LTS: Ngày 30-4 hàng năm luôn là thời điểm để mỗi người Việt Nam chiêm nghiệm về hành trình đi tìm độc lập và giữ gìn hòa bình của dân tộc. Sau nửa thế kỷ, đất nước đã thay da đổi thịt, vươn lên mạnh mẽ từ những đổ nát chiến tranh. Thế nhưng, trong không gian yên bình hôm nay, vẫn còn những tiếng nói lạc lõng, cố tình xuyên tạc quá khứ, phủ nhận giá trị của độc lập, thậm chí cổ súy cho sự can thiệp từ bên ngoài.
Loạt bài “Giá của hòa bình” không chỉ là lời nhắc về sự thật lịch sử, mà còn là tiếng nói phản biện có trách nhiệm, từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ những hy sinh không thể phủ nhận đến cách đấu tranh tư tưởng giữa thời bình, và cả việc chuyển mình trong cách kể chuyện lịch sử để thế hệ trẻ tiếp nhận và tiếp nối.
Những hy sinh không thể phủ nhận
Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, biết bao chiến sĩ, quần chúng cách mạng yêu nước đã ngã xuống, bao gia đình đã gánh trên vai nỗi đau mất mát người thân. Nhiều người đã hy sinh hạnh phúc của cá nhân và tuổi thanh xuân vì nền độc lập, chủ quyền của đất nước.
Có những con số mà khi đọc lên, chúng ta phải lặng đi vì xúc động. Đó là gần 1,2 triệu anh hùng, liệt sĩ trong cả nước; trong đó hàng trăm ngàn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Nhiều hài cốt liệt sĩ chưa thể tìm được, còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam cũng như ở các chiến trường trên nước bạn Lào, Campuchia, hay thậm chí ở Biển Đông.
Trên đất nước Việt Nam, ở hầu hết các địa phương, chúng ta đều thấy có nghĩa trang liệt sĩ, có những công trình Tổ quốc ghi công… Mỗi ngôi mộ, mỗi dòng tên đều mang một câu chuyện bi hùng của những con người đã hiến trọn đời mình cho đất nước. Tất cả sự hy sinh cao đẹp ấy đều hướng tới giá trị thiêng liêng của hai chữ: Hòa bình!
Trong những ngày tháng Tư này, đất nước ta trào dâng những cảm xúc thiêng liêng. Đồng bào cả nước hân hoan đón mừng ngày vui đoàn viên của dân tộc. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những luận điệu lạc lõng, xuyên tạc lịch sử, cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”, gọi ngày 30-4 là “quốc hận”, là “vết nhơ trong lịch sử dân tộc”…
Đây là sự phủ nhận trắng trợn lịch sử, xúc phạm sự hy sinh của hàng triệu người Việt Nam. Những quan điểm này không chỉ sai sự thật mà còn mang ý đồ xấu, cố tình gieo rắc hoài nghi, chia rẽ trong lòng dân tộc.
Thực tế đã chứng minh, năm 1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève công nhận Việt Nam là quốc gia độc lập, có chủ quyền. Vĩ tuyến 17 được xác định là giới tuyến quân sự tạm thời chia đất nước làm hai vùng tập kết quân đội; sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
Song, lợi dụng cơ hội này, đế quốc Mỹ đã mạnh mẽ can thiệp, loại bỏ Pháp, dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm. Họ đưa cố vấn quân sự vào miền Nam, huấn luyện, trang bị vũ khí cho quân đội Việt Nam Cộng hòa và cố tình trì hoãn, sử dụng bạo lực để đàn áp mọi sự đấu tranh đòi thực thi Hiệp định Genève. Với chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” và Luật 10/59, chính quyền Mỹ - Diệm đã tàn sát, bắt bớ hàng chục ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Trước sự khủng bố ấy, nhân dân miền Nam không hề lùi bước mà vẫn gan dạ đối mặt với kẻ địch. Từ phong trào “Đồng Khởi” năm 1960 đến sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, các cuộc nổi dậy liên tiếp nổ ra tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng lớn. Quân dân miền Bắc cũng đồng sức, đồng lòng, ủng hộ sức người, sức của, tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Sự chống trả của quân dân ta đã buộc Mỹ phải triển khai nhiều chiến dịch quân sự với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, như “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”. Họ cũng thực hiện “Chiến tranh phá hoại”, mang bom ra đánh phá miền Bắc.
Tổng số bom, đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam ước tính khoảng 15,35 triệu tấn (7,85 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất), gấp 3 lần tổng số bom, đạn sử dụng trong Thế chiến thứ hai. Không chỉ dội bom tàn phá miền Bắc, giặc Mỹ còn rải hơn 80 triệu lít chất độc hóa học (trong đó có 60% là chất độc da cam/dioxin) xuống miền Nam, khiến hơn 4,8 triệu người phơi nhiễm và khoảng 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có nhiều người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3.
Những sự thật vừa nêu cho thấy, việc cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” là hoàn toàn sai trái. Đây là cuộc chiến chính nghĩa nhằm chống lại quân xâm lược Mỹ và chính quyền tay sai.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa về bản chất chỉ là con cờ, bù nhìn do Mỹ tạo ra, nuôi sống bằng các khoản viện trợ khổng lồ để duy trì cỗ máy chiến tranh và suy sụp khi các khoản viện trợ ấy mất đi. Vả lại, sẽ chẳng có bất cứ một chính quyền nào đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân mà rước ngoại bang về giày xéo non sông, đất nước mình, giết hại đồng bào mình.
Bên cạnh đó, luận điệu về ngày 30-4 là “quốc hận”, là “vết nhơ lịch sử” lại càng thể hiện sự xuyên tạc, bịa đặt, mang ý đồ đen tối của các đối tượng xấu. Có thể nói, chiến thắng 30-4-1975 chính là đỉnh cao của cuộc chiến tranh chính nghĩa, là sự kiện đánh dấu sự cáo chung của một chế độ phản dân, phản nước.
Trong ngày này, người dân Sài Gòn và các đô thị miền Nam đã đổ ra đường chào đón bộ đội giải phóng với nụ cười, nước mắt và những bó hoa. Không có “tắm máu”, “trả thù” hay “cướp bóc” mà là vòng tay thân ái, tha thứ, nhân nghĩa, khoan dung.
Thành quả của hòa bình
Chiến thắng 30-4-1975 mãi là biểu tượng của lòng yêu nước và khí phách Việt Nam. Đây không chỉ là thắng lợi quân sự mà còn là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của khát vọng hòa bình, trí tuệ sáng suốt và ý chí kiên cường. Chiến thắng này đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định bản lĩnh của một dân tộc anh hùng, dám đứng lên chống lại mọi kẻ thù xâm lược. Tinh thần Việt Nam trở thành ngọn đuốc truyền cảm hứng cho các phong trào đấu tranh giành độc lập trên thế giới.
Chúng ta đã khép lại một thời kỳ đau thương, mở ra một kỷ nguyên độc lập, hòa bình, thống nhất và phát triển cho dân tộc Việt Nam. Từ đây, giang sơn liền một dải, không còn bóng dáng quân thù. Chiến thắng 30-4-1975 còn là ngày hội lớn của toàn dân tộc - ngày của đoàn tụ. Hàng triệu người đã trở về trong vòng tay của gia đình; cùng hướng tới một tương lai tươi sáng.
Sau ngày thống nhất, đất nước đối mặt với muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, bằng ý chí và sự nỗ lực, Việt Nam đã từng bước vươn lên. Từ mức GDP bình quân đầu người dưới 100 USD, đến năm 2025 đã đạt gần 5.000 USD. Tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao: 6,68% (năm 2015), 6,81% (năm 2017), 7,08% (năm 2018), 8,02% (năm 2022), 7,09% (năm 2024). Việt Nam hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN, xếp thứ 32 thế giới về quy mô kinh tế.
Tuổi thọ trung bình người Việt từ 62 tuổi (năm 1990) tăng lên 75 tuổi (năm 2025). Chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình cao, chỉ số hạnh phúc năm 2024 xếp thứ 54/137 quốc gia. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, trong đó có 12 đối tác chiến lược toàn diện; hai lần trúng cử trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hai lần vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu kỷ lục.
Những số liệu trên không chỉ cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam sau chiến tranh, mà còn khẳng định ý nghĩa to lớn, sâu sắc của chiến thắng 30-4-1975. Hòa bình hôm nay là thành quả của biết bao máu xương và nước mắt, là giá trị thiêng liêng mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, dựng xây. Vì vậy, lịch sử cần được tôn trọng, bảo vệ và truyền tải đầy đủ, khách quan đến các thế hệ mai sau.
Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là nghĩa vụ chung của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chỉ khi lịch sử được nhìn nhận đúng đắn và tôn vinh xứng đáng, chúng ta mới có thể gìn giữ độc lập, chủ quyền và vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.