết rằng bản tạm ước ấy đã được ký vào nửa đêm giờ Paris nước Pháp. Để tìm cách đưa đất nước và dân tộc Việt Nam thoát khỏi cảnh “nước sôi, lửa bỏng”, để thêm một chút ít thời gian chuẩn bị kháng chiến nữa thôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận lực làm tất cả những gì có thể làm được…
Năm 1959, trước tình hình khẩn trương của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 15 về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 đã chuyển chiến lược từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động tấn công, tạo nên bước tiến nhảy vọt cho cách mạng miền Nam đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng…
Hội nghị Trung ương lần thứ 15 do Hồ Chủ tịch chủ tọa họp tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 01/1959 (Ảnh tư liệu baotanglichsu.vn)
3. Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, thế nhưng Người luôn luôn vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam chứ không hề rập khuôn, máy móc, giáo điều. Có lẽ phẩm chất đặc biệt này của Người có được là bởi chính Người đã hiểu một cách tường tận, thấu đáo chủ nghĩa Mác-Lênin chăng?
Còn nhớ, trong bức thư gửi cho một nữ văn sỹ người Mỹ là Kvinhetskai năm 1887, Ph.Ăngghen đã nói rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”. Mác- Ph.Ăngghen, Lênin và cả Hồ Chí Minh dù có tài năng đến bao nhiêu cũng không thể đưa ra được sơ đồ phát triển cho hậu thế, bởi xã hội luôn luôn phát triển, biến đổi không ngừng. Các bậc vĩ nhân này nếu có chỉ có thể dự báo được tương lai phát triển chứ không thể thiết kế ra một mô hình để cho người sau cứ vậy bê nguyên xi mà thực hiện. Kể từ năm 1965, khi bắt tay vào viết bản Di chúc để lại trước khi đi xa cho đến những bản cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa chữa rất nhiều lần. Lịch sử không có chữ nếu, song nếu còn sống thì có thể với tư duy đổi mới, sáng tạo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục sửa bản Di chúc này.
Khi đọc lại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của, có nội dung rất quan trọng đó là “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Như vậy rõ ràng Nghị quyết nêu rất rõ 2 nội dung là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo. Thế nhưng hình như bây giờ không mấy nơi, mấy chỗ nhấn mạnh vế “vận dụng, phát triển sáng tạo” mà chỉ nhấn mạnh “kiên định”, đó là cách hiểu chưa đúng, chưa đủ. Thế hệ đi sau đừng bắt các bậc tiền bối phải suy tư và vạch ra một mô hình cụ thể cho chúng ta. Trên con đường mà các bậc tiền bối đã khai mở, thế hệ đi sau có thể đi thuyền, bắc cầu, làm phà, làm cầu, làm đường cao tốc, thậm chí đường sắt cao tốc tốc độ cao thì đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của thế hệ hôm nay và những thế hệ nối tiếp. Trên con đường ấy khi đi bằng đường sông chắc chắn ta phải dùng thuyền, dùng phà, nhưng giờ là cao tốc ta phải dùng xe hơi. Dù đi xe hơi, ta cũng không được quên cái thuyền bởi nhờ có cái thuyền nên bây giờ mới được đi xe hơi. Thế nhưng nếu đi trên lộ lớn mà hằng ngày chúng ta cứ ôm khư khư cái thuyền thì là người bảo thủ, không phù hợp thực tiễn…
Những tư duy đổi mới, sáng tạo, linh hoạt từ Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay lại đang nhìn thấy ở mọi lúc, mọi nơi. Là một chính đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn tự đổi mới mình để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại và hiện nay vẫn đang tiếp tục đổi mới bằng những quyết sách mạnh mẽ sáng tạo như thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất…Học và làm theo Bác Hồ hãy bằng những việc thiết thực và cụ thể, trong đó có việc luôn tự đổi mới chính mình để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại.