(VNTV). Trong các văn kiện được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, bám sát thực tiễn đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong đó, sức mạnh dân tộc mà cốt lõi là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện đậm nét.

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra những ngày đầu năm 2021 đã thành công tốt đẹp, các văn kiện trình Đại hội đã được thảo luận, góp ý và nhất trí thông qua.

Có thể thấy, các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này có rất nhiều điểm mới, bám sát thực tiễn đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Trong đó, sức mạnh dân tộc mà cốt lõi là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện đậm nét trong văn kiện Đại hội XIII.

Thống kê trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội, cụm từ “Đoàn kết” được nhấn mạnh 61 lần, riêng Báo cáo chính trị có 33 lần lặp lại; cụm từ “Đại đoàn kết” được nhấn mạnh 29 lần, riêng Báo cáo chính trị là 18 lần. Qua đó cho thấy Đảng ta hết sức quan tâm đến xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong nhiệm kỳ mới, thời kỳ mới. Khẳng định điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa”[1].

Đại hội XIII của Đảng là Đại hội “Đoàn kết -Dân chủ - Kỷ cương -Sáng tạo -Phát triển”. Ảnh tư liệu

2. Đoàn kết, đại đoàn kết là một truyền thống hết sức quý báu của dân tộc ta, đã trở thành lẽ sống và vốn sống của người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành chân lý, quy luật phát triển: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Trên nền tảng đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định và phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa đất nước giành được nhiều thành tựu to lớn, tạo dựng cơ đồ, vị thế và uy tín của đất nước như ngày hôm nay. So với các văn kiện của các kỳ Đại hội trước, trong đó gần nhất là văn kiện Đại hội XII thì vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc trong văn kiện Đại hội XIII có một số điểm mới rõ nét, thể hiện xuyên suốt cả trong phương châm và chủ đề của Đại hội, trong hệ quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và cả trong nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược.

Đoàn kết là một thành tố quan trọng trong phương châm và chủ đề của Đại hội XIII

Trong phương châm của Đại hội,“Đoàn kết” được khẳng định ở vị trí đầu tiên, đó là: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Đúng như phương châm này, Đại hội XIII của Đảng thể hiện tinh thần đoàn kết, tính thống nhất rất cao về các nội dung quan trọng của Đại hội, nhất là các quyết sách được Đại hội biểu quyết thông qua và công tác nhân sự, bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Theo tinh thần đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước tin tưởng, kỳ vọng vào một nhiệm kỳ Đại hội (2021 - 2025) đoàn kết thống nhất, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ đề của Đại hội XIII là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Có thể thấy rằng, thành tố thứ hai trong chủ đề Đại hội nhằm khơi dậy sức mạnh dân tộc, trong đó nhấn mạnh đến phát huy sức mạnh đại đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Đây là điểm mới so với các kỳ Đại hội trước, phù hợp với tính chất thời đại mới là hội nhập và phát triển, trong điều kiện toàn cầu hóacuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ.

Hội thảo khoa học “Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp tổ chức. Ảnh tư liệu

Đại đoàn kết dân tộc được khẳng định trong hệ quan điểm chỉ đạo

So với văn kiện của các kỳ Đại hội trước đây, văn kiện Đại hội XIII của Đảng có điểm mới đầu tiên trong Báo cáo chính trị là đưa ra hệ quan điểm chỉ đạo. Trong 5 quan điểm chỉ đạo lớn, đại đoàn kết dân tộc được khẳng định ở hai quan điểm:

Một là, “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Đây là quan điểm về động lực phát triển trong thời kỳ mới, đặc biệt nhấn mạnh đến động lực tinh thần khát vọng phát triển đất nước phần vinh, hạnh phúc.

Hai là, “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đây là quan điểm về nguồn lực phát triển đất nước, trong đó nhấn mạnh đến nguồn lực nội sinh, con người là quan trọng nhất.

Đại đoàn kết dân tộc thể hiện trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030

Văn kiện Đại hội XIII đưa ra 12 định hướng lớn phát triển đất nước giai đoạn 10 năm (2021 - 2030), trong đó đại đoàn kết toàn dân tộc được xác định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”. Đây là chủ trương nhất quán, định hướng mang tính chiến lược của Đảng trên con đường phát triển đất nước.

Đại đoàn kết dân tộc được cụ thể hóa trong việc xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược

Một trong sáu nhiệm vụ chiến lược được Đại hội XIII nêu ra phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đồng thời, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” là một trong ba khâu đột phá. So với các kỳ Đại hội trước thì đây là điểm rất mới trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Như vậy, khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh dân tộc Việt Nam, cốt lõi là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện đậm nét, xuyên suốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Lan tỏa và hiện thực hóa quan điểm này, sẽ tạo ra động lực, sức mạnh mới để vượt qua khó khănthử thách, giành được nhiều thành tựu to lớn, xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

 

[1]Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.545.