Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa trên miền Bắc, cũng như xây dựng đất nước sau khí thống nhất năm 1975, từ năm 1954 đến năm 1986, Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân, cán bộ quản lý kinh tế với hướng kết hợp đào tạo ở trong nước với đẩy mạnh đào tạo ở nước ngoài
Đào tạo cán bộ kỹ thuật trung cấp và đào tạo nghề
Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc ngày càng đòi hỏi phải đào tạo một đội ngũ cán bộ trung cấp đông đảo có chất lượng chuyên môn, kỹ thuật và phẩm chất chính trị tốt. Sau năm 1954, ở miền Bắc, ngành giáo dục trung học chuyên nghiệp đào tạo cán bộ kỹ thuật trung cấp đã được đặc biệt coi trọng.
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và đầu tư ngân sách thích đáng cho nhiệm vụ này; đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em để đào tạo, bồi dưỡng công nhân kỹ thuật.
Đến cuối năm 1965, miền Bắc ngành giáo dục và đào tạo miền Bắc đã đào tạo được 109.700 công nhân kỹ thuật ở trong nước và 10.350 công nhân kỹ thuật ở nước ngoài[1].
Một hướng đào tạo công nhân kỹ thuật và giáo viên dạy nghề được thực hiện là gửi cán bộ và học sinh sang Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu học tập. Đến năm 1975, đã có 42.600 học sinh học nghề được gửi sang các nước đó học tập.
Giai đoạn những năm 1954-1960, nhiều nhà máy mới được xây dựng với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô, Trung Quốc (như khu công nghiệp Thượng Đình, khu công nghiệp hóa chất Việt Trì…), đòi hỏi cần phải có một đội ngũ đông đảo công nhân xây dựng và công nhân vận hành sản xuất. Đào tạo công nhân kỹ thuật được coi như một khâu chuẩn bị cho sản xuất, cho nên giai đoạn này, ngoài việc đào tạo 40.000 công nhân kỹ thuật ở trong nước[2], việc đào tạo công nhân kỹ thuật ở các nước xã hội chủ nghĩa (Liên Xô, Trung Quốc) được thực hiện như một phần của viện trợ đồng bộ: công nhân các nhà máy cơ khí quy mô tầm trung hầu hết được đào tạo ở Liên Xô, công nhân các nhà máy công nghiệp nhẹ được đào tạo ở Trung Quốc v.v..
Một số cán bộ, học sinh được cử đi học tập tại Trung Quốc trong những năm 1957-1959 (Ảnh tư liệu)
Trong những năm 1966-1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam, Bắc, việc gửi học sinh đi đào tạo công nhân kỹ thuật ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa anh em Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Bungari, Ba Lan, Hungari, Rumani, Triều Tiên… vẫn được tiến hành với quy mô ngày một tăng.
Giai đoạn 1971-1975, việc đào tạo công nhân kỹ thuật và giáo viên dạy nghề ở nước ngoài vẫn được tiếp tục. Tới năm 1975 đã có 42.600 học sinh học nghề được cử sang học tập tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Sau khi đất nước thống nhất, việc đào tạo công nhân kỹ thuật tại nước ngoài vẫn được tiếp tục và chủ yếu vẫn là các quốc gia trong phe xã hội chủ nghĩa. Tính đến năm 1982, Nhà nước ta đã gửi đi đào tạo trên 70.000 người (gồm học sinh học nghề, giáo viên dạy nghề và thực tập sinh) tại các nước xã hội chủ nghĩa anh em[3].
Đào tạo cán bộ trình độ đại học
Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước ta chủ trương phục hồi ngay các trường đại học và cao đẳng.
Ngoài việc đào tạo cán bộ đại học ở trong nước, Đảng và Nhà nước ta còn tích cực gửi sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài.
Năm 1951, trong hoàn cảnh khó khăn của kháng chiến, Trung ương Đảng và Chính phủ chủ trương thành lập một khu học xá (Khu học xá Trung ương) để đào tạo cán bộ khoa học và giáo viên tại một địa điểm xa chiến sự (trên đất Quảng Tây, Trung Quốc).
Đảng và Nhà nước ta đồng thời quan tâm đến việc gửi người đi đào tạo ở nước ngoài. Năm 1951, đoàn lưu học sinh đầu tiên của ta gồm 21 người đã được gửi sang Liên Xô học tập.
Trong những năm 1953-1954, ta đã gửi nhiều đoàn học sinh đi học ở nhiều nước khác nhau: Đoàn đi Liên Xô 50 người, đi Cộng hòa Dân chủ Đức 4 người, đi Bungari 1 người, đi Trung Quốc 190 người. Sinh viên của ta được các nước bạn đón tiếp nhiệt tình, chăm sóc chu đáo và được bố trí học ở những ngành nghề khác nhau, chủ yếu theo yêu cầu của ta. Các khoản chi phí đào tạo đều do nước bạn đài thọ.
Cuối năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ta đã khẩn trương gửi tiếp hơn 300 cán bộ và học sinh được tuyển chọn từ các ngành của Trung ương và địa phương đưa đi đào tạo ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho công cuộc xây dựng đất nước lâu dài
Đến những năm 1966-1967, quy mô đào tạo đại học ở nước ngoài lên tới 5.123 người (trong đó: 563 nghiên cứu sinh, 208 thực tập sinh và 4.352 sinh viên đại học), và đến năm 1970-1971 đã lên tới 13.448 người (trong đó: 1.368 nghiên cứu sinh, 164 thực tập sinh và 11.916 sinh viên đại học) đào tạo ở hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô[4].
Kết quả học tập, khoảng 70-80% tổng số sinh viên đại học đạt kết quả khá, giỏi trở lên. Một số ít nghiên cứu sinh được nước bạn đề nghị cho chuyển tiếp làm luận án tiến sĩ hoặc giữ lại làm cộng tác viên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ (15-20%) không tập trung học tập, vi phạm kỷ luật học tập và pháp luật nước bạn, một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật.
Đội xây dựng sinh viên Đại học Tổng hợp Tashkent mùa hè 1976 (Ảnh Trần Văn)
Trần Văn, người đứng ngoài cùng bên phải – Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội, cựu sinh viên Khoa dự bị, Đại học Tổng hợp Tashkent khoá 1975-1976, cựu sinh viên Đại học Trắc địa, đo đạc hàng không và bản đồ Moskva, Liên xô.
Liên Xô - quốc gia giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, sinh viên nhất
Riêng đối với Liên Xô, ngày 03/11/1978, Chính phủ hai nước ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Liên Xô, với 9 điều khoản và có giá trị trong 25 năm.
Trong Điều 3 của Hiệp ước, hai bên thống nhất “thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, phát triển mối quan hệ rộng rãi trong lĩnh vực khoa học và văn hóa, giáo dục, văn học và nghệ thuật”[5].
Ngày 23/01/1981, Chính phủ Việt Nam và Liên Xô cũng ký Hiệp định “Về hợp tác đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế từ năm 1981 đến 1985”, theo đó, Liên Xô “tiếp nhận tối đa 1.400 công dân Việt Nam sang học tập tại Liên Xô trong những năm 1981-1985”[6].
Thực hiện các hiệp định được ký kết, số cán bộ, học sinh, sinh viên Việt Nam được cử sang Liên Xô học tập ngày càng nhiều, gồm nhiều cấp học và loại hình đào tạo, đa dạng lĩnh vực, ngành nghề: sơ cấp, trung cấp, đại học, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, giảng dạy, thực tập sinh nâng cao trình độ, thực tập sinh cao cấp, thực tập sinh Mác - Lênin, thực tập sinh tiếng Nga, học sinh chuyển tiếp tiếng Nga, học sinh tốt nghiệp ở lại thực tập, làm cộng tác viên... thuộc các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, y dược, nghệ thuật, thể dục thể thao...
Theo đánh giá chung của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam, chỉ trong 5 năm (1976-1980), Việt Nam đã gửi sang Liên Xô đào tạo và bồi dưỡng 681 nghiên cứu sinh, 442 thực tập sinh, 2.798 sinh viên đại học[7]. Kinh phí đào tạo Liên Xô dành cho quỹ đào tạo và bồi dưỡng lưu học sinh Việt Nam giai đoạn 1976-1980 là 20 triệu rúp. Liên Xô đã nhận đào tạo và bồi dưỡng cho Việt Nam 4.178 người, tương đương với 3.760 suất học bổng cho lưu học sinh đại học[8].
Bước sang thập niên 80 thế kỷ XX, do nhu cầu cần nguồn nhân lực được đào tạo để xây dựng đất nước, số lượng lưu học sinh Việt Nam được cử đi đào tạo ở Liên Xô không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng.
Đến giai đoạn 1981-1985, số chỉ tiêu tăng so với 5 năm 1976-1980 từ 10% - 40% và kinh phí đào tạo dành cho Việt Nam từ 22 đến 28 triệu rúp[9].
Số sinh viên đại học học tập ở Liên Xô đạt khá, giỏi và xuất sắc hằng năm chiếm tỉ lệ khá cao, thường trên 70 - 80%; năm học 1981-1982 ở Liên Xô đạt 80,54%...[10].
Số học sinh tốt nghiệp bằng đỏ tăng theo từng năm: năm 1979 và 1980 là 25%, 1981 tăng lên 39%, 1982 tiếp tục tăng lên 44%, đến năm 1984 tỉ lệ bằng đỏ chiếm tới 47%[11].
Hợp tác về đào tạo nghề giữa hai nước cũng không ngừng được củng cố và phát triển. Tính từ năm 1966 đến năm 1988, Liên Xô đã đào tạo giúp Việt Nam 16.000 công nhân kỹ thuật và 700 giáo viên[12].
[1] Trọng Bình: Vài nét về quá trình hình thành và phát triển công tác dạy nghề, Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, số 9-1990.
[2] Trọng Bình: Vài nét về quá trình hình thành và phát triển công tác dạy nghề, Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, số 9-1990.
[3] Nguồn của Vụ Quản lý học sinh – Bộ ĐH-THCN-DN trước đây, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[4] Niên giám thống kê 1955 – 1975, tr. 54-56, Bộ Đại học và THCN.
[5] Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Liên Xô: Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Nxb Ngoại giao, Hà Nội và Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1983, tr. 582.
[6] Tập hiệp định về đào tạo, cung cấp thiết bị và hợp tác kinh tế, khoa học Việt Nam-Liên Xô năm 1981-1985, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 12073, tr. 1.
[7] Công văn của Phủ Thủ tướng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp về hợp tác đào tạo với Liên Xô trong kế hoạch 5 năm 1981-1985, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 12084, tr. 1, 3, 8, 4.
[8] Công văn của Phủ Thủ tướng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp về hợp tác đào tạo với Liên Xô trong kế hoạch 5 năm 1981-1985, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 12084, tr. 1, 3, 8, 4.
[9] Công văn của Phủ Thủ tướng, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp về hợp tác đào tạo với Liên Xô trong kế hoạch 5 năm 1981-1985, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 12084, tr. 1, 3, 8, 4.
[10] Công văn, báo cáo của Vụ Giáo dục - đào tạo - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục dạy nghề về đào tạo cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật gửi đi các nước xã hội chủ nghĩa năm 1984, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, hồ sơ 21890, tr. 3, 1, 6, 10.
[11] Công văn, báo cáo của Vụ Giáo dục - đào tạo - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục dạy nghề về đào tạo cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật gửi đi các nước xã hội chủ nghĩa năm 1984, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, hồ sơ 21890, tr. 3, 1, 6, 10.
[12] Công văn, báo cáo của Vụ Giáo dục - đào tạo - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục dạy nghề về đào tạo cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật gửi đi các nước xã hội chủ nghĩa năm 1984, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, hồ sơ 21890, tr. 3, 1, 6, 10.