Khi Gen Z bước chậm giữa lịch sử
Trong mắt nhiều người, Gen Z là thế hệ sống vội, sống ảo và có phần xa rời những giá trị truyền thống. Thế nhưng, giữa lòng Hà Nội tấp nập, sáng sớm Chủ nhật tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò lại hé lộ một lát cắt hoàn toàn khác: Người trẻ lặng lẽ bước vào, lắng nghe, thậm chí bật khóc trước từng mảnh ký ức lịch sử.
“Đi qua phòng tối, rồi đến nơi đặt máy chém, mình thật sự rùng mình. Nhưng đến khu tưởng niệm, đứng thắp nhang tri ân, bỗng nhiên nước mắt cứ thế rơi.” – Bạn Nguyễn Ngọc Minh (22 tuổi) xúc động nói.
Gen Z không đến Hỏa Lò để “check-in” rồi vội vã rời đi. Họ đến để lắng nghe, để hiểu và để cảm nhận sự kiên cường, hy sinh của cha ông. Không ít người trong số họ đến chỉ với một tâm thế “đi thử cho biết”, nhưng lại ra về với nhiều suy ngẫm đọng lại.
![]() |
Người trẻ lặng lẽ đọc, nghe và suy ngẫm về những mảnh ký ức lịch sử. |
![]() |
Bạn Đỗ Huy Tiến (sinh viên năm 4, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) chia sẻ: “Lần đầu đến Hỏa Lò, mình nghĩ đi thử cho biết. Nhưng càng nghe, càng đọc, mình lại càng thấm thía sự kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Mình nhận ra cuộc sống đủ đầy mà mình đang có hôm nay đều được đánh đổi bằng máu và nước mắt của bao thế hệ đi trước. Điều đó khiến mình biết trân trọng cuộc sống hiện tại hơn.”
Hỏa Lò ngày nay không chỉ đón học sinh, sinh viên theo đoàn, mà còn là điểm đến tự nguyện của nhiều bạn trẻ. Họ đến với sự tò mò, khát khao hiểu về nguồn cội và đôi khi để tìm cảm hứng cho dự án học tập, thuyết trình.
“Ban đầu mình đến Hỏa Lò chỉ để tìm tư liệu cho bài thuyết trình nhóm, nhưng càng đi, càng nghe, mình lại bị cuốn vào những câu chuyện ở đây, không chỉ giúp bài làm của mình trở nên sống động hơn, mà còn khiến mình cảm thấy tự hào và có trách nhiệm hơn với lịch sử của dân tộc.” – Phạm Thùy Linh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội bày tỏ.
“Sống ảo” để sống thật hơn với lịch sử
Không học sử bằng cách thuộc lòng, Gen Z chọn cách sống cùng lịch sử bằng những phương tiện của thời đại mình. Với tư duy kể chuyện hiện đại, họ chia sẻ những thước phim ngắn đầy cảm xúc lên mạng xã hội, kéo theo hàng trăm nghìn lượt xem, bình luận và rủ nhau “đi Hỏa Lò một lần cho biết”.
![]() |
Một số video TikTok chia sẻ trải nghiệm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò thu hút hàng nghìn lượt xem. |
Trang fanpage của Di tích Hỏa Lò, với đội ngũ truyền thông chủ yếu là các bạn trẻ thế hệ 9X, 2K, đã thổi một làn gió mới vào cách kể sử. Những bài viết có nhịp điệu trẻ trung, hình ảnh chỉn chu, video ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc đã khiến lịch sử không còn là thứ “đầy chữ, khó nhớ” mà trở thành câu chuyện gần gũi, truyền cảm hứng.
“Mình từng nghĩ bảo tàng là nơi khô khan, kiểu chỉ có hiện vật và bảng chú thích. Nhưng Hỏa Lò thì khác hẳn. Họ kể chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ rất trẻ, từ những clip ngắn đầy cảm xúc đến các hoạt động mới mẻ, thú vị như “đóng dấu đồng song” hay thông điệp “lá bàng” – vừa sáng tạo, vừa sâu sắc.” – Vũ Thị Thu Trang, sinh viên Học viện Ngoại giao hào hứng chia sẻ.
![]() |
![]() |
Nhiều người trẻ thích thú trước cách truyền thông đầy sáng tạo và sâu sắc qua “đóng dấu đồng song” và thông điệp “lá bàng” của Di tích Nhà tù Hỏa Lò. |
Trang cũng cho biết thêm, sự thân thiện, nhiệt tình của đội ngũ nhân viên và không gian nhỏ gọn, đi trong nhà nên không bị mệt hay nắng nóng cũng là yếu tố khiến cô cảm thấy gần gũi, dễ tiếp cận. “Tất cả khiến mình muốn quay lại, không chỉ một lần.”
Trong kỷ nguyên số, nơi mọi thứ chuyển động chóng mặt, những khoảnh khắc dừng lại trước một di tích lịch sử để lắng nghe, để suy ngẫm, để biết ơn càng trở nên quý giá.
Gen Z – thế hệ được cho là gắn liền với “sống ảo” – lại đang có một cách sống cùng lịch sử rất thật, không rập khuôn, không sáo rỗng. Họ bước vào Hỏa Lò bằng sự tò mò, rồi ra về bằng sự biết ơn. Và có lẽ, chính những bước chân lặng lẽ ấy đang góp phần viết tiếp một chương mới - chương của những người trẻ yêu sử không phải bằng lời dạy, mà bằng cả trái tim.