(TVVN). Chỉ mới ra đời hơn 20 năm nhưng internet đã tạo nên nhiều thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Cùng với sự phát triển của internet, mạng xã hội được xem như một trong những ứng dụng của internet có ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là đối với giới trẻ ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Bên cạnh nhiều tiện ích, các trang mạng xã hội cũng đã gây ra những hệ lụy không tốt, khó lường. Chính vì vậy khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của các trang mạng xã hội là trách nhiệm của cả cộng đồng, chủ yếu là trách nhiệm quản lý, giáo dục, định hướng của gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng và quan trọng là trách nhiệm của chính bản thân người sử dụng.

Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Nhìn từ góc độ văn hóa- xã hội, mạng xã hội là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức trên môi trường internet. Chính vì thế, mạng xã hội có thể coi là một loại hình cộng đồng song mang tính chất ảo, trong đó bao gồm nhiều cộng đồng trực tuyến khác nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người. Một số cộng đồng như Facebook, Youtube, Zalo, thu hút một số lượng lớn người tham gia, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội.

Như chúng ta đã thấy, trong thời gian qua nhờ mạng xã hội đưa lên những hình ảnh về thiên tai, dịch họa, những cảnh đời éo le, gương người tốt, việc tốt, những thông tin chính thống... đã được cộng đồng mạng lan tỏa. Từ đó, đã có nhiều tấm lòng hảo tâm, những mạnh thường quân trong và ngoài nước dang tay giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều những đối tượng xấu, tha hóa về đạo đức, lối sống đã được xã hội lên án và pháp luật trừng trị, có nhiều vụ việc tiêu cực, nhiều cán bộ tha hóa, biến chất trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều cơ quan, tổ chức bị phanh phui, là cơ sở để các cơ quan chức năng vào cuộc và làm rõ các hành vi sai trái.

Là cán bộ, đảng viên, những người phải gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động thì việc quản lý, sử dụng mạng Internet và mạng xã hội là điều cần phải thực hiện một cách nghiêm túc. Cần nghiên cứu kỹ Quyết định số 874-QĐ/BTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021 về việc Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Chúng ta phải xác định rõ việc sử dụng mạng Internet và mạng xã hội có trách nhiệm mang lại ý nghĩa thiết thực cho nhiều chủ thể, đầu tiên là bản thân người dùng, sau đó là những người xung quanh, những người gần gũi với người sử dụng và nhiều người khác, cũng như với các tổ chức ở tầm cao là với Đảng, với chế độ, với đất nước. Dù ở điều kiện nào, bản thân các đảng viên cũng phải thể hiện rõ mình là người sử dụng không gian mạng có trách nhiệm theo các quy chuẩn chung của cộng đồng, của xã hội. Đặc biệt đối với các vấn đề mang tính nền tảng tư tưởng, lý luận thì mỗi đảng viên phải tuân thủ các quy định, các nguyên tắc, yêu cầu về tính đảng. Đồng thời, đó là trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch. Qua đó, mỗi người tự đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các tiêu cực khác.

Sử dụng không gian mạng có trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên còn góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ. Hiện nay, một số phần tử xấu sử dụng không gian mạng để chống phá Đảng và Nhà nước, gây chia rẽ giữa Nhân dân với Đảng, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu người sử dụng không gian mạng không tin theo, không phát tán, không tùy tiện chia sẻ và thực hiện việc đấu tranh phản bác trong điều kiện của mình thì các thông tin xấu, độc không còn môi trường để tồn tại, âm mưu của các phần tử đó sẽ bị phá hoại một cách triệt để. Mặt khác, khi mỗi cán bộ, đảng viên chủ động làm lan tỏa các thông tin tích cực, các tấm gương sáng thì sẽ góp phần định hướng nhận thức và tư tưởng người đọc, tác động đến tư tưởng, tình cảm và hành động của nhiều người khác, đồng thời, làm loãng các thông tin tiêu cực đi, qua đó giúp môi trường mạng trong lành, tích cực hơn.

Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau trên internet và đặc biệt là thông qua mạng xã hội với tốc độ lan truyền nhanh nó phục vụ con người một cách hữu ích. Tuy nhiên, mọi người tham gia đều phải chấp hành đúng quy định của Luật An ninh mạng đã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018, theo nội dung của luật thì không cấm bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tham gia mạng xã hội, song phải hoạt động theo quy định của pháp luật tại Điều 16.

Như vậy mạng xã hội có 2 mặt rõ ràng: mặt lợi và mặt hại. Vì thế, mọi người tham gia mạng xã hội cần nghiên cứu quán triệt, nắm chắc và chấp hành nghiêm Luật An ninh mạng; tỉnh táo, chọn lọc và xử lý thông tin khi tham gia mạng xã hội, mỗi thành viên tham gia mạng xã hội hãy là một tuyên truyền viên, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, đăng tải những nội dung đấu tranh phản bác làm thất bại những luận điệu xuyên tạc, phản động, kích động gây chia rẽ mối đoàn kết của Nhân dân với Đảng, chính quyền và Quân đội ta của các thế lực thù địch. Việc sử dụng mọi thông tin trên các trang mạng xã hội cần thiết song phải nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng, tránh gặp phải những hệ lụy đáng tiếc khi sử dụng mạng xã hội.