Tinh thần sáng tạo của Hồ Chí Minh
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc bắt gặp bản “Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin. Đây là dấu mốc đầu tiên đánh dấu bước chuyển về lập trường tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. V.I.Lênin cho rằng các nước thuộc địa thường là nước nghèo nàn, lạc hậu, đang bị các nước tư bản nô dịch, thống trị. Do đó, giai cấp vô sản ở chính quốc phải ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa.
Bằng việc nghiên cứu sâu sắc tình hình các nước thuộc địa, nhất là thực tiễn Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã phát triển hơn nữa quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề này khi khẳng định cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc và đến lượt mình sẽ có thể giúp đỡ cách mạng ở chính quốc tiến lên. Đây là sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc khi vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về vai trò của cách mạng ở các nước thuộc địa so với cách mạng ở chính quốc. Nhận định về điều này, đồng chí Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Luận điểm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mới mẻ đến kỳ lạ,...nó nằm trong dòng sáng tạo cách mạng của những con người mà cống hiến lý luận và sự nghiệp đấu tranh vạch đường cho thời đại”[1].
Ngoài ra, tư tưởng về khả năng đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa của V.I.Lênin (quá độ gián tiếp) đã được Nguyễn Ái Quốc phát triển thành tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và ngày nay, tư tưởng ấy vẫn là “kim chỉ nam” cho cách mạng nước ta. Khi xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mặc dù ở thời điểm chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu đang rất phát triển nhưng Hồ Chí Minh cũng khẳng định, mô hình đó có giá trị tham khảo quan trọng, song tuyệt nhiên không thể áp dụng một cách máy móc vào thực tiễn Việt Nam bởi lẽ: “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”.
Với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Hồ Chí Minh cho rằng cần phải học tâp những kinh nghiệm của các nước một cách sáng tạo và vận dụng linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Người chỉ rõ: “phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta”[2].
Không chỉ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh còn phát triển học thuyết ấy bằng việc bổ sung những nội hàm mới mà sinh thời, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác chưa có cơ hội bàn sâu. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”[3]. Do đó, bằng sự am hiểu sâu sắc về xã hội phương Đông và các nước thuộc địa, Người đã dũng cảm đưa ra ý tưởng rất táo bạo: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”[4] và đề xuất bổ sung “cơ sở lịch sử cho chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”[5].
Cũng vì điều này mà nhiều người đã cáo buộc Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa xét lại, nhân danh việc xem xét chủ nghĩa Mác để “hạ bệ”, “phủ nhận” chủ nghĩa Mác. Cũng có ý kiến khác cho rằng Hồ Chí Minh chỉ “cóp nhặt” tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam mà “không có sự sáng tạo nào cả”! Cả hai xu hướng này đều có mục đích hạ bệ, phủ nhận tính sáng tạo của Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Những chỉ dẫn mang tính phương pháp luận
Tinh thần sáng tạo của Hồ Chí Minh trong vận dụng chủ nghĩa Mác trước hết bắt nguồn từ tư duy độc lập, tự chủ của Người. Thực chất, Hồ Chí Minh đã quán triệt rất sâu sắc lời chỉ dạy của Ph.Ăngghen khi vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn cuộc sống. Ph.Ăngghen viết: “Học thuyết của Mác là lý luận của sự phát triển chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”[6].
Việc Hồ Chí Minh đặt vấn đề xem xét lại chủ nghĩa Mác thực chất là chắt lọc những giá trị của học thuyết này để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, đồng thời từng bước bổ sung những nội hàm mới cho phù hợp. Tư tưởng về con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là quá độ từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, có trình độ phát triển nghèo nàn, lạc hậu đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa hay độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội chính là những dẫn chứng thuyết phục cho sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó không phải là “xét lại” để “hạ bệ” hay “phủ nhận” chủ nghĩa Mác - Lênin như các thế lực thù địch thường rêu rao mà là làm cho học thuyết ấy tiếp tục phát triển sinh động trên nền tảng của một nước phương Đông như Việt Nam.
Là người quán triệt sâu sắc phương pháp luận duy vật biện chứng, Hồ Chí Minh rất nghiêm khắc phê phán cả hai khuynh hướng sai lầm khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn. Đó là “chủ nghĩa giáo điều” và “chủ nghĩa xét lại”. Người chỉ rõ, chủ nghĩa giáo điều là “không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng”. Còn chủ nghĩa xét lại “quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em”. Vì thế, Người luôn yêu cầu khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn phải vừa coi trọng việc học tập, nghiên cứu lý luận, vừa gắn lý luận với thực tiễn và phải khắc phục đồng thời cả bệnh giáo điều và chủ nghĩa xét lại.
Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ ngay từ đầu, Hồ Chí Minh đã có một tư duy độc lập, tự chủ, óc sáng tạo. Mặc dù xác định chủ nghĩa Mác - Lênin là “cách mạng nhất”, “chân chính nhất”, là “kim chỉ nam thần kỳ” nhưng Người không coi đó là chìa khóa vạn năng. Thực tiễn đã chứng minh, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong rất nhiều vấn đề của cách mạng như mục tiêu, lực lượng cách mạng; con đường cách mạng của dân tộc… Do đó, những luận điệu cho rằng Hồ Chí Minh “bê nguyên xi”, “cóp nhặt” hay “xét lại” chủ nghĩa Mác - Lênin là lộ rõ ý đồ quy chụp, phiến diện.
Tinh thần sáng tạo của Hồ Chí Minh trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã được chứng minh rất rõ trong thực tiễn Người lãnh đạo cách mạng. Những thành quả cách mạng mà Việt Nam có được trong thời đại Hồ Chí Minh là bằng chứng thực tiễn giàu sức thuyết phục để khẳng định giá trị to lớn không thể phủ nhận của tinh thần sáng tạo ấy.
Kế thừa tinh thần sáng tạo đó của Người, hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng. Phương châm của Đảng là kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo của nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam. Đó chính là lời khẳng định đanh thép: Tinh thần sáng tạo của Hồ Chí Minh hiện vẫn là “kim chỉ nam” cho Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
[1] Phạm Văn Đồng (1996), Hồ Chí Minh - chân dung một con người, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.26
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.92
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.509
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.510
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Sđd, tr.509
[6] C.Mác, Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.628