Kết quả thực hiện nội dung công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Với phương châm kết hợp “xây” và “chống”, thời gian qua, nội dung thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW được chú trọng trên cả hai phương diện là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; trong đó “bảo vệ” và “đấu tranh” có mối quan hệ biện chứng với nhau. Bảo vệ được xác định là việc kiên định, vững vàng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin ngày càng ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân và tiếp tục trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Ngoài ra, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn được mở rộng phạm vi là bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng qua các văn kiện, nghị quyết; bảo vệ chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ chủ nghĩa xã hội và chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng; bảo vệ truyền thống, văn hóa lịch sử tốt đẹp của dân tộc cùng những phẩm chất, giá trị của con người Việt Nam nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng; bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định mà Việt Nam đã và đang có để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Bên cạnh việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong những năm qua, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng được đặc biệt chú trọng và có những dấu ấn rất đậm nét. Việc nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tiến hành đồng bộ, quyết liệt trên các phương diện. Ngoài đấu tranh với những quan điểm chống phá những vấn đề căn bản của nền tảng tư tưởng của Đảng như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chúng ta còn đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ… Nhiều đợt đấu tranh cao điểm được tổ chức nhân các sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước như Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp hay trong những thời điểm nước ta phải đối diện với những khó khăn, thách thức lớn như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh… nhằm phản bác các luận điệu chống phá nguy hiểm của các thế lực thù địch. Nhờ đó, lượng tin giả, thông tin xấu độc thời gian qua đã bị bóc gỡ, ngăn chặn, vô hiệu hóa đáng kể; đồng thời nhiều đối tượng cố tình chống phá Đảng, Nhà nước hoặc đưa các thông tin sai trái, chưa được kiểm chứng đã bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Có thể khẳng định trong 06 năm qua, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tiến hành có hệ thống trên cả hai mảng tuyên truyền, lan tỏa những giá trị, ý nghĩa của nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác với những quan điểm sai trái, thù địch trên nhiều phương diện khác nhau. Nội dung công tác này ngày càng sát thực, gắn với tình hình của thực tiễn; giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân củng cố niềm tin, gia tăng sức đề kháng và nâng cao năng lực, kỹ năng nhận diện và đấu tranh trước những quan điểm, luận điệu sai trái, phiến diện của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước. Do đó, “chưa bao giờ và chưa khi nào, công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và việc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch lại được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ như thời gian qua và thực sự mang lại những dấu ấn đậm nét trong công tác tư tưởng của Đảng”[1].
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đôi khi còn chậm đổi mới, mới chú trọng đến việc tuyên truyền, lan tỏa những vấn đề cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chưa chú trọng đúng mức đến việc nhận diện và đấu tranh phản bác trước những thông tin xấu độc như Đảng ta từng nhận định: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời”[2]. Do đó, trong một số thời điểm còn có tình trạng các thông tin sai trái, xấu độc xuất hiện tràn lan, khó kiểm soát, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hơn nữa, có những nội dung tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa kịp bắt nhịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, chưa thật sự sát với những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước nên tính định hướng thông tin còn hạn chế.
Tiếp tục đổi mới nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng trong thời gian tới
Trong những năm tiếp theo, bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều thay đổi nhanh chóng, khó lường; mang đến cả những thời cơ, thuận lợi và cũng đặt ra cả những khó khăn, thách thức cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Do đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian tới.
Trước hết, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, cần gắn việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII với thực hiện các nghị quyết, quy định quan trọng của Đảng trong thời gian gần đây có liên quan trực tiếp đến công tác tư tưởng, cán bộ của Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[3]. Điều này giúp cho Nghị quyết số 35-NQ/TW gắn trực tiếp với những quy định của Đảng về tu dưỡng, rèn luyện lập trường tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên ý thức rõ hơn nữa về trách nhiệm của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ngoài ra, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng thường xuyên có sự cập nhật cho sát với tình hình thực tiễn, nhất là các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước. Bên cạnh việc tuyên truyền, lan tỏa những nội dung, giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cần tuyên truyền, định hướng các thông tin tích cực về kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như các địa phương làm căn cứ thực tiễn để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong thời gian tới, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần hướng đến việc tổng kết 40 năm đổi mới đất nước, Đại hội XIV của Đảng cũng như những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn.
Đổi mới nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ tất yếu để Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày càng đi vào thực tiễn; đồng thời thu hút ngày càng đông đảo sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
[1] Nguyễn Trọng Nghĩa, “Dấu ấn trong công tác tư tưởng của Đảng sau nửa nhiệm kỳ thưc hiện Nghị quyết Đại hội XIII”, Tạp chí Tuyên giáo, tháng 8/2023, tr.4