Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản cuốn Hồi ký “Gia đình, Bạn bè và Đất nước” của Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Thị Bình, nhà ngoại giao huyền thoại của Việt Nam, nhân chứng tham gia, chứng kiến những biến chuyển thăng trầm của lịch sử dân tộc trong thế kỷ XX.
Hồi ký 'Gia đình, bạn bè và đất nước' của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Ảnh: NXB
Gia đình, bạn bè và đất nước tái hiện cuộc đời và những dấu son trong sự nghiệp của Bà Nguyễn Thị Bình. Sách gồm 14 chương, kể lại quá trình Bà Bình tham gia, chứng kiến những chuyển biến thăng trầm của lịch sử, từ thời thơ ấu cho đến khi tham gia hoạt động cách mạng. “Cuốn sách nhỏ này nói về con người đó, con đường của Bà, cuộc đời Bà, như Bà đã chọn một đầu đề thật giản dị: Gia đình, bạn bè và đất nước, những nguồn gốc đã tạo nên sức mạnh đặc biệt trong bà”(1). Gia đình theo Bà trên mọi bước đường. Bạn bè sát cánh cùng Bà trong hoạt động cách mạng. Và cả cuộc đời Bà dành cho Đất nước.
Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, quê gốc tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà sinh ngày 26/5/1927 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, Bà là cháu ngoại Phan Châu Trinh. Những kỷ niệm thuở nhỏ được Bà thuật lại trong các chương sách Quê hương; Tuổi thơ; Tôi là người hạnh phúc.
Nguyễn Thị Châu Sa tham gia cách mạng ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, hoạt động sôi nổi trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng nhiều lần bị địch bắt, tù đày. Những năm tháng đó được tái hiện qua các chương: Trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp; Một mặt trận đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau khi chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập (tháng 6/1969), Bà Nguyễn Thị Bình được giao trọng trách Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Chương Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử nhìn lại cuộc đấu tranh ngoại giao cam go, lâu dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp chung công khai, 45 cuộc họp cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn trong thời gian 4 năm 9 tháng (từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973), với thành quả là “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được 4 bên (Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa) tham gia ký kết tháng 1/1973 tại Paris. Suốt quá trình đàm phán đó, nhà ngoại giao kiệt xuất Nguyễn Thị Bình đã để lại ấn tượng sâu sắc trên trường quốc tế với ý chí kiên định, sự mềm dẻo, nhạy bén trong vai trò Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Bình là người phụ nữ duy nhất ký vào bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27/1/1973.
Sau ngày đất nước thống nhất, Bà tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, ngoại giao rồi được bầu làm Phó chủ tịch nước vào năm 1992. Chặng đường đó được thể hiện trong các chương: Vào ngành Giáo dục, Trở lại ngoại giao nhân dân, Phó Chủ tịch nước. Tháng 4.2001, Bà vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Chương Về hưu nhưng bận rộn kể lại quãng đường tiếp tục hoạt động, cống hiến của Bà khi đã được nghỉ hưu. Bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nhân dân và các hoạt động xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em. Bà tiếp tục làm Chủ tịch của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Bà thành lập và giữ vai trò Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam.
Đọc hồi ký của Bà, người đọc chúng ta cảm phục và tự hào về Bà, một nữ chính trị gia Việt Nam kiệt xuất, “một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin…”(2) (Nguyên Ngọc).
Đọc hồi ký của Bà, chúng ta nhìn thấy cả chặng đường lịch sử oai hùng chiến thắng hai kẻ thù là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Đọc hồi ký của Bà, thế hệ tiếp bước cha anh nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với đất nước mà chính Bà đã nêu rõ: “Cuộc sống của tôi, gắn với cuộc sống của dân tộc, đã giúp tôi hiểu giành chính quyền, đòi độc lập dân tộc là cực kỳ khó, nhất là khi ta phải đối đầu với đế quốc thực dân đầu sỏ; nhưng giữ chính quyền, xây dựng đất nước, nhất là xây dựng đất nước theo nguyện vọng của nhân dân, xây dựng con người, để đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân, một cuộc sống thật sự trong lành, còn khó hơn biết bao lần”(3). Và “để bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia và phát triển đất nước, chúng ta không có con đường nào khác là phải ra sức xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ vững bền, không thua kém ai, hợp tác nhưng không bị lệ thuộc bất cứ nước ngoài nào. Tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc của nhân dân ta phải được thể hiện mạnh mẽ trên tinh thần tự lực tự cường trong lao động xây dựng đất nước, dựng tạo nội lực quốc gia ngày càng lớn mạnh” (4).
Thiên Hương
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Thị Bình: Gia đình, bạn bè và đất nước, Hồi ký, Tái bản lần thứ hai, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2018.
Phong Khang: “Xuất bản ‘Gia đình, bạn bè và đất nước’ của Bà Nguyễn Thị Bình”, https://znews.vn/, ngày 15/4/2025.
Tình Lê: “Tái bản hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình”, https://vietnamnet.vn/, ngày 16/4/2025
(1) Nhà văn Nguyên Ngọc: “Lời giới thiệu” sách Gia đình, bạn bè và đất nước, trong Nguyễn Thị Bình: Gia đình, bạn bè và đất nước, Hồi ký, Tái bản lần thứ hai, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2018, tr.7.
(2) Nhà văn Nguyên Ngọc: “Lời giới thiệu” sách Gia đình, bạn bè và đất nước, trong Nguyễn Thị Bình: Gia đình, bạn bè và đất nước, Hồi ký, Tái bản lần thứ hai, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2018, tr.8.
(3) Nguyễn Thị Bình: Gia đình, bạn bè và đất nước, Hồi ký, Tái bản lần thứ hai, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2018, tr.290.
(4) Sách đã dẫn, tr.291.