(VNTV). Dù đã rất chủ động, quyết liệt phòng chống, nhưng bão dịch Covid-19 lần thứ ba đã xuất hiện, nhanh, nhiều và không kém phần nguy hiểm. Bên cạnh các ngành chức năng, công tác phòng chống dịch tại cộng đồng dân cư được kích hoạt và đẩy mạnh. Xin được giới thiệu về một mô hình “dân vận khéo” trong phòng chống dịch đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh năm 2020 tại Đà Nẵng.

Cuối tháng 7/2020, từ ca bệnh 416 xuất hiện trong cộng đồng, Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai. Chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ: các cấp, các ngành chủ động trong công tác kiểm soát, phòng, chống dịch. Khẩn trương tổ chức điều tra yếu tố dịch tễ, truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm, giám sát và theo dõi chặt chẽ không để sót trường hợp có nguy cơ nào. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm ổn định tư tưởng, không hoang mang nhưng cũng không chủ quan; giúp nhân dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Các cấp ủy đảng từ quận, huyện đến phường, xã khẩn trương đưa toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi sát, quản lý cư trú, nhất là đối với người nước ngoài…

Đà Nẵng trở thành tâm dịch Covid-19 từ cuối tháng 7/2020. Ảnh Internet

Đến lúc này, các Tổ tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu dân cư - một hình thức tự quản được xây dựng từ khi Đà Nẵng bước vào cuộc chiến chống SARS-CoV-2 lần thứ nhất - lại được “kích hoạt”, đồng loạt ra quân. Thành viên của tổ gồm: tổ trưởng là bí thư chi bộ, tổ phó là trưởng ban công tác mặt trận, các thành viên khác gồm chi hội trưởng các chi hội đoàn thể (phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh), bí thư chi đoàn thanh niên, trưởng và phó thôn, tổ dân phố thuộc khu dân cư; một số nơi còn có thêm cảnh sát khu vực, cộng tác viên y tế - dân số…

Đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ khu dân cư, sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của bí thư chi bộ - tổ trưởng, sự cộng đồng trách nhiệm, tự nguyện của các thành viên và sự theo dõi, quản lý của chính quyền cơ sở, các tổ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hằng ngày, theo sự phân công của tổ trưởng, các thành viên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, rà soát, nắm tình hình dịch bệnh tại khu dân cư, kịp thời phát hiện, thông tin về các trường hợp nghi nhiễm bệnh, hay người từ địa phương khác đến địa bàn, báo cho phường để xử lý; tuyên truyền, vận động, yêu cầu, giám sát các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ... chấp hành nghiêm các chủ trương, quy định phòng, chống dịch của thành phố; giám sát các trường hợp cách ly y tế tại nhà (nếu có).

Là hình thức tổ chức tự quản, theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, các tổ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác. Tổ lập nhóm trên Zalo, Messenger của Facebook để thảo luận về công việc, đề xuất phương án triển khai, phân công thành viên phụ trách các hộ với tinh thần cộng đồng trách nhiệm và hỗ trợ nhau khi xử lý tình huống phát sinh. Để chia sẻ kinh nghiệm và động viên nhau thực hiện nhiệm vụ, các bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy phường, xã chính là các tổ trưởng, cũng lập nhóm Zalo, liên kết với các đồng chí trong đảng ủy. Qua đây, các văn bản, ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp trên nhanh chóng được triển khai đến từng tổ. Những cách làm hay, nhiều biện pháp hiệu quả còn được các tổ chia sẻ trên Facebook, góp phần cổ vũ, động viên các lực lượng tham gia chống dịch, trấn an tinh thần nhân dân, đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu lợi dụng dịch bệnh để kích động, gây hoang mang trong dư luận.

Ở các khu dân cư có bệnh nhân được phát hiện, các tổ vận động nhân dân hỗ trợ các đơn vị chức năng lập và trực quản lý các chốt cách ly, phong tỏa 24/24. Tổ chia nhỏ lực lượng, đi từng nhà, rà soát từng trường hợp để truy vết F1, F2. Tổ chủ động hoặc kết hợp với các nhóm thiện nguyện trên địa bàn huy động hỗ trợ nước uống, bữa ăn cho lực lượng trực chốt cách ly. Vì vậy, nhiều anh em tham gia trực chốt từng nói: nếu không có sự hỗ trợ, động viên này, có lẽ chúng tôi không đủ cả tinh thần lẫn sức lực để trụ vững…

Mỗi gia đình được phát phiếu để giới hạn 3 ngày đến chợ 1 lần để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Internet

Ngoài việc trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch (cách ly tại nhà, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, tự rèn luyện sức khỏe, sử dụng Phiếu đi chợ đúng quy định...), các tổ còn được giao nhiệm vụ giám sát người lạ vào khu dân cư; phát và tổng hợp Tờ khai y tế; trực tiếp đo thân nhiệt cho tất cả các khẩu trong từng hộ; theo dõi và báo lên cấp trên các trường hợp sốt, ho, hoặc có biểu hiện đáng chú ý... Nhờ vậy, ngành y tế Đà Nẵng có thêm cơ sở để truy vết nhanh chóng các ca nghi ngờ nhiễm bệnh, F1, F2.

Ở nhiều nơi, các tổ còn tổ chức xe cổ động, mang theo pa-nô, khẩu hiệu, cờ, loa đài kêu gọi mọi người chấp hành chủ trương phòng, chống dịch. Những nơi ngõ hẹp, các thành viên dùng xe máy, xe đạp luồn lách, vào tận từng nhà phát tờ rơi, phát loa tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Ngày ấy, ngay giữa tâm dịch, người Đà Nẵng vẫn “bình tĩnh sống”, thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa, tự tin vượt qua đại dịch. Bởi, chỉ sau hơn 1 tháng, cuộc chiến chống dịch lần thứ 2 thu được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều ngày, cả nước chỉ xuất hiện ca bệnh tính bằng 1 con số. Không ít ngày Đà Nẵng không có ca nhiễm mới. Ngược lại, số khỏi bệnh đã hơn gấp nhiều lần. Đà Nẵng đã cùng cả nước kiểm soát được dịch bệnh!

Đà Nẵng phát huy tốt vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng. Ảnh: Internet

Đó là nhờ công sức của các chuyên gia, đội ngũ y, bác sĩ ngày đêm đối mặt với virut SARS-CoV-2, giành giật sự sống cho người bệnh; nhờ lực lượng công an, quân đội ngày đêm giữ gìn an ninh trật tự, ngăn chặn vượt biên trái phép vào Việt Nam mang theo nguy cơ gây bệnh; nhờ các lực lượng thanh niên, phụ nữ, nông dân, doanh nhân, sinh viên, các cán bộ, công chức, đảng viên... mỗi người một vị trí, một công việc, góp một phần vào nhiệm vụ chung chống dịch.

Và đó còn là nhờ công sức của mỗi một thành viên trong các Tổ tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu dân cư. Họ đa phần là lao động lớn tuổi, cán bộ, đảng viên đã nghỉ hưu, sống và liên hệ mật thiết với cộng đồng, thuộc từng ngõ, hiểu từng nhà... Khi có việc, họ sẵn sàng đi đầu, kết nối với mọi người, trở thành “tai mắt”, là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Tự nguyện, tự quản, quyết tâm phòng, chống dịch vì an lành, hạnh phúc của nhân dân chính là phương châm làm việc đem lại hiệu quả không đong đếm được của các Tổ tuyên truyền, vận động, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu dân cư trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

Ngày ngày được chứng kiến và thụ hưởng những kết quả mà các Tổ mang lại cho cộng đồng, mỗi người dân Đà Nẵng càng hiểu thêm sự đúng đắn trong chủ trương xây dựng mô hình tự quản tại các khu dân cư của lãnh đạo thành phố, sự quyết tâm tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền từ quận, huyện đến cơ sở. Và đây cũng là bài học về công tác dân vận khéo, dựa vào dân, nói cho dân hiểu, khai thác sức mạnh từ trong dân để làm những việc vì dân, có lợi cho dân; là kinh nghiệm lãnh đạo sâu sát, bắt đầu từ mỗi đảng viên, từng chi bộ, từ mỗi bí thư - người đứng đầu chi bộ.