Thắng lợi của mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Ngay từ khi ra đời năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ con đường cách mạng Việt Nam là tiến hành giải phóng dân tộc gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu chiến lược ấy xuyên suốt toàn bộ tiến trình cách mạng, được thể hiện rõ trong Cương lĩnh, Nghị quyết và các văn kiện đại hội Đảng qua các thời kỳ.
Chiến thắng 30/4/1975 chính là mốc son lịch sử đánh dấu sự hiện thực hóa mục tiêu đó khi đất nước được thống nhất, chủ quyền được giữ vững, chế độ xã hội chủ nghĩa được củng cố ở miền Bắc và mở rộng ra toàn quốc. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội IV (1976) của Đảng: “Nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng ta với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo. Đó là đường lối giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng quan hệ chặt chẽ với nhau: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, hoàn thành thống nhất nước nhà, tạo điều kiện để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội”[1].
Thắng lợi này mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam “chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất và làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”[2].
Thắng lợi của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc
Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả của sự đoàn kết toàn dân tộc từ nhân dân ba miền Bắc - Trung - Nam, từ lực lượng công - nông - binh, đến sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế. Chính tinh thần đại đoàn kết đã tạo ra sức mạnh tổng hợp - nhân tố then chốt quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chiến thắng 30/4/1975 là thắng lợi của tinh thần đoàn kết một lòng, Bắc - Nam như ruột thịt, hậu phương - tiền tuyến phối hợp chặt chẽ.
Tinh thần đoàn kết ấy được cụ thể hóa qua phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hàng chục vạn thanh niên xung phong, không tiếc hi sinh máu xương, lên đường vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hay các chiến dịch quyên góp, ủng hộ lương thực, vũ khí từ hậu phương cho tiền tuyến đã thể hiện tình nghĩa Bắc - Nam một nhà. Tất cả các lực lượng từ các cơ sở tôn giáo đến đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, phụ nữ, công nhân… đều góp phần mình vào kháng chiến.
Ngoài ra, chiến thắng này còn có sự đóng góp của cộng đồng kiều bào ở nước ngoài và phong trào nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Lịch sử đã ghi nhận hàng triệu người dân các nước Á, Âu, Mỹ Latinh, châu Phi... đã xuống đường phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam. Điều đó tạo nên “thế trận nhân loại tiến bộ” ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam - một dạng mở rộng đặc biệt của tinh thần đoàn kết.
Có thể khẳng định, không có tinh thần đoàn kết, không có sự thống nhất trong Đảng, không có đồng thuận trong xã hội thì không thể có một chiến thắng của 30/4/1975. Và thắng lợi 30/4/1975 là sự biểu hiện rực rỡ nhất cho một dân tộc đoàn kết vì mục tiêu độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Minh chứng thuyết phục chống lại các luận điệu thù địch
Chiến thắng 30/4/1975 là một sự kiện mang tầm vóc lịch sử, không chỉ có ý nghĩa đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, mà còn có giá trị lớn lao trong việc khẳng định tính đúng đắn, chính nghĩa và hợp pháp của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong bối cảnh các thế lực thù địch không ngừng tung ra các luận điệu xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi nhọ bản chất cách mạng của cuộc chiến tranh chính nghĩa, chiến thắng 30/4/1975 chính là bằng chứng sống động, sắc bén nhất để phản bác và vạch trần mọi âm mưu sai trái, thù địch đó. Bởi chiến thắng này đã khẳng định tính chính nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong thực tế, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng cảu Tổ quốc, được tiến hành trong bối cảnh đất nước bị chia cắt phi lý do hệ quả của Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) bị phía Mỹ - Ngụy phản bội.
Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (năm 1959) xác định rõ: Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Từ đó, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kiên cường chiến đấu, kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, tranh thủ dư luận quốc tế, tạo nên thắng lợi toàn diện trong mùa xuân 1975. Chiến thắng 30/4/1975 là đỉnh cao thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, kết tinh trí tuệ, bản lĩnh và lòng quả cảm của dân tộc. Đây là sự khẳng định hùng hồn rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất đủ bản lĩnh, đủ tầm nhìn và đủ sức mạnh để lãnh đạo cách mạng đến thành công.
Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng âm vang của đại thắng mùa Xuân vẫn luôn ngân vang trong lòng của hàng triệu trái tim Việt Nam. Âm vang ấy tiếp tục khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tạo tiền đề vững chắc để chúng ta vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1976), Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Truy cập tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iv/nghi-quyet-cua-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iv-cua-dang-1522
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1976), Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng. Truy cập tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iv/nghi-quyet-cua-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iv-cua-dang-1522