Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan. Trong những nhân tố đó, đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng - Tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhân tố quyết định.
Cơ sở và tính đúng đắn sáng tạo của đường lối
Về mặt lý luận, trước hết, Đảng ta vận dụng sáng tạo Lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Lý luận cách mạng không ngừng được V.I.Lênin phát triển từ tư tưởng cách mạng không ngừng của C.Mác, Ph.Ăng ghen. Nội dung cơ bản là giai cấp vô sản tiến hành cách mạng qua 02 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới; giai đoạn thứ 2, cách mạng xã hội chủ nghĩa và giữa 02 giai đoạn cách mạng này không có sự ngăn cách. Giai đoạn đầu là tiền đề cho giai đoạn sau. Hoàn thành giai đoạn thứ nhất phải chuyển ngay sang thực hiện nhiệm vụ của cuộc cách mạng ở giai đoạn thứ hai.
Tiếp đó, Đảng ta kế thừa và phát triển các Cương lĩnh của Đảng. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, trên cơ sở vận dụng lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, chỉ rõ: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”1. Nghĩa là, xác định rõ cách mạng Việt Nam phải đi tới xã hội cộng sản. Nhưng đi tới bằng cách nào? Trước hết, phải trải qua cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng thổ địa (ruộng đất), sau đó tất yếu phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa để đi tới xã hội cộng sản. Vì vậy, cho dù không nói rõ, cụ thể nhưng mục tiêu cách mạng đã hàm chứa 02 giai đoạn mà cách mạng Việt Nam phải trải qua. Từ đó, sau này khi nói về mục tiêu (hay con đường) cách mạng Việt Nam, thường được hiểu và diễn đạt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Hai giai đoạn cách mạng được xác định rõ hơn trong Chánh cương của Đảng Lao động Việt Nam (2/1951). Chánh cương xác định lộ trình cách mạng Việt Nam: Hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Như vây, Đảng ta vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng không ngừng và kế thừa, phát triển Cương lĩnh đầu tiên và Chánh cương của Đảng Lao động Việt Nam. Sự sáng tạo thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, lý luận cách mạng không ngừng gọi 02 giai đoạn cách mạng là cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các Cương lĩnh và đường lối Đại hội III của Đảng không dùng tên gọi này mà dùng các tên gọi khác, phù hợp thực tiễn Việt Nam (tư sản dân quyền, thổ địa cách mạng và cách mạng xã hội chủ nghĩa hoặc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân & cách mạng xã hội chủ nghĩa).
Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 họp bàn kế hoạch giải phóng miền Nam (Ảnh tư liệu)
Thứ hai, cả lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin và các Cương lĩnh của Đảng đều đề cập đến việc tiến hành lộ trình cách mạng trên phạm vi cả nước. Do đó, việc xác định đường lối tại Đại hội III, tiến hành đồng thời, kết hợp chặt chẽ 02 chiến lược cách mạng ở 02 miền Nam, Bắc là sáng tạo lớn về mặt lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về mặt thực tiễn, tình hình đất nước sau tháng 7/1954 có đặc điểm lớn là đất nước tạm thời chia cắt làm 2 miền. Trong bối cảnh ấy, yêu cầu đặt ra đối với Đảng ta là làm thế nào đề ra đường lối để cùng lúc lãnh đạo cách mạng ở hai miền Nam, Bắc. Sau thời gian tìm tòi (7/1954-9/1960), bám sát tình hình thế giới và trong nước, dựa chắc, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng không ngừng vào Việt Nam, kế thừa phát triển các Cương lĩnh của Đảng, Đảng ta đã hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam một cách đúng đắn, sáng tạo. Cụ thể:
Thứ nhất, tính đúng đắn thể hiện rõ khi xét từng miền: miền Nam chưa hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thì phải tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng này, mục đích trực tiếp là đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Miền Bắc cơ bản đã được giải phóng, chuyển ngay sang thực hiện nhiệm vụ của cuộc cách mạng thứ hai, mục đích trực tiếp là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, biến miền Bắc thành hậu phương vững mạnh cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất nước nhà. Đồng thời, miền Bắc còn phải gánh sứ mệnh trọng đại - chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi đất nước thống nhất.
Thứ hai, tính sáng tạo cũng thể hiện rõ khi xét trên phạm vi cả nước. Việc tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng ở 02 miền Nam, Bắc đã biến Việt Nam trở thành mô hình đặc thù, chưa từng có tiền lệ lịch sử.
Đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng của Đảng và đại thắng mùa Xuân 1975
Đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng được xác định rõ trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III (9/1960) của Đảng: “Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện tại có hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau”2.
Đảng ta cũng chỉ rõ vai trò của từng chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam giữ vai trò quyết định trực tiếp đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất với toàn bộ sự nghiệp cách mạng cả nước.
Với đường lối đúng đắn, sáng tạo, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi vĩ đại trong giai đoạn 1954-1975. Đại hội IV (12/1976) của Đảng khẳng định: “Nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng ta với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo. Đó là đường lối giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ cách mạng quan hệ chặt chẽ với nhau: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, hoàn thành thống nhất nước nhà, tạo điều kiện để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với đường lối ấy, Đảng ta đã động viên được đến mức cao nhất lực lượng nhân dân hùng hậu cả nước, kết hợp tiền tuyến lớn với hậu phương lớn, kết hợp sức mạnh nhân dân ta với sức mạnh ba dòng thác cách mạng của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ và thắng Mỹ”3.
Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân, tháng 4/1975 (Ảnh tư liệu)
Đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam, Bắc được Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo và đem lại kết quả trong thực tiễn. Quá trình đó diễn ra qua nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến tranh của Mỹ ở miền Nam: chiến lược “Chiến tranh đơn phương”(1954-1960); “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965); “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1975).
Sau quá trình chuẩn bị, sức mạnh tổng hợp của hai miền Nam, Bắc đã được phát huy tới mức cao nhất trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với ba chiến dịch và chiến thắng lớn: Chiến dịch Tây Nguyên (04-24/3/1975); Chiến dịch Huế-Đà Nẵng (21/3/1975-29/3/1975) và giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-30/4/1975).
Bài học quý cho hôm nay và mai sau
Nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là đường lối tiến hành đồng thời và kết hợp chặt chẽ hai chiến lược mạng ở hai miền Nam, Bắc, hay đường lối: “giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của Đảng. Soi vào thực tiễn hiện nay, chúng ta có thể đúc kết ba bài học quý giá:
Một là, trong quá trình hoạch định đường lối, chủ trương Đảng phải luôn vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Hai là, hoạch định chiến lược cách mạng chung cho cả nước, Đảng phải hết sức chú ý đến đặc điểm cụ thể của từng vùng, miền, địa phương…cho phù hợp. Từ đó, xác định rõ mục đích chung của toàn bộ chiến lược, đồng thời, hết sức chú ý nhiệm vụ cụ thể của từng vùng, miền, địa phương…
Ba là, cán bộ cần phát huy tinh thần “6 dám” trong vận dụng lý luận nói chung, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói riêng vào mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối đúng đắn, sáng tạo là nhân tố quyết định làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975. Đường lối của Đảng, là sự vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lê nin, kế thừa, phát triển các Cương lĩnh của Đảng. Với việc hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối này, đã để lại những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu cho Đảng, dân tộc và mỗi chúng ta hôm nay và mai sau.
Phát huy khí thế đại thắng mùa Xuân năm 1975 và những bài học kinh nghiệm quý báu, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, dân tộc Việt Nam sẽ làm nên những mùa Xuân đại thắng mới trong kỷ nguyên phát triển mới.
__________________________
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.2.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr. 916.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.37, tr. 981.