Những năm qua, kinh tế nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng nhanh, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục phát huy và củng cố vai trò của nông dân, hướng tới hoàn thành mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn, hiện đại, nông dân văn minh; hỗ trợ, tạo điều kiện và khơi dậy khát vọng làm giàu để người nông dân vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để hỗ trợ nông dân thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; giúp người nông dân khơi dậy khát vọng làm giàu, vững tin bước vào kỷ nguyên mới, ngày 31/12/2024, tại Hội nghị Đối thoại với nông dân năm 2024 (lần thứ sáu), Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra các nhóm vấn đề quan trọng, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung giải quyết. Cụ thể:

Một là, tiếp tục tháo dỡ các điểm nghẽn về thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hai là, quan tâm và chú trọng vào công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông sản.

Ba là, tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật để giải phóng các nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai.

Bốn là, tập trung giải quyết các cơ chế, chính sách về vốn tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Năm là, tiếp tục có các giải pháp tập trung mở cửa thị trường nông sản, nhất là thị trường sản phẩm Halal, ưu tiên xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Bảy là, tăng cường đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị.

Tám là, chú trọng phát triển, đổi mới văn hóa trong nông nghiệp, nông thôn.

Chín là, hệ thống chính trị cơ sở phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân, định kỳ tổ chức lắng nghe, đối thoại với người nông dân.

GT

(Theo: Văn phòng Chính phủ: Công văn số 1311/VPCP-NN ngày 18 tháng 02 năm 2025 về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ nông dân sau Hội nghị Đối thoại với nông dân năm 2024).