Cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ - đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường vận tải bí mật, bất ngờ, hiệu quả và khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường xa, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng Việt Nam

Chuyến tàu mở đường

Phong trào Đồng khởi năm 1960 thắng lợi, cách mạng miền Nam chuyển biến mạnh mẽ. Cục diện chiến trường có nhiều thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta. Chính quyền Ngô Đình Diệm gặp nhiều khó khăn. Để cứu vãn tình thế và chiếm lại những địa bàn đã mất, đầu năm 1961, Hoa Kỳ thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Nội dung cơ bản của chiến lược này là càn quét, dồn dân, đưa hàng triệu nông dân miền Nam vào ấp chiến lược để kiểm soát; tăng cường xây dựng quân đội Việt Nam Cộng hòa nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang giải phóng. 

Trước tình hình đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam chỉ rõ: “…Tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt, nhất là xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang tập trung của miền, quân khu…”.

Muốn vậy phải có vũ khí.

Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QĐ thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, Vùng 2 Hải quân ngày nay. Đoàn có nhiệm vụ mở con đường vận tải chiến lược trên biển để kịp thời chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, sau khi rút kinh nghiệm các chuyến vận chuyển đường biển từ Bắc vào Nam chưa thành công, Đoàn 759 quyết định để thuyền “Bạc Liêu” đi chuyến trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam. Thuyền gồm 6 người do đồng chí Bông Văn Dĩa là Bí thư chi bộ phụ trách.

Đêm 10/4/1962, thuyền rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về hướng Nam. Ngày 14/4/1962, khi thuyền đến vùng biển Nha Trang thì gặp tàu Mỹ. Chúng nghi ngờ và cho tàu chạy vòng quanh, quần đảo từ 8 giờ sáng đến 14 giờ chiều. Anh em trên thuyền phải bỏ hết hải đồ, la bàn xuống biển, đóng vai dân chài ra khơi đánh cá bị gió đẩy xa bờ. Khi địch không đeo bám nữa, thuyền tiếp tục hành trình về hướng Nam.

Ngày 18/4/1962, thuyền tới cửa Bồ Đề (thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), đi vào cửa Rạch Ráng. 10 giờ đêm hôm đó, thuyền cập vào Vàm Lũng. Nghiên cứu, khảo sát bến xong, thuyền Bạc Liêu quay trở ra miền Bắc. Chuyến đi trinh sát, mở đường từ Bắc vào Nam đã thành công.

Di tích bến tàu K 15 ở quận Đồ Sơn, Hải Phòng, nơi xuất phát những chuyến tàu

chi viện chiến trường miền Nam

Những chuyến tàu đầu tiên

Trung tuần tháng 8/1962, Quân uỷ Trung ương thông qua Nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển. Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào giai đoạn vận chuyển mới. Đoàn nhận bàn giao 4 tàu gỗ từ Xưởng đóng tàu I (Hải Phòng) và tiếp nhận bổ sung cán bộ.

Đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) lên đường đi Cà Mau, do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên cùng 11 thủy thủ.

Ngày 19/10/1962, tàu vào bến Vàm Lũng an toàn. Đường biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã trở thành hiện thực.

Phát huy kết quả của tàu thứ nhất, lần lượt tàu thứ hai, thứ ba và tàu thứ tư tiếp tục vượt biển vào bến Cà Mau.

Để bảo đảm bí mật cho tuyến vận tải đặc biệt, những chiếc tàu của Đoàn 759 phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân. Đoàn 759 đã thực hiện 4 chuyến trong 2 tháng , vận chuyển 111 tấn vũ khí cho Khu IX.

Khi tuyến đường vận tải biển được khai thông, những tấn vũ khí đầu tiên đến với lực lượng vũ trang Cà Mau (10/1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện biểu dương khen ngợi và yêu cầu cán bộ, chiến sĩ đoàn 759: “Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc”.

Để có những phương tiện vận chuyển tốt hơn đi trong mọi thời tiết, Quân uỷ Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư, trang bị cho Đoàn 759 loại tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn.

Cuối năm 1962, Bộ Tổng Tư lệnh đề nghị Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) thuộc Bộ Giao thông vận tải đảm nhiệm việc đóng tàu vỏ sắt.

Ngày 17/3/1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên do đồng chí Đinh Đạt làm Thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Tiến làm Chính trị viên, chở 44 tấn vũ khí đã cập bến Trà Vinh an toàn.

Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) tiếp tục cho hạ thủy chiếc tàu thứ 2, rồi tàu thứ 3, thứ 4, thứ 5 và tàu thứ 6. Nhờ đó, trong năm 1963, Đoàn 759 đã tổ chức đi nhiều chuyến chở theo hàng hóa, vũ khí lặng lẽ, bí mật, nối tiếp nhau rời bến, cập bến chi viện chiến trường miền Nam.

Mỗi chuyến ra khơi là một thử thách đầy khó khăn, gian khổ, căng thẳng, hiểm nguy đối với cán bộ, chiến sĩ. Họ không chỉ vượt sóng gió mà còn phải đấu trí với kẻ thù. Chỉ trong vòng 1 năm, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường.

Phát huy kết quả vận chuyển bằng đường biển chi viện chiến trường Tây Nam Bộ, Bộ Quốc phòng chỉ thị Khu VII mở bến đón tàu, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào thẳng chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Tháng 8/1963, Quân uỷ Trung ương quyết định giao Đoàn 759 trực thuộc Quân chủng Hải quân. Ngày 29/1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125.

Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 đã khẩn trương củng cố tổ chức và ổn định mọi mặt, không ngừng trưởng thành và đạt nhiều thành tích mới.

Số vũ khí Đoàn vận chuyển đã đến được với chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Khu V đúng lúc, đáp ứng kịp thời sự mong đợi của chiến trường; trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang ở đây nhanh chóng phát triển thế tiến công, giành nhiều thắng lợi oanh liệt như: Chiến thắng Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã…

Bến Lộc An (xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại bến này, 3 chiếc tàu của Đoàn 125 Hải quân đã cập bến thành công, vận chuyển 109 tấn vũ khí, trang bị cho quân và dân các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng.

Đẩy mạnh vận chuyển, chi viện chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ

Sau chuyến vận tải vào Khu V thành công, cuối năm 1964, Quân ủy Trung ương quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở rộng tuyến đường vận tải đường biển vào các bến thuộc địa bàn Khu V.

Sau một thời gian phối hợp với Khu V nghiên cứu và chuẩn bị bến bãi, ngoài bến Vũng Rô (Phú Yên) đã có, các bến Lộ Diêu (Bình Định), Đạm Thuỷ (Quảng Ngãi), Bình Đào (Quảng Nam) được khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng tiếp nhận hàng.

Với tinh thần dũng cảm, mưu trí các chiến sĩ hải quân Việt Nam đã lập được nhiều chiến công oanh liệt, vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí đạn dược chi viện chiến trường Nam Trung Bộ đánh Mỹ. Năm 1964 là năm mà Đoàn 125 vận chuyển được nhiều vũ khí nhất chi viện chiến trường.

Có vũ khí từ miền Bắc chuyển vào, tháng 12/1964, Bộ Tư lệnh Khu V đã mở các đợt tác chiến tiêu diệt quân chủ lực nguỵ, hỗ trợ quần chúng nổi dạy phá kìm, diệt ác, giải phóng một số vùng ở đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà.

Phát huy thắng lợi, các trung đoàn chủ lực của Khu V đã phối hợp với các tiểu đoàn bộ đội địa phương và đặc công tiếp tục tiến công địch giành chiến thắng vang dội ở Việt An, Quế Sơn, Đèo Nhông, Dương Liễu….

Tháng 10/1964, Quân uỷ Trung ương chỉ thị lực lượng vũ trang miền Nam mở đợt hoạt động Đông – Xuân (1964-1965) nhằm tiêu diệt bộ phận quan trọng quân chủ lực nguỵ, mở rộng vùng giải phóng. Chiến trường chính đợt hoạt động này là miền Đông Nam Bộ, miền Trung Trung Bộ và Tây Nguyên. Để chuẩn bị cho đợt hoạt động trên, Bộ Tư lệnh miền Đông Nam Bộ xin chi viện vũ khí vận chuyển bằng đường biển vào Bà Rịa. Trước yêu cầu đó, những chuyến tàu không số của Đoàn 125 lần lượt cập bến Bà Rịa – Vũng Tàu, chi viện cho miền Đông Nam Bộ kháng chiến.

Từ sau sự kiện Vũng Rô (2-1965), Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa tăng cường đối phó. Những cuộc đấu trí căng thẳng trên biển diễn ra, đã có những tổn thất, hy sinh nhưng quyết tâm của ta không hề thay đổi. Các con tàu tiếp tục chi viện vũ khí, thuốc men vào chiến trường ven biển Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Thời gian này, địch phong tỏa hết sức gắt gao các tuyến đường trên biển. Chúng đã nhận rõ sự lợi hại của tuyến đường nên dành mọi lực lượng, thiết bị, tàu thuyền, máy bay để chống phá, ngăn chặn các con tàu vận chuyển của ta. Song, Quân chủng Hải quân vẫn xác định phải bằng mọi giá chi viện cao nhất cho miền Nam ruột thịt.

Từ bến tàu nơi cửa biển Đồ Sơn, những chuyến tàu vẫn bí mật lên đường. Nhiều chuyến phải quay trở về nơi xuất phát. Một số chuyến ra đi không về.

Trong 14 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu, thuyền, vận chuyển gần 153.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam, chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến của Mỹ và hải quân Việt Nam Cộng hòa.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng; một “huyền thoại có thật” của dân tộc ta. Đó không chỉ là phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp cho các chiến trường ven biển miền Nam, mà còn là một sáng tạo chiến lược của Đảng về chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đi vào huyền thoại, là thiên anh hùng ca bất hủ, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ, sự hy sinh, lòng dũng cảm, ý chí độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Lan Chi