Sau 9 năm gian khổ kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc Việt Nam mong muốn được sống trong hòa bình, thống nhất, thế nhưng Mỹ lại muốn biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Với ý chí và khát vọng thống nhất đất nước, nhân dân 2 miền Nam - Bắc đã vùng lên, chống lại ách thống trị hà khắc của Mỹ - ngụy.

Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh lớn nhất về quy mô, lực lượng tham gia, phương tiện chiến tranh và ngân sách được huy động. Không những thế Mỹ còn có 34 nước đồng minh tham gia đóng góp lực lượng, lương thực, thuốc men, trang bị kỹ thuật và huấn luyện, giúp Mỹ tiến hành chiến tranh. Với sức mạnh vượt trội như vậy, giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc tin chắc sẽ chiến thắng một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, sau 21 năm tiến hành cuộc chiến tranh hao người, tốn của ở Việt Nam, lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm của nước Mỹ, họ đã phải hứng chịu thất bại. Dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đánh thắng kẻ thù hùng mạnh nhất của loài người tiến bộ trong thế kỷ 20.

Kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Báo VOV.VN đăng tải loạt bài viết về những thất bại cay đắng của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa và cuộc chiến trường kỳ của dân tộc với khát vọng thống nhất đất nước.

cuoc chien truong ky va khat vong thong nhat Doi bo gioi tuyen hinh anh 1

Cầu Hiền Lương. Ảnh tư liệu

Vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền

Sau 9 năm trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, dân tộc Việt Nam không mong muốn gì hơn là được sống trong hòa bình, tự do, thống nhất. Những tưởng ước mơ, khát vọng đó sẽ thành hiện thực khi Hiệp định Geveve được ký kết. Nhưng với ý đồ, dã tâm xâm lược và thống trị Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, Mỹ đã phớt lờ những điều khoản đã quy định của Hội nghị. Vỹ tuyến 17, con sông Bến Hải trở thành ranh giới, phân chia, ngăn cách hai miền đất nước. Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Dải đất hình chữ S Bắc - Nam một dải, núi sông nối liền. Vậy mà, các thế lực, các nước lớn đã vì những lợi ích toan tính của mình không để cho nhân dân Việt Nam được hưởng hòa bình trọn vẹn.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhận định: “Vĩ tuyến 17 chia cắt giữa hai miền, chia cắt đất nước có thể nói là dài nhất, đau thương nhất trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Chúng ta đấu tranh trên cơ sở của Hiệp định Geneva. Nhưng chính phía bên kia đã phản bội nên giới tuyến của chúng ta không được thực hiện theo các điều quy định trong Hiệp định Geneva. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ, ác liệt nhất trong lịch sử”.

cuoc chien truong ky va khat vong thong nhat Doi bo gioi tuyen hinh anh 2

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Còn Tiến sĩ Sử học Phạm Minh Thế cho rằng: “Phía Pháp đã đưa ra quan điểm lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới phân chia địa bàn tạm thời. Còn quan điểm của ta là lấy vĩ tuyến 13 hoặc chí ít là vĩ tuyến 16. Thế nhưng, ta gặp phải nhiều rào cản. Thứ nhất đó là sự ngoan cố của Pháp không chấp nhận yêu cầu của ta. Thứ hai là Mỹ đã can thiệp quá sâu vào vấn đề Đông Dương, gây sức ép nhằm phá vỡ Hội nghị Geneva để thực hiện âm mưu hất cẳng Pháp và tiếp tục cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Đông Dương”.

cuoc chien truong ky va khat vong thong nhat Doi bo gioi tuyen hinh anh 3

Tiến sĩ Sử học Phạm Minh Thế.

Giết nhầm còn hơn bỏ sót

Hai miền bị chia đôi, đất nước bị chia cắt. Miền Bắc đã có hòa bình nhưng đồng bào miền Nam vẫn sống trong ách đô hộ của đế quốc Mỹ. Chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ban hành đạo luật 10-59, thi hành chính sách tố Cộng, diệt Cộng, lê máy chém đi khắp miền Nam để khủng bố, giết hại nhân dân miền Nam. Những hình thức tra tấn man rợ, phi nhân tính như: chích điện, đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, ném người vào chảo nước sôi, chôn sống, thiêu sống… Đồng thời, chúng tiến hành hàng loạt các vụ bắt bớ, chém giết không thương tiếc những người yêu nước. Chúng kết hợp các hình thức tra tấn, đánh đập dã man với việc truy bức về tinh thần và tư tưởng hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của những người yêu nước.

Bà Lê Thị Thoại (79 tuổi) ở xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày, Bến Tre không thể nào quên ngày quân thù giết hại hai người anh trai của mình: “Bọn thủy quân lục chiến càn quét, cướp bóc, đánh đập, giết chóc đồng bào ở đây. Tất cả là 39 người, trong đó có 2 anh tôi. Chúng bắt về, tra khảo, gò cổ rồi lôi đi. Chúng đào cái hố sẵn, bắn anh tôi rồi chôn 2 người một hố”.

Dưới chế độ tàn sát hà khắc của Ngô Đình Diệm, nhân dân miền Nam phải chịu bao nỗi thống khổ, nhà nào cũng có người bị bắt, xã nào cũng có trại giam. Số nhà tù không đủ, địch phải lấy cả chùa chiền, thánh thất, trường học để giam giữ. Không những vậy, chúng còn dùng xe bọc thép, xe ủi để phá nhà, phá làng, dồn dân lấy đất, xây dựng căn cứ quân sự. Trong khoảng thời gian từ năm 1954 -1960, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã giết hại hơn 90 nghìn người yêu nước, bắt bớ, tra tấn, giam cầm hơn 800 nghìn người khác trong hơn 1 nghìn nhà tù. Do chính sách khủng bố dã man của chính quyền Ngô Đình Diệm, cả miền Nam tổn thất gần 9 phần 10 số cán bộ, đảng viên.

cuoc chien truong ky va khat vong thong nhat Doi bo gioi tuyen hinh anh 4

Nhân dân miền Nam Việt Nam vùng dậy đấu tranh chống "Tố Cộng, diệt Cộng" của chế độ Ngô Đình Diệm  (Ảnh tư liệu)

Đại tá Nguyễn Văn Trường, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho rằng, dưới âm mưu của Mỹ đã dần biến miền Nam trở thành thuộc địa mới, thành trại tập trung khổng lồ. Sau khi Ngô Đình Diệm và chính quyền tay sai được dựng lên, chúng đã phản bội lại nội dung của Hiệp định Geneva. Chúng điên cuồng bắt bớ, chém giết những người kháng chiến, thực hiện tố Cộng, diệt Cộng và hình thành các khu trù mật, nhằm tách quần chúng với Đảng. Chúng nói đó là để tát nước bắt cá. Chúng còn ban hành luật 10-59 lê máy chém đi khắp miền Nam để khủng bố phong trào cách mạng và tàn sát những người kháng chiến. Sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù đã đẩy cuộc sống của nhân dân miền Nam đến sự cùng cực.

Chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đảng Phạm Xuân Mỹ cho rằng, chính sách dã man, tàn bạo, phản dân tộc của chính quyền Ngô Đình Diệm đã khiến nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên đấu tranh, giành quyền sống. Từ năm 1957-1958, Mỹ - Diệm tập trung đàn áp cách mạng miền Nam với khẩu hiệu “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, đưa miền Nam vào tình trạng chiến tranh. Chúng đưa máy chém đi khắp miền Nam để chém đầu cộng sản và giết những người yêu nước. Sự đàn áp của Mỹ - Diệm làm cho cuộc sống của miền Nam nghẹt thở, không thể chịu đựng được.

cuoc chien truong ky va khat vong thong nhat Doi bo gioi tuyen hinh anh 5

Chuyên gia nghiên cứu lịch sử Đảng Phạm Xuân Mỹ.

Trong giai đoạn này, cuộc đấu loa và xây cột cờ bên đôi bờ sông Hiền Lương là một trong những biểu tượng đặc biệt của thời kỳ chia cắt đất nước sau Hiệp định Geneva năm 1954. Sông Hiền Lương, cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị trở thành giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc. Dù chỉ dài 100 mét, nhưng nơi đây từng là chiến tuyến căng thẳng nhất không tiếng súng. Ở hai đầu cầu, hai miền tiến hành cuộc đấu tranh bằng biểu ngữ, loa phóng thanh và cột cờ để thể hiện chính nghĩa và ý chí thống nhất đất nước. Bên bờ Bắc dựng cột cờ treo cờ đỏ, sao vàng. Bên bờ Nam treo cờ vàng ba sọc. Đặc biệt, miền Bắc đã xây dựng hệ thống loa công suất lớn, phát đi các bài tuyên truyền, ca khúc cách mạng, lời kêu gọi thống nhất đất nước, khiến chính quyền tay sai Sài Gòn phải dựng dàn loa đối kháng.

cuoc chien truong ky va khat vong thong nhat Doi bo gioi tuyen hinh anh 6

PGS.TS Hoàng Chí Hiếu, Phó Trưởng khoa Đại học Sư phạm Huế.

Theo PGS.TS Hoàng Chí Hiếu, Phó Trưởng khoa Đại học Sư phạm Huế, cuộc đấu loa ấy kéo dài suốt nhiều năm, không chỉ bằng âm thanh, mà còn là sự thể hiện của bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hòa bình.

“Cuộc đấu tranh qua hệ thống phát thanh là một cuộc đấu tranh về mặt tư tưởng, chính trị rất lớn. Về phía ta, hệ thống loa phát thanh được đầu tư rất kỹ, công suất luôn át đối phương cả về độ vang xa của tiếng loa, cả về nội dung phát thanh. Tại đầu cầu Hiền Lương cũng diễn ra một cuộc đấu tranh nâng cao cột cờ mỗi bên. Trong toàn bộ cuộc chạy đua nhằm nâng cao cột cờ và mở rộng lá cờ thì lá cờ ở bờ Bắc luôn luôn cao hơn và rộng hơn lá cờ ở bờ Nam” - . PGS.TS Hoàng Chí Hiếu nhận định.

cuoc chien truong ky va khat vong thong nhat Doi bo gioi tuyen hinh anh 7

 Dàn loa phóng thanh bên bờ Bắc cầu Hiền Lương, năm 1961 (nguồn ảnh : BTLSQG)

Và cũng bắt đầu từ đây, với ý chí và khát vọng thống nhất đất nước, nhân dân hai miền Nam - Bắc đã vùng lên, chống lại ách thống trị hà khắc của đế quốc Mỹ và chính quyền tai sai Ngô Đình Diệm. Trong khi đồng bào miền Nam tiếp tục củng cố, phát triển lực lượng thì nhân dân miền Bắc ra sức lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội để cung cấp lực lượng, lương thực, vũ khí cho đồng bào miền Nam đấu tranh chống Mỹ. Tuy hai miền chia cách, ngăn đôi bằng con sông Hiền Lương nhưng tình Bắc - Nam vẫn chung chảy một dòng, không một ghềnh thác nào ngăn cản nước. Tất cả vì miền Nam thân yêu. Tất cả vì miền Nam ruột thịt. Vì thế đã có những đoàn quân: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai.