(VNTV). Mỗi dịp kỷ niệm lớn như Giái phóng miền nam thống nhất đất nước (30/4), chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), Quốc khánh (2/9)… , trong mỗi người dân Việt Nam lại bùng cháy lên ngọn lửa của lòng yêu nước, với những hành động, biểu cảm, và lời tri ân đầy xúc động. Sau những khoảnh khắc ấy, lòng yêu nước chân chính cần được nuôi dưỡng bằng trách nhiệm, nhận thức và hành động cụ thể trong đời sống thường nhật.

Yêu nước chân chính là giá trị thường trực

Mỗi con người Việt Nam luôn hiện hữu trong mình tình yêu Tổ quốc - ngọn lửa thiêng liêng được thắp lên từ truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc. Đó là cảm xúc tự nhiên, gắn liền với cội nguồn, với lịch sử đấu tranh oanh liệt của biết bao thế hệ và khát vọng xây dựng đất nước phát triển bền vững.

Trong nhịp sống hối hả hàng ngày, lòng yêu nước ấy cần được nuôi dưỡng bằng sự gắn kết lâu dài với nhận thức lý trí và hành vi thực tế, trong từng hành vi cụ thể. Khi một bác sĩ hết lòng với người bệnh, một giáo viên tận tâm truyền tri thức, một công nhân làm việc nghiêm túc và trung thực, hay một người trẻ khởi nghiệp vì cộng đồng – họ đang yêu nước bằng chính sự cống hiến âm thầm của mình.

Trong thời đại toàn cầu hóa và chuyển đổi số, lòng yêu nước không còn chỉ là giữ gìn truyền thống mà còn là biết dấn thân đổi mới, hội nhập sâu rộng và góp phần nâng cao vị thế quốc gia. Tình yêu nước hôm nay đòi hỏi mỗi người không chỉ tự hào về lịch sử, mà còn sẵn sàng hành động để kiến tạo tương lai. Một người trẻ học giỏi, sáng tạo, hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học, giáo dục, nghệ thuật hay ngoại giao - nếu mang theo tinh thần Việt, trí tuệ Việt - chính là đang thể hiện lòng yêu nước một cách thiết thực.

Yêu nước trong thời đại số còn là làm chủ công nghệ một cách có đạo đức, lan tỏa giá trị tích cực trên mạng, chống lại thông tin sai lệch, bảo vệ chủ quyền số và bản sắc văn hóa trong môi trường trực tuyến. Đó cũng có thể là việc xây dựng thương hiệu Việt, khởi nghiệp sáng tạo vì cộng đồng, tiêu dùng có trách nhiệm, hoặc đóng góp ý kiến tâm huyết cho những quyết sách quốc gia.

Có thể khẳng định rằng, lòng yêu nước hôm nay không nằm ở những biểu tượng mà thể hiện qua trí tuệ, bản lĩnh và hành động cụ thể mỗi ngày - thầm lặng nhưng bền bỉ - trong cả đời sống cá nhân lẫn công việc cộng đồng.

Để lòng yêu nước trở thành một giá trị sống thường nhật

Để lòng yêu nước trở thành một giá trị sống bền vững trong mỗi con người, trước hết cần một quá trình chuyển hóa về nhận thức - từ cảm xúc sang trách nhiệm. Quá trình này phải bắt đầu từ giáo dục. Nhà trường cần đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành lòng yêu nước từ nhỏ, nhưng không theo lối truyền đạt cứng nhắc, áp đặt, mà phải khơi dậy tình cảm thật sự thông qua trải nghiệm, phản biện, và hành động. Việc học lịch sử, giáo dục công dân cần được gắn liền với thực tế cuộc sống - học sinh phải được thấy rõ sự liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa bài học trong sách và những lựa chọn của mình trong đời thực. Các dự án cộng đồng, hành trình về nguồn, tương tác với nhân vật thật, không gian học tập mở - tất cả sẽ giúp tình yêu đất nước trở thành một phần trong cách nghĩ và cách sống.

Bên cạnh giáo dục, truyền thông hiện đại cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dưỡng lòng yêu nước. Truyền thông cần hướng tới việc dẫn dắt nhận thức, tạo nền tảng cho hành động. Những hình ảnh anh hùng chỉ thật sự có giá trị khi được đặt cạnh những câu chuyện đời thường đầy tử tế, sáng tạo và trách nhiệm. Việc tôn vinh những con người bình dị – người làm công vụ trung thực, người nông dân trồng sạch, người trẻ tình nguyện nơi vùng sâu - sẽ giúp cộng đồng nhận ra rằng yêu nước không xa vời, không lớn lao, mà gần gũi và có thể thực hiện mỗi ngày.

Lòng yêu nước cũng cần được gắn liền với năng lực. Khi người dân được nâng cao năng lực, được trao quyền, được tin tưởng, lòng yêu nước sẽ trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển của từng cá nhân và của cả đất nước. Trong thế kỷ XXI, yêu nước không chỉ là biết hy sinh, mà còn là biết sống có ích, sáng tạo, và làm cho đất nước tốt hơn mỗi ngày.

Quan trọng hơn cả, cần mở rộng hơn nữa không gian thực hành lòng yêu nước cho công dân. Khi một người thấy mình có thể tham gia tích cực vào những quyết định hoặc hoạt động có ích cho đất nước, họ sẽ gắn bó và sẵn sàng dấn thân hơn. Việc khuyến khích người trẻ tham gia phản biện xã hội, xây dựng chính sách địa phương, khởi nghiệp sáng tạo vì cộng đồng, hay phát triển các sáng kiến giáo dục và môi trường - chính là cách để tình yêu nước được sống, được hành động, thay vì chỉ được... chia sẻ trên mạng xã hội vài ngày mỗi năm.

Lòng yêu nước chân chính không thể chờ đến ngày lễ mới được nhắc nhớ. Đó là một giá trị gắn bó với từng con người, từng hành động, và từng lựa chọn trong đời sống thường nhật. Khi lòng yêu nước được đặt nền móng vững chắc bằng giáo dục, được lan tỏa có định hướng qua truyền thông, và được thực hành thực tế trong không gian xã hội, nó sẽ trở thành một phần tất yếu của đạo đức và bản lĩnh công dân. Và khi tình yêu Tổ quốc trở thành một giá trị sống thường trực, âm thầm nhưng bền bỉ trong mỗi con người – dân tộc Việt Nam sẽ ngày càng mạnh mẽ, tự cường và vững vàng trên hành trình phát triển lâu dài.