Từ trải nghiệm thực tế, nghiên cứu lý luận, nhất là gần 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở hải ngoại đã giúp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh có cái nhìn chính xác, thấu đáo, toàn diện về chủ nghĩa thực dân, đế quốc
Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh sử dụng đồng thời từ “chủ nghĩa thực dân”, “chủ nghĩa đế quốc”, trong một số trường hợp khác là “chủ nghĩa tư bản”… để chỉ những quốc gia đi xâm lược, nô dịch các quốc gia - dân tộc khác.
Từ cuối thập niên thứ nhất, đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều bài viết vừa tố cáo tội ác, vừa chỉ ra bản chất của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, trong đó có thể kể đến một loạt tác phẩm tiêu biểu như: Tâm địa thực dân, Vấn đề dân bản xứ, Đông Dương và Triều Tiên (1919), Chính sách thuộc địa (1921), Tội ác của chủ nghĩa thực dân (1921), Bình đẳng (1922), Chế độ thực dân, chính sách thực dân Anh (1923), Công cuộc khai hoá giết người; Đông Dương và Thái Bình Dương (1924), Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1945) v.v..
Tổng hợp nội dung các tác phẩm đó cho thấy một hệ thống luận điểm mang tính lý luận về chủ nghĩa thực dân, đế quốc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Bản chất lừa bịp, phản động, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc
Những quốc gia thực dân, đế quốc thường tự nhận mình là đi “khai hóa văn minh”, nhưng thực chất là “khai hóa giết người”[1], “khai hóa bằng đại bác và lưỡi lê”[2]. Những lời tuyên bố về tự do, bình đẳng, bác ái, khai hóa văn minh, bảo hộ (che chở) đều là bịp bợm, mị dân, che dấu động cơ và bản chất phản động của chính sách xâm lược thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc vạch rõ: “Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột giết người, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn điểm trang cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, Bình đẳng, v.v..”[3].
Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ chủ nghĩa thực dân, đế quốc luôn đồng hành cùng với chiến tranh. Người nhận định: “Còn chủ nghĩa đế quốc, thì vẫn còn nguy cơ chiến tranh”[4]. Điều này có nghĩa là khi chủ nghĩa thực dân, đế quốc còn tồn tại, thì nguy cơ chiến tranh luôn hiện diện.
Nguyễn Ái Quốc nhận xét: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa”[5]. “Thói dâm bạo ở thuộc địa là một hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể nào tưởng tượng được”[6]. Chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa gắn liền với “Sự ngự trị của bạo chính. Ở các tỉnh, người bản xứ bị trói tay trói chân, phải giánh chịu thói tùy hứng, chuyên quyền của các quan cai trị người Pháp và thói tham tàn của bọn làm tôi tớ ngoan ngoãn cho chúng” [7]. Cai trị các nước thuộc địa chỉ có rất ít những viên công chức công bằng mà chủ yếu là những tên thực dân độc ác và sự chuyên chế của những tên viên chức tàn bạo[8]. Ở các nước thuộc địa không có công lý vì “công lý bị bán đứt cho kẻ nào mua đắt nhất, trả giá hời nhất”[9].
Sách "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc và bút tích của GS Hoàng Xuân Hãn về cuốn sách ghi ở trang thứ tư (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Sự áp bức bóc lột có hệ thống và toàn diện của thực dân, đế quốc
Từ sự nghiên cứu, tìm hiểu về chủ nghĩa tư bản, khi bàn về chính sách thuộc địa (1920), Nguyễn Ái Quốc đưa ra kết luận: “Đã từ lâu, chủ nghĩa tư bản phương Tây như con rắn nhiều đầu, thấy châu Âu là nơi quá chật hẹp để bóc lột và máu của vô sản châu Âu không đủ rồi dào để thỏa mãn thèm khát, nó bèn vươn những cái vòi khủng khiếp của nó tới khắp nơi của quả đất”[10]
Trong bài viết Đông Dương và Thái Bình Dương (1924), Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Ngày nay, chủ nghĩa đế quốc đã tiến tới một trình độ hoàn bị gần như là khoa học. Nó dùng những người vô sản da trắng để chinh phục những người vô sản các nước thuộc địa. Sau đó nó lại tung những người vô sản ở một thuộc địa này đi đánh những người vô sản ở một thuộc địa khác. Sau hết, nó dựa vào những người vô sản ở các thuộc địa để thống trị những người vô sản da trắng”[11].
Theo Nguyễn Ái Quốc, mục tiêu cao nhất, đồng thời là bản chất, đặc tính của chủ nghĩa thực dân, đế quốc là bóc lột về kinh tế ở cả thuộc địa và chính quốc. Khi viết về Đông Dương, Người nhận định: “Nghề ăn cướp thực dân như con bạch tuộc, đang xiết chặt bằng nhiều cái vòi hút độc quyền không biết chán”[12]. Người mô tả bằng hình ảnh “Chủ nghĩa tư bản là con đỉa hai vòi - một vòi hút máu giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở chính quốc, một vòi hút máu giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở thuộc địa”[13].
Mặc dù chỉ rõ sự bóc lột ở cả thuộc địa và chính quốc, nhưng Nguyễn Ái Quốc cho rằng sự bóc lột đó dã man, tàn bạo hơn ở các nước thuộc địa. Người phân tích: “Hiện nay, nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng”[14].
Sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc là áp bức toàn diện trên các lĩnh vực và đối với mọi giai cấp, tầng lớp ở các nước thuộc địa. “Người nông dân trong các thuộc địa “bị hai tầng bóc lột: vừa như người vô sản vừa như những người bị mất nước”[15]. Giai cấp công nhân không khác gì nô lệ: ngày làm 12-13 giờ, kể cả ngày lễ, ngày chủ nhật, không có bảo hiểm xã hội cho tuổi già, không có trợ cấp khi đau ốm hoặc khi tai nạn lao động. Nguyễn Ái Quốc nhận định: “Người dân các nước thuộc địa phải chịu đựng mọi sự đau khổ: “Ở trên thế giới này, không có dân tộc chiến bại nào bị kẻ chiến thắng ngược đãi hành hạ bằng dân tộc thuộc địa”[16].
Việc nhận rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, đế quốc là một trong những cơ sở quan trọng để Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của đoàn kết, hợp tác quốc tế và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn của dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Con đường đó là tất yếu khách quan đối với dân tộc Việt Nam vì “sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi. Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”[17].
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 2011, t.1, tr.112.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.291.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.93.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập Sđd, t.12, tr. 729.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.114.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.114.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.12.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.6-7.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.12.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.31.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 266.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.401.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.295.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr.296.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr.225.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.387.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.40.