Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, hàng triệu con người đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường và tinh thần hy sinh cao cả. Một trong những nhân vật tiêu biểu đó là bà Nguyễn Thị Bình - nhà cách mạng kiên cường và nhà ngoại giao xuất sắc, đã cống hiến những công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
1. Lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX là bản anh hùng ca vang dội, sáng ngời, ở đó có những con người với lòng quả cảm và ý chí đấu tranh mạnh mẽ đã làm nên lịch sử.
Nguyễn Thị Bình – người phụ nữ với bản lĩnh thép, trí tuệ sắc sảo và trái tim tràn đầy nhiệt huyết cách mạng đã trở thành tấm gương sáng ngời của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Bà Nguyễn Thị Bình, tên khai sinh là Nguyễn Châu Sa, sinh ngày 26 tháng 5 năm 1927, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, là cháu ngoại của cụ Phan Chu Trinh – một chí sĩ yêu nước, nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Từ khi lớn lên bà đã sớm bước chân vào con đường cách mạng, bà gia nhập phong trào Phụ nữ Cứu quốc và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ rất sớm, luôn tích cực hoạt động trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp. Từ 7/1951-12/1954, bà bị địch bắt giam ở khám Chí Hòa, là Chi ủy viên Chi bộ nhà tù Chí Hòa; ra tù tiếp tục hoạt động trong phong trào hòa bình đòi thi hành Hiệp định Geneva 1954.
Sau Hiệp định Geneva 1954, bà ở lại miền Nam – nơi thành đồng của tổ quốc, trở thành đại diện xuất sắc của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếp tục hoạt động bí mật trong lòng địch, góp phần to lớn cho phong trào cách mạng miền Nam chống đế quốc Mỹ.
Năm 1969, bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và mang trọng trách, vai trò to lớn với cương vị trưởng phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris (1968–1973).
Quang cảnh Hội nghị Paris về Việt nam (Ảnh tư liệu)
Tại Hội nghị đó, ngày 27/01/1973, Nguyễn Thị Bình đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời đặt bút ký vào Hiệp định Paris - Hiệp định có ý nghĩa quyết định đến việc chấm dứt chiến tranh, buộc Mỹ phải cam kết chấm dứt mọi hoạt động quân sự tại Việt Nam, phá bỏ các căn cứ quân sự. Điều này làm suy yếu nghiêm trọng chính quyền ngụy Sài Gòn, mở ra thời cơ chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng Việt Nam có cơ hội củng cố sức mạnh, chuẩn bị cho những bước tiến tiếp theo để tiến hành tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với tài năng xuất chúng và bản lĩnh tự tin trên mặt trận ngoại giao, Nguyễn Thị Bình với sự thông minh trời phú, sở hữu tư duy vô cùng sắc sảo, bà đã luôn khéo léo, ứng biến linh hoạt, không hề nao núng, đấu trí – đấu lý giữa “một bầy sói” già dặn, ranh xảo, mưu mô trên chiến trường không khói súng nhưng đầy khốc liệt.
Bà đã biến bàn đàm phán thành một mặt trận đấu tranh kiên định không khoan nhượng, dùng lời nói với lập luận đanh thép để bảo vệ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của toàn thể nhân dân.
Trang sử vàng của dân tộc Việt Nam khắc ghi đậm nét và mãi mãi tôn vinh hình ảnh Nguyễn Thị Bình – một nhà thương lượng tài ba – một sứ giả của hòa bình. Những lý lẽ của bà luôn sắc sảo nhưng đầy lý, đầy tình đã thực sự chạm đến trái tim, khơi dậy tình cảm yêu mến của nhân dân thế giới cho sự đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa, bảo vệ quyền được sống trong độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhắn với chiếc áo dài giản dị, gương mặt điềm tĩnh nhưng đầy uy lực, với hàng loạt những câu đối thoại hùng hồn tựa vũ khí sắc bén đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại đời đời lưu truyền, khiến cả thế giới phải kính nể, ngưỡng mộ, Nguyễn Thị Bình – chính thức trở thành tâm điểm và gây ra "cơn bão" với giới truyền thông báo chí quốc tế lúc bấy giờ. Những ngày tháng miệt mài “đấu tranh” oanh liệt giữa lòng thủ đô hoa lệ đó, một cuộc đàm phán ngoại giao dài nhất với 4 năm 8 tháng 16 ngày, Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam, “Madame Bình” thực sự đã làm chấn động dư luận Paris và thế giới.
Có thể thấy rằng, vai trò to lớn cùng những nỗ lực không mệt mỏi của bà trên bàn đàm phán, trong các lần trả lời phỏng vấn, dự tổ chức họp báo giữa hàng trăm nhà báo, phóng viên, truyền hình trực tiếp đã dẫn đến thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973, thành tựu này không chỉ là sự kiện trọng đại, thắng lợi vẻ vang trên mặt trận ngoại giao mà còn là bước ngoặt lớn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thúc đẩy công cuộc thống nhất đất nước thành công, như lời sau này trong Hồi ký của minh bà đã nói:“Đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử, tôi vô cùng xúc động... Tôi như thay mặt nhân dân và các chiến sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ đấu tranh trên tiền tuyến và trong lao tù cắm ngọn cờ chiến thắng chói lọi. Vinh dự đó đối với tôi thật quá to lớn”.
Đúng vậy, đó là vinh dự thiêng liêng nhất của cuộc đời cách mạng bà đã có và lòng biết ơn khâm phục vô cùng của nhân dân Việt Nam luôn dành cho bà là điều không thể nào chối cãi được.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Ảnh tư liệu)
2. Nguyễn Thị Bình không chỉ là một biểu tượng mạnh mẽ của một nhà ngoại giao kiệt xuất, bà còn là hiện thân của lòng nhân ái và khát vọng hòa bình với ngọn lửa cống hiến không bao giờ tắt.
Sau ngày đất nước thống nhất, người phụ nữ kiên trung ấy tiếp tục dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nguyễn Thị Bình là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua các nhiệm kỳ 1992-1997 và 1997-2002, trong vai trò mới, bà đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực giáo dục, bình đẳng giới và nâng cao đời sống nhân dân. Còn nhớ mãi câu nói của bà: "Giáo dục là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức” hay "Mỗi phụ nữ đều có quyền quyết định về cuộc đời mình”, “Phụ nữ xứng đáng có tiếng nói trong mọi lĩnh vực” đã thể hiện được lương tâm và trí tuệ của một nữ chính khách mang dòng máu anh hùng. Trong trái tim bà luôn sáng bừng lên ngọn lửa cách mạng, chất chứa sức mạnh tiềm tàng của phụ nữ, vượt qua mọi giới hạn, khó khăn thiếu thốn của thời đại, tự tin về kiến thức, ngoại ngữ, ngoại hình để khẳng định vai trò của mình trong lịch sử dân tộc và đấu trường quốc tế. Bà là niềm tự hào của dân tộc, là minh chứng sống, là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để truyền động lực cho thế hệ trẻ và phụ nữ Việt Nam hôm nay.
Hòa chung không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước hân hoan niềm vui hướng tới đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), cả dân tộc Việt Nam một lòng tưởng nhớ, tri ân đến tất cả những người con đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cao cả này, cái tên Nguyễn Thị Bình lại ngân vang, bừng sáng như một bản hùng ca bất diệt.
Có thể khẳng định rằng, công lao của bà trong sự nghiệp giải phóng miền Nam là một phần không thể tách rời trong lịch sử dân tộc. Bà là hiện thân của ý chí quật cường, của khát vọng tự do và hòa bình, là niềm tự hào mãi mãi của dân tộc Việt Nam. Tấm gương của bà sẽ còn sống mãi, soi đường cho các thế hệ tiếp nối trên hành trình dựng xây và bảo vệ tổ quốc ngày càng phát triển phồn vinh hạnh phúc.