Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), toàn thể dân tộc Việt Nam tưởng nhớ và tri ân vị lãnh tụ kính yêu, đã trọn đời cống hiến vì nước, vì dân, đồng thời, chúng ta luôn khắc ghi những lời dạy của Người về phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc

Chứng kiến cảnh nước nhà chìm đắm trong lầm than, dân ta làm nô lệ cho thực dân, đế quốc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết chí xuất dương, tìm đường cứu nước, với hành trang duy nhất là ý chí, khát vọng giải phóng dân tộc.

Với ý chí, hoài bão lớn lao và tư duy mới, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, đã rời đất nước ra nước ngoài (phương Tây) đi tìm con đường cứu nước phù hợp, đúng đắn “xem người ta làm thế nào để rồi trở về giúp đồng bào mình”. Sau khi đi qua nhiều nước, nhiều châu lục, đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành gia nhập Đảng Xã hội Pháp (thành viên của Quốc tế II), tìm hiểu về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.

Ngày 18/6/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi mới Nguyễn Ái Quốc gửi Bản yêu sách 8 điểm tới Hội nghị Verssailles, đòi những quyền dân tộc tự quyết. Sự kiện đó tạo ra tiếng vang lớn cho Việt Nam và Đông Dương, thức tỉnh cả dân tộc về quyền sống của mình.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc toàn văn tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin và nhận thấy tác phẩm “là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Điều này đã làm chuyển biến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm thấy ở lý luận cách mạng, khoa học đó con đường cứu nước đúng đắn, gắn liền sự nghiệp giải phóng dân tộc với sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người của chủ nghĩa cộng sản.

Cuối tháng 12/1920, tại Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp tổ chức ở Thành phố Tours, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành quan điểm của V.I.Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Trả lời câu hỏi của một đồng chí Pháp, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu”[1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người gắn với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám  năm 1945 (Ảnh tư liệu)

Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước duy nhất đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản, đặt dưới sự lãnh đạo của một chính đảng vô sản, Nguyễn Ái Quốc tiến hành chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên. Cương lĩnh ngắn gọn, rõ ràng và thể hiện rõ tinh thần độc lập, tự chủ, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, được Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định đấu tranh giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc thực dân và chế độ phong kiến đã suy tàn, để cho nước Nam được hoàn toàn độc lập.

Ngày 28/1/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pác Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang rên xiết trong cảnh “một cổ hai tròng”, vận mệnh dân tộc đang trong cảnh “nước sôi lửa nóng”.

Với quyết tâm được xác định rõ trong chương trình “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”, Mặt trận Việt Minh đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Sự thành lập, hoạt động của Việt Minh đã trở thành một trong những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Mùa Thu năm 1945, cả dân tộc không phân biệt giai cấp, tầng lớp, vùng lên theo Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất. Cuộc cách mạng ấy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, đập tan xiềng xích nô lệ, lật nhào chế độ thuộc địa nửa phong kiến tồn tại gần một thế kỷ trên đất nước ta, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc; thiết lập nên nền dân chủ cộng hòa, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.

Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

Khát vọng “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” cho dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh còn đồng thời là khát vọng thống nhất Tổ quốc, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, ngày 23/10/1946, Hồ Chí Minh khẳng định: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi trân trọng hứa với đồng bào rằng, với quyết tâm của đồng bào, với quyết tâm của toàn thể nhân dân, Nam bộ nhất định trở lại cùng thân ái chung trong lòng Tổ quốc”[2].

Trong cuộc mít tinh tiễn Người và Đoàn đại biểu chính phủ đi Pháp ngày 30/5/1946, Người tỏ cùng đồng bào: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốchạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào trốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”[3].

Chủ tịch Hồ Chí Minh- tấm gương người chiến sĩ cộng sản suốt đời vì nước, vì dân (Ảnh tư liệu)

Trả lời các nhà báo nước ngoài sau khi Quốc hội giao quyền Chủ tịch nước, Người tiếp tục khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành[4].

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của nhân dân và làm thế nào để đem lại lợi ích, hạnh phúc cao nhất cho nhân dân. Người đã từng nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”. Do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn khai thác, tìm tòi những nhu cầu lợi ích thiết thân và chính đáng của nhân dân để nhân dân đem hết tài năng, trí lực, sáng tạo của mình hăng hái tham gia.

Sự chăm lo đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc của Người, ở những giây phút cuối cùng trong cuộc đời: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân[5].

Hơn nữa, với triết lý coi đói nghèo là giặc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân còn cho chúng ta nhận thức rõ nét nguy cơ của đói nghèo. Đói nghèo sinh ra đạo tặc, đói nghèo làm ly tán lòng dân, đói nghèo làm tiêu tan mọi phấn đấu cho phát triển và đói nghèo là căn nguyên làm cho đất nước không thể phát triển bền vững. Muốn phát triển bền vững cần thiết đời sống người dân phải được ấm no, hạnh phúc trong một môi trường sống đầy đủ về vật chất, tốt về môi trường và một xã hội an bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành xây dựng và chấn chỉnh bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm cho bộ máy chính quyền các cấp thể hiện được bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội mới. Người nhắc nhở: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta"[6].

Với tinh thần này, nhân dân thực sự được coi trọng và thực sự là chủ của xã hội mới và tư tưởng chăm lo đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thành hiện thực trong thực tiễn. Chăm lo đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét trong quan điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội của Người. Đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội không phải là làm cái gì cao xa mà: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ (ví dụ: lấy vợ, lấy chồng sớm quá, cúng bái, liên hoan lu bù, lười biếng...). Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội"[7].

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng ngời ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, thương dân hết mực, đạo đức cách mạng trong sáng, vô tư và tác phong khiêm tốn, giản dị. Mỗi chúng ta, từ người cán bộ, đảng viên, đến mỗi người dân luôn ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn của Người, đồng thời nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, tác phong, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện thành những chiến sỹ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Người.

 

[1] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t. 1, tr.94.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.4, tr.249.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.272.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.187.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr 612.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr 65.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr 438.