Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, trước những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị tháng 11/1939, hội nghị mở đầu quá trình chuyển hướng chiến lược trong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng

Hai tháng sau ngày Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939, tại nhà ông Trần Văn Hy, ấp Tây Bắc Lân, Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định) (nay là ấp Tây Lân, Bà Điểm, Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) để quyết định chủ trương mới, đáp ứng những yêu cầu của cách mạng.

Dự Hội nghị có các đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu... Đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhận định: chiến tranh thế giới thứ hai là một cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa; sẽ đẩy nhân loại vào cái lò sát sinh lớn, thúc đẩy cuộc khủng hoảng thế giới thêm trầm trọng; trật tự thế giới cũ bị lay chuyển đến tận gốc.

Về tình hình Đông Dương, Hội nghị cho rằng: Đông Dương sẽ bị lôi cuốn vào chiến tranh; Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương, Pháp sẽ đầu hàng Nhật. Ách cai trị của Pháp-Nhật sẽ ngày càng nặng nề. Đời sống của các giai cấp, các dân tộc ở Đông Dương sẽ bị đảo lộn.

Hội nghị phân tích thái độ các giai cấp trong xã hội, xu hướng chính trị của các đảng phái tôn giáo và xác định rõ mâu thuẫn chủ yếu, gay gắt nhất ở Đông Dương lúc này là mâu thuẫn giữa các dân tộc ở Đông Dương với đế quốc Pháp.

Nghị quyết Hội nghị viết: "a) Một bên là đế quốc Pháp cầm hết quyền kinh tế, chính trị, dựa vào bọn vua quan bổn xứ thối nát và bọn chó săn phản bội dân tộc. b) Một bên là tất cả các dân tộc bổn xứ bị đế quốc chủ nghĩa Pháp áp bức như trâu ngựa và đẽo rút xương tuỷ".

Hội nghị đi tới nhận định cực kỳ quan trọng: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập (...) Sự bóc lột tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh sẽ làm cho dân Đông Dương ngày càng cách mệnh hóa. Cuộc cách mệnh đánh đổ đế quốc Pháp của các dân tộc Đông Dương nhất định sẽ nổ bùng”.

Từ nhận định đó, Hội nghị cho rằng chủ trương, chính sách của Đảng trong thời kỳ vận động Mặt trận dân chủ không còn thích hợp. Chiến lược cách mạng tư sản dân quyền phải thay đổi  cho hợp với tình hình. Cách mạng phản đế và điền địa là hai nhiệm vụ mấu chốt của cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương, nhưng nhiệm vụ chính là đánh đổ đế quốc, giành độc lập dân tộc. Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, đặt quyền lợi dân tộc lên hàng đầu, cho nên vấn đề ruộng đất cũng phải nhằm vào mục đích ấy mà giải quyết. Trước mắt, Đảng chỉ chủ trương chỉ tịch thu ruộng đất của những địa chủ đã ra mặt phản bội quyền lợi dân tộc.

Địa điểm nhà ông Trần Văn Hy, số 63/5, ấp Tây Lân, Bà Điểm, Hóc Môn, nơi họp Hội nghị Trung ương tháng 11/1939. Căn nhà cũ đã bị phá hủy bởi bom đạn Mỹ trong Tết Mậu Thân 1968. Căn nhà mới này được xây dựng trên nền đất cũ sau năm 1968 (Ảnh: Tác giả)

Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để chống chiến tranh đế quốc, chống xâm lược phát xít, đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến bản xứ, đòi hoà bình, cơm áo, thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương.

Mục tiêu của cuộc cách mạng ở Đông Dương là việc thiết lập được chính quyền dân chủ cộng hoà chứ không phải là chính quyền xô viết công-nông-binh như đã đề ra trước đây.

Lực lượng của cuộc cách mạng bao gồm tất cả các giai cấp, các đảng phái, các phần tử phản đế muốn giải phóng dân tộc, thực hiện Đông Dương hoàn toàn độc lập với quyền dân tộc tự quyết, trong đó công nhân, nông dân là lực lượng chính, đặt dưới quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân. Hơn lúc nào hết, công nhân và nông dân phải giương cao ngọn cờ dân tộc, vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc mà sẵn sàng bắt tay với tiểu tư sản và những tầng lớp tư sản bản xứ, trung nông, trung tiểu địa chủ, những người ít nhiều có tinh thần chống đế quốc.

Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương do Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thực hiện giải quyết những nhiệm vụ sau:

1) Đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bổn xứ và tất cả bọn phản động tay sai cho đế quốc và phản bội dân tộc.

2) Đông Dương hoàn toàn độc lập (thi hành quyền dân tộc tự quyết). Mỗi dân tộc Đông Dương có quyền quyết định vận mệnh dân tộc mình, nhưng sự nghiệp cách mạng các nước Đông Dương phải có mối liên hệ chặt chẽ.

3) Lập Chính phủ cộng hoà dân chủ.

4) Đánh đuổi hải lục quân của đế quốc Pháp ra khỏi xứ, lập quốc dân cách mệnh quân.

5) Quốc hữu hoá những nhà băng, các cơ quan vận tải, giao thông, các binh xưởng, các sản vật trên rừng, dưới biển và dưới đất.

6) Tịch ký và quốc hữu hoá tất cả các xí nghiệp của tư bản ngoại quốc và bọn đế quốc thực dân và tài sản của bọn phản bội dân tộc, nhà máy giao cho thợ thuyền quản lý.

7) Tịch ký và quốc hữu hoá ruộng đất của đế quốc thực dân bọn phản bội dân tộc. Lấy đất bọn phản bội, đất công điền, đất bỏ hoang chia cho quần chúng nông dân cày cấy, song quyền sở hữu vẫn là của Chính phủ.

8) Thi hành luật lao động ngày 8 giờ, luật bảo hiểm xã hội, tiền hưu trí cho thợ, tìm công ăn việc làm cho thợ thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, công việc và đồng lương ngang nhau, không phân biệt già trẻ, giới tính.

9) Bỏ hết các thứ sưu thuế, đánh thuế luỹ tiến hoa lợi.

10) Thủ tiêu tất cả các khế ước cho vay đặt nợ, lập nhà băng nông phố và ngân hàng bình dân.

11) Ban hành các quyền tự do dân chủ, cả quyền nghiệp đoàn, bãi công, phổ thông đầu phiếu.

12) Phổ thông giáo dục cưỡng bách

13) Nam nữ bình quyền về mọi phương diện xã hội, kinh tế và chính trị.

14) Mở rộng các chính sách xã hội, y tế, cứu tế, thể thao, v.v...

Mặt chiếc bàn gỗ cháy sém do chiến tranh, kỷ vật ghi dấu nơi họp Hội nghị Trung ương Đảng tại gia đình ông Trần Văn Hy, Bà Điểm, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Tác giả)

Về đường hướng phát triển của cuộc cách mạng dân tộc giải phóng, Hội nghị chủ trương: Đảng phải cương quyết lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhằm mục tiêu phản đối đế quốc chiến tranh, chống đế quốc Pháp, chuẩn bị những điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Hội nghị thống nhất quan điểm: trong tình hình mới, nhiệm vụ của Đảng rất nặng nề, Đảng phải nhận rõ sứ mệnh sứ mệnh lớn lao và đủ quyết tâm, sức mạnh, trí tuệ để lãnh đạo nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Với quan điểm đó, Hội nghị đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về mọi mặt, tăng cường thống nhất ý chí và hành động từ Trung ương xuống đến chi bộ dựa trên lý luận cách mạng tiền phong là chủ nghĩa Mác - Lênin, trên nguyên tắc tập trung dân chủ, trên đường lối chính trị và những khẩu hiệu đúng đắn; phải mật thiết liên lạc với quần chúng, nỗ lực tranh đấu để trở nên một đảng chân chính của quần chúng; phải vũ trang lý luận cách mạng; lựa chọn cán bộ mới căn cứ vào thực tiễn công tác; khuếch trương và củng cố cơ sở Đảng trong các thành thị, trung tâm kỹ nghệ, các hầm mỏ đồn điền; gây dựng cơ sở ở Miên, Lào và tổ chức những đảng bộ tự trị của các dân tộc thiểu số; lập các ban chuyên môn; chú trọng công tác chi bộ; kiểm soát việc thực hiện nghị quyết; thực hiện tư phê bình và đấu tranh phê bình. Trong tình hình địch đang đánh phá ác liệt, tổ chức Đảng nhiều nơi bị vỡ, liên lạc không thông suốt, Hội nghị chủ trương phải nhanh chóng khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến các đảng bộ, chi bộ địa phương.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11/1939 có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới về năng lực tư duy, sáng tạo và sự nhạy bén chính trị của Đảng ta. Việc đặt nhiệm vụ phản đế lên trước hết, trên hết, nhận rõ tính độc lập của nhiệm vụ phản đế đối với nhiệm vụ phản phong, chính là sự phát triển quan điểm về vấn đề dân tộc và nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Với sự khẳng định tính chất và nhiệm vụ cách mạng lúc này là giải phóng dân tộc và với chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11/1939 đã mở ra một thời kỳ đấu tranh mới: thời kỳ trực tiếp chuẩn bị lực lượng vũ trang để giành chính quyền về tay nhân dân.

Bình Nguyễn