Trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc thì đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là con đường phát triển nhanh và hiệu quả.

Chuyển đổi số quốc gia không chỉ là một điểm rất mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII, mà còn là định hướng chiến lược phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

1. Hiện nay, chưa có một quan niệm rõ ràng, cụ thể và thống nhất về “Chuyển đổi số”. Theo cách tiếp cận của Tập đoàn công nghệ FPT, “chuyển đổi số trong tổ chức doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty”[1].Trong tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó”[2].

Như vậy, nếu như “số hóa” là vấn đề của công nghệ thì “chuyển đổi số” không chỉ là công nghệ số mà còn là vấn đề của nhận thức, của thể chế và chính sách điều hành. Chuyển đổi số sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới.

2. Chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam là con đường phát triển nhanh, hiệu quả, phù hợp với xu thế thời đại.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến chuyển đổi số quốc gia. Ngày 27-09-2019, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó khẳng định: “Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng[3].

Diễn đàn quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020. Ảnh: Internet.

Tiếp đó, ngày 03-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chính phủ xác định tầm nhìn đến năm 2030: “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”[4]. Đồng thời, Chương trình đề ra sáu nhiệm vụ, giải pháp căn bản cho chuyển đổi số quốc gia, gồm: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

3. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia là một điểm nhấn đậm nét của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong các văn kiện của Đại hội XIII, có tới 21 lần nhấn mạnh cụm từ “chuyển đổi số”, 6 lần lặp lại cụm từ “chuyển đổi số quốc gia”. Ngay trong bài phát biểu khai mạc Đại hội của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đây thật sự là một tầm nhìn mang tính chiến lược và phản ánh chính xác nhu cầu phát triển của đất nước và xu thế của thời đại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Ảnh: TTXVN.

Nghiên cứu các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho thấy, chuyển đổi số quốc gia được thể hiện đậm nét, xuyên suốt trong các nội dung cơ bản:

Thứ nhất, văn kiện Đại hội xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 -2030 là: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Thứ hai, trong các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược, chuyển đổi số quốc gia được xác định ở nhiệm vụ thứ 2 trong sáu nhiệm vụ, cụ thể là: “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Ở khâu đột phá chiến lược thứ ba về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầngthì chuyển đổi số quốc gia được xác định: “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Thứ ba, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 -2030 xác định một trong các phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp: “tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới, kinh tế số”; đồng thời, “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số”, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.

Thứ tư, trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: Thực hiện chuyển đổi số quốc gia trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh, tổ chức xã hội; thực hiện chuyển đổi số trong các doanh nghiệp (quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực, dây chuyền sản xuất,...). Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao, nhất là công nghệ số, thông tin, trí tuệ nhân tạo, cơ điện tử, tự động hoá, điện tử y sinh, sinh học, năng lượng sạch, công nghệ môi trường.

Như vậy, có thể nói chuyển đổi số quốc gia là vấn đề có tính chiến lược trong đường lối phát triển đất nước, là con đường, cách thức để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.


[1]https://vnexpress.net/chuyen-doi-so-la-gi-3921707.html.

[2]https://www.qdnd.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trong-nuoc/chuyen-doi-so-quoc-gia-phat-trien-chinh-phu-so-kinh-te-so-va-xa-hoi-so-650374.

[3]Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2019.

[4]Thủ tướng Chính phủ, Quyết định Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, số 749 QĐ-TTg, Hà Nội ngày 03 tháng 6 năm 2020.