Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1969. Đây là thời kỳ đấu tranh cực kỳ gian khổ, phức tạp mà nhân dân ta đã vượt qua để đi tới thắng lợi cuối cùng. Mỗi bước đi lên và thắng lợi của cuộc kháng chiến đều gắn liền với vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện trong tư tưởng và chỉ đạo thực hiện tư tưởng của Người
Cùng Trung ương Đảng vạch ra đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đúng đắn, sáng tạo, nêu cao tinh thần, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những đặc điểm cơ bản, liên quan đến nguồn gốc, tính chất của cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta, nhấn mạnh ý chí, quyết tâm của nhân dân Việt Nam đấu tranh cho thống nhất Tổ quốc; đồng thời, chỉ rõ âm mưu hết sức thâm độc của Mỹ và tính chất gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giành hoà bình, thống nhất Tổ quốc. Người khẳng định: “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”. “Cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng! Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà!”[1]. Hồ Chí Minh nêu rõ, cuộc đụng đầu của nhân dân Việt Nam với Mỹ và tay sai là một cuộc đụng đầu lịch sử có ý nghĩa quốc tế, thời đại sâu sắc và thắng lợi chắc chắn thuộc về nhân dân ta.
Kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 15 (1959), Đảng ta đã có sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng miền Nam, từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, tiến hành chiến tranh cách mạng để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tuy nhiên, chủ trương này không được sự tán đồng của hai nước đồng minh chiến lược Xô - Trung. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Đảng ta, một mặt tích cực vận động quốc tế (chủ yếu là Liên Xô, Trung Quốc) ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ; mặt khác, giữ vững đường lối vũ trang cách mạng để giải phóng miền Nam, thực thi nguyên tắc độc lập, tự chủ, không lệ thuộc vào bất cứ sức ép nào.
Từ năm 1965, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Từ đây, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược ở mức độ cao nhất do Mỹ tiến hành trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam. Hồ Chí Minh nêu rõ: “Lúc này, chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước” và kêu gọi: “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”[2].
Phân tích việc Mỹ đưa quân vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, Người nói: “Ta thấy chỗ mạnh của nó, vũ khí của nó mới, tiền của nó nhiều, nhưng ta cũng biết những khuyết điểm của nó mà là khuyết điểm lớn, cơ bản. Bây giờ tất cả thiên hạ đều chống nó… nhất định ta thắng”[3].
Người nhấn mạnh: phải nhận rõ ưu điểm và khuyết điểm của địch, thì chúng ta tin chắc chắn chúng ta nhất định thắng. Tuy nhiên, thắng lợi không phải tự nhiên mà đến. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm đánh Mỹ thì ta nhất định thắng dù phải hy sinh gian khổ đến đâu. Ta nhất định thắng vì nhân dân ta rất anh hùng, Đảng ta có đường lối đúng đắn, cuộc kháng chiến của chúng ta được các nước anh em và nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ và hết lòng giúp đỡ. Ta nhất định thắng vì cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng miền Nam (Ảnh tư liệu)
Thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn dân quyết tâm đánh bại chiến tranh xâm lược của Mỹ, trong lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (17/7/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao quyết tâm chống Mỹ, cứu nước không gì lay chuyển được của nhân dân Việt Nam và khẳng định chân lý Không có gì quý hơn độc lập, tự do.”.
Lời kêu gọi của Người thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đó cũng là chân lý phổ biến đối với các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, tự do và là xu thế của thời đại. Vì vậy, tư tưởng đó đã ăn sâu vào trái tim của toàn thể nhân dân Việt Nam, trở thành cương lĩnh chiến đấu đầy khí thế tiến công, đồng thời lôi cuốn được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào thắng lợi của dân tộc. Trong Di chúc, Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”[4].
Niềm tin tất thắng đó đã lan toả, truyền đến cho mỗi người Việt Nam thêm tin tưởng, đoàn kết chặt chẽ tạo nên sức mạnh vô địch để chiến thắng. Nhà văn Ôxtrâylia, Alan Axbon đã viết: “Mặc dù Hồ Chí Minh không còn sống đến ngày thắng lợi, xét về mặt lịch sử, Người là kiến trúc sư của thắng lợi đó”[5].
Trong bài “Bác Hồ cũng như Môidơ”, Phrăngxoa Phôngviây Anriê (nhà báo Pháp) cũng viết: “…Thế rồi Cụ Hồ Chí Minh qua đời trước khi được nhìn thấy nền hoà bình mà Cụ biết bao mong ước. Cụ cũng giống như Môidơ đứng trước ngưỡng cửa “đất hứa hẹn” mà chưa kịp bước chân vào. Nhưng chiến thắng về tinh thần, chiến thắng của ý chí và lòng dũng cảm thì Cụ đã giành được”[6].
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại những giờ phút hân hoan, vui mừng đại thắng mùa Xuân 1975: “Còn lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, mà sao nước mắt tôi cứ trào ra. “Giá như còn Bác…”. Tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự của Bác đã mang về thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Câu thơ Xuân “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” đã vạch đường đi nước bước để có thắng lợi hôm nay.”[7].
Biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố tạo nên động lực, sức mạnh vô địch để chiến thắng, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước
Đất nước được thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà, đó là nguyện vọng thiết tha của toàn dân ta và của Bác Hồ. Vì vậy, Người luôn theo sát từng bước cuộc đấu tranh gian khổ, đầy hy sinh anh dũng của đồng bào miền Nam; chia sẻ những đau thương, mất mát, truyền đến cho nhân dân miền Nam ý chí và niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng.
Miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, miền Nam “đi trước, về sau” đã trở thành một nỗi day dứt không nguôi trong tâm trí của Hồ Chí Minh. Người từng nói: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn luôn ở trong trái tim tôi”. “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp tất cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quí tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quí đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”.
Nhân dân miền Nam chào mừng ngày đất nước thống nhất (Ảnh tư liệu)
Thực tế cho thấy, hình ảnh của Bác luôn toả sáng, trở thành nguồn sức mạnh, niềm tin tất thắng, nâng bước nhân dân miền Nam vượt qua những mất mát đau thương, đạp lên đầu thù để chiến thắng. Trả lời câu hỏi về sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào, Người khẳng định: “Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới”[8].
Hồ Chí Minh được thừa nhận là người có sức mạnh tập hợp trong cuộc kháng chiến và cách mạng Việt Nam. Người đã thu phục được trái tim, khối óc của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới.
Chỉ đạo đấu tranh ngoại giao, tăng cường, mở rộng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè năm châu
Mỹ luôn bào chữa cho cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam là “giữ lời cam kết” với đồng minh là cuộc sống Sài Gòn và vu khống cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân miền Nam Việt Nam là “sự xâm lược của miền Bắc Việt Nam”. Thực tế rõ ràng Mỹ đưa quân xâm lược đất nước Việt Nam, với số lương cao nhất 543.000 năm 1969. Cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân miền Nam là chính nghĩa. Tuy nhiên, giới cầm quyền Mỹ vừa tăng cường chiến tranh, vừa rêu rao về “thiện chí hoà bình” hòng lừa bịp dư luận nhân dân Mỹ và thế giới.
Để vạch trần, bác bỏ những luận điệu giả dối của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Quen thói vừa ăn cướp, vừa la làng, Chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược, mà chúng lại trơ tráo vu khống miền Bắc ta “xâm lược” miền Nam. Chính đế quốc Mỹ là kẻ phá hoại hoà bình, phá hoại Hiệp định Giơnevơ…”[9].
Hồ Chí Minh đã nhiều lần nêu giải pháp để giải quyết vấn đề Việt Nam, đó là “Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài... Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”.
Những tiếng nói chân tình, hợp đạo lý, hợp lòng người của Hồ Chí Minh đã góp phần thức tỉnh lương tri, cổ vũ và thúc đẩy phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược, đòi chính phủ phải rút quân khỏi Việt Nam.
Cuộc chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của dân tộc, đồng thời là nghĩa vụ quốc tế cao cả của nhân dân ta. Vì vậy, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh có những bất đồng sâu sắc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải xử lý nhiều mối quan hệ phức tạp, đan xen, chồng chéo giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Liên Xô và Trung Quốc, sao cho vừa giữ vững được độc lập, tự chủ của ta, vừa tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ tối đa của các nước bạn.
Đồng thời, Người rất chăm lo giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về tình đoàn kết, hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Cùng với những hoạt động trên, Người đã quan tâm chỉ đạo xây dựng mối quan hệ rộng rãi với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, nhiều nhân sĩ, trí thức, chính khách, nhà văn hoá có tên tuổi để hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, chống Mỹ xâm lược.
“Việt Nam - Hồ Chí Minh” đã trở thành lương tri của loài người, thành khẩu hiệu có sức lôi cuốn, tập hợp rộng rãi mọi người không phân biệt dân tộc, tôn giáo, chính kiến đều đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Đó là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử, một nhân tố mà Mỹ không lường hết được khi lao vào cuộc đụng đầu lịch sử với Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình mới, đất nước ta đang có những vận hội lớn, đồng thời phải đối mặt với những thách thức mới. Cũng như trước đây, trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã luôn xuất phát từ thực tiễn và đề ra những quyết sách đột phá phù hợp với quy luật vận động của chiến tranh cách mạng, thì ngày nay, Đảng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn, tìm ra quy luật, đề ra đường lối đổi mới đúng đắn và sáng tạo, đặc biệt có những quyết sách chiến lược đổi mới, sáng tạo, để tiếp tục đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.2011, t.14, tr.698.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.533-534
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.13-14
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.618.
[5] Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2010, tr.68.
[6] Hồ Chí Minh - Một người châu Á của mọi thời đại, Sđd, tr.41-42.
[7] Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2012, tr.335.
[8] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, t.10, tr.316.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.531.