Khóa họp Đại Hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” vào năm 1990. Bài viết đi sâu phân tích khía cạnh Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam trong con người Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh
Tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, chấm dứt sự khủng khoảng đường lối cứu nước của dân tộc Việt Nam
Sinh thời, ngay từ những ngày thơ ấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh (Đầu tiên Người có tên là Nguyễn Sinh Cung và sau đó là Nguyễn Tất Thành) đã chứng kiến một giai đoạn lịch sử đầy biến động, đau thương của dân tộc Việt Nam. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp xâm lược và từng bước đặt ách thống trị lên đất nước ta. Không chịu khuất phục, phát huy truyền thống yêu nước, các phong trào đấu tranh anh dũng, bất khuất của nhân dân ta, theo các khuynh hướng, lập trường tư tưởng khác nhau, đã nổ ra hết sức sôi nổi, mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chủ quan và khách quan khác nhau, cuối cùng các phong trào đều thất bại và bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, phong trào cứu nước của nhân dân ta đứng trước khủng hoảng sâu sắc. Yêu cầu đặt ra là phải có một con đường cứu nước đúng đắn, một tổ chức chặt chẽ, một giai cấp tiên tiến, một lý luận cứu nước mới, đưa cách mạng Việt Nam đi theo xu thế thời đại mới mà cách mạng Tháng Mười Nga (1917) đã mở ra.
Đáp ứng yêu cầu lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này Người lấy tên là Văn Ba) đã ra đi tìm đường cứu nước. Gần 10 năm (1911 – 1920), bôn ba hầu khắp năm châu, bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc này lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1].
Truyền bá Chủ nghĩa Mác- Lênin về Việt Nam, thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, chấm dứt sự khủng khoảng về tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Sau khi bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá vào trong nước, chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với Cương lĩnh chính trị đầu tiên (do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo), đường lối cách mạng đúng đắn đã cơ bản được xác lập. Trên cơ sở đó, tạo ra bước ngoặt trong đại trong lịch sử dân tộc: Chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước; giai cấp, tổ chức lãnh đạo; lý luận tiên tiến soi đường; đáp ứng yêu cầu lịch sử dân tộc, mở ra trang mới cho lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)
Lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, chấm dứt ách đô hộ của thực dân, phong kiến đối với dân tộc Việt Nam
Từ khi Đảng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm nên những thắng lợi rực rỡ. Đỉnh cao là: Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc – Kỷ nguyên độc lập dân tộc và tự do; 9 năm kháng chiến chống Pháp, với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva (21/7/1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam; cùng với Đảng hoạch đường lối và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1954 -1969) lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ (Chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc, biệt chiến tranh cục bộ), tạo tiền đề làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước – Mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.
Mở ra con đường đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên giàu mạnh, văn minh
Sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, đặc biệt là 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, Việt Nam đã từng bước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và phát triển mạnh mẽ. Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác khẳng định: “Tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giữ trọn niềm tin vào con đường vị lãnh tụ kính yêu đã chọn cho dân tộc; qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng,”Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[2].
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định: “Sau 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và tạo được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây, cô lập, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập tiệm cận trung bình cao, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, có vai trò chủ động, tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.
Quy mô nền kinh tế năm 2024 đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93 % (theo chuẩn đa chiều) so với mức hơn 60% năm 1986. Tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố.
Quan hệ đối ngoại được mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ”[3].
Như vậy, qua phân tích ở trên, cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cống hiến vĩ đại, cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách ngoại xâm và trong sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi nghèo nàn, lạc hậu.
Nghị quyết của UNESCO viết: “Người là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”[4].
Những cống hiến to lớn của Người không những xứng đáng được Unesco phong tặng danh hiệu – Anh hùng giải phóng dân tộc, mà quan trọng hơn, Người đã và đang trở thành anh hùng thực sự khi đã đưa dân tộc Việt Nam đi từ Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội qua Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển đến Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dân tộc Việt Nam nói chung, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nói riêng, đời đời ghi nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyện suốt đời học tập, phấn đấu tu dưỡng và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Và "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"[5] như mong ước cháy bỏng và khát vọng thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.30.
[2] Ban Tuyên giáo Trung ương: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Trang Thông tin điện tử tỉnh Phú Yên, ngày 22/4/2025
[3] Tổng Bí Thư Tô Lâm, Bài phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Theo Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 30/4/2025
[4] Unesco: Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Báo Nhân dân điện tử Ngày 13/9/2022.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.624.