50 năm đã qua đi kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, độ lùi của thời gian càng xa, chúng ta càng có cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975; qua đó nhận thức rõ hơn giá trị của độc lập, hòa bình, thống nhất trên con đường đi lên xây dựng nước Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Theo Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc với ranh giới là vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị), sau hai năm, sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước.
Thế nhưng với sự ám ảnh về cái gọi là “làn sóng đỏ” ở khu vực Châu Á, Mỹ đã tìm mọi cách để phá hoại hiệp định Geneva, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam, thực hiện âm mưu chia cách lâu dài đất nước ta. Từ đây, thêm một lần nữa, đất nước ta, nhân dân ta lại tiếp tục bước vào một cuộc đấu tranh gian khổ, khốc liệt, đầy mất mát, hy sinh nhưng hào hùng và bi tráng để hiện thực hóa khát vọng độc lập, hòa bình, thống nhất. Đó là cuộc chiến đấu bất cân xứng xét về mọi góc độ giữa một nước Việt Nam nhỏ bé, vừa trải qua 9 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp và tay sai với một trong những thế lực hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ - Mỹ, diễn ra không chỉ trong 02 năm bằng phương pháp phi vũ trang như dự kiến ban đầu theo Hiệp định Geneva mà diễn ra trong hơn 20 năm trên tất cả các mặt trận: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng chính quyền phản động Sài Gòn của nhân dân Việt Nam đã vượt ra khỏi tầm vóc và quy mô của nhiều cuộc chiến tranh lớn thời kỳ cận và hiện đại. Về phía Mỹ: Sáu đời tổng thống Mỹ kế nhiệm nhau xây dựng các kế hoạch chiến tranh tại Việt Nam, chi gần 700 tỷ USD, huy động gần 22.000 xí nghiệp với gần 6 triệu công nhân công nghiệp, hơn 1/3 số nhà khoa học và 260 trường đại học tham gia nghiên cứu chiến lược chiến tranh, chế tạo các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh, hơn 6,5 triệu lượt lính Mỹ tham chiến. Cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài ngày nhất (222 tháng) và tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ (676 tỷ USD, trong khi chiến tranh xâm lược Triều Tiên chỉ có 36 tháng và 54 tỷ USD, tham gia chiến tranh thế giới thứ hai 42 tháng và 341 tỷ USD)[1].
Các lực lượng quân đội tinh nhuệ nhất cùng các loại vũ khí tối tân nhất của Mỹ (trừ bom nguyên tử) đều đã được sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Về phía Việt Nam: Khoảng 1,2 triệu chiến sĩ cho đến cuối cuộc chiến, gần 5 triệu dân quân tự vệ, hàng trăm nghìn dân công, hơn 1,1 triệu tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân y, xăng, dầu,… đã được huy động cùng hơn 1,2 triệu tấn vũ khí, đạn dược, vật tư quân sự,…, vũ khí trang bị, trong đó một phần không nhỏ đến từ viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc.
Khán đài kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhìn từ Dinh Thống Nhất
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nay tuy châu chấu đá voi. Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cùng ý chí sắt đá: “Miền Nam Việt Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Nhân dân Việt Nam sẽ được thống nhất”[2], toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bước vào cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ, nhiều mất mát, đau thương trong hơn 20 năm để hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thu giang sơn về một mối.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm vóc quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[3].
Để có được chiến thắng ấy, không thể không nhắc tới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta lại có sự đoàn kết, ủng hộ của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Nhưng hơn hết là sự anh dũng, kiên cường của toàn dân ta trước bom đạn và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của một đế quốc sừng sỏ nhất lúc bấy giờ, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong hơn 20 năm kháng chiến chống đề quốc Mỹ và tay sai, hàng triệu người con của đất nước đã hy sinh, hàng chục vạn người khác phải sống suốt đời với những nỗi đau thể xác do bom đạn, chất độc hóa học mà đế quốc Mỹ trút xuống và còn hàng nghìn gia đình cho đến nay vẫn chưa tìm thấy thân nhân hy sinh hoặc mất tích trong cuộc chiến.
Sau 50 năm nhìn lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta không chỉ hiểu thêm về một thời kỳ khổ đau nhưng oanh liệt của Tổ quốc, chúng ta không chỉ hiểu thêm về sự tài tình trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, chúng ta không chỉ hiểu thêm về sự phức tạp trong các mối quan hệ quốc tế, chúng ta không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật ngoại giao Việt Nam mà chúng ta còn hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, thống nhất:
Giá trị của hòa bình, thống nhất nhìn từ những tổn thất, hy sinh không gì đo đếm được của nhân dân hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai: 1.100.000 con em các dân tộc đã hy sinh, 600.000 thương binh đang được hưởng trợ cấp, 300.000 người bị mất tích, 2.000.000 người dân bị giết hại, gần 2.000.000 người bị tàn tật, 2.000.000 người bị nhiễm chất độc hóa học dioxin, 500.000 trẻ em bị dị dạng do chất độc hóa học đế quốc Mỹ ném xuống Việt Nam[4].
Diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước
Riêng tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, trong vòng 10 năm (1966-1975) trung bình cứ một km đường phải hứng chịu 736 quả bom các loại, 36 cuộc hành quân đánh phá khiến hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trên 3 vạn cán bộ, chiến sĩ bị thương cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm chất độc da cam dioxin để lại di chứng nặng nề cho đến hôm nay và có lẽ sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau này. Những tổn thất, hy sinh ấy nhắc nhở chúng ta không một phút giây nào được lãng quên quá khứ, trái lại phải biết trân trọng quá khứ, biết ơn những người con ưu tú đã ngã xuống, đã hy sinh một phần xương máu cho ngày “non sông liền một dải”.
Giá trị của hòa bình, thống nhất nhìn từ sự chi viện cả về vật chất và tinh thần của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam (hơn 3 triệu người tham gia phục vụ chiến tranh, trong đó hơn 1,5 triệu người tham gia quân đội trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường ở miền Nam cùng với nguồn hậu cần vật chất khổng lồ chi viện tiền tuyến. Tính riêng trong giai đoạn 1964-1975, khi Mỹ mở rộng ném bom ra miền Bắc, nhân dân miền Bắc đã tập trung được khối lượng vật chất lên đến 754.854 tấn, trong đó lương thực là 613.182 tấn, thực phẩm là 86.197 tấn, xăng dầu là 23.663 tấn, các loại vật tư khác là 31.812 tấn)[5] cho thấy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với tinh thần “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, để rồi từ đó mỗi chúng ta biết trân quý hơn bài học về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thường xuyên “chăm lo sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”.
Giá trị của hòa bình, thống nhất nhìn từ sự ủng hộ của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và bè bạn tiến bộ trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống Mỹ và tay sai như Thủ tướng Phidel Castro đã nói “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”, cho thấy trong cuộc đấu tranh vì độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ cần phải có sự đoàn kết quốc tế để tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế hỗ trợ sức mạnh nội lực, tạo lập thế trận liên hoàn đánh địch trên nhiều mặt trận, nhiều phương diện, tạo lực mạnh đưa cuộc kháng chiến nhanh chóng đi đến thắng lợi cuối cùng. Từ đó, chúng ta biết phát huy tốt hơn bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bối cảnh mới nhằm “củng cố vị thế chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia, nâng tầm ảnh hưởng của đất nước trên bản đồ thế giới.”[6]
Giá trị của hòa bình, thống nhất nhìn từ quan hệ quốc tế của Việt Nam trong và sau cuộc chiến cho thấy bên cạnh việc thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ cho công cuộc tái thiết đất nước, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, chúng ta đã xử lý không tốt quan hệ ngoại giao với nhiều nước trong đó có các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, vì vậy đã có thời điểm đặt đất nước vào tình thế bị cô lập, đối đầu, đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá về công tác dự báo, đánh giá đúng đắn các mối quan hệ quốc tế để chủ động đưa ra biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, trên cơ sở đó giữ vững nền độc lập, thống nhất và môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước trong “một môi trường quốc tế đa chiều hơn, mở ra những vận hội lớn cùng nhiều thách thức”.
[1] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975, thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.476
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.266
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.37, tr.471.
[4] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975, thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015,tr.579-580.
[5] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975, thắng lợi và bài học, Sđd, tr.560-562.
[6] Tô Lâm: Vươn mình trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế đầy thách thức tại địa chỉ https://tuoitre.vn/vuon-minh-trong-ky-nguyen-hoi-nhap-quoc-te-day-thach-thuc-20250403094203634.htm