1. Tự động hoá trong nền công nghiệp hiện đại là một xu thế tất yếu, khách quan
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ số hóa, các dây chuyền tự động được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất luôn tự cải tiến công nghệ, hệ thống máy móc của mình để tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất. Đó chính là cơ sở để nâng cao vị thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường chạy đua khốc liệt về công nghệ, không ngừng áp dụng triệt để thành tựu khoa học và công nghệ vào quy trình sản xuất.
Tự động hóa được hiểu là quá trình đưa máy móc thiết bị từ thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ vào thay thế từng phần vị trí công việc của công nhân trong các khâu, các bước của quy trình sản xuất để tăng năng suất lao động, cắt giảm dần nhân công, đem lại hiệu quả ngày càng cao hơn cho nền sản xuất công nghiệp. Quá trình đó là xu thế tất yếu khách quan trong các bước phát triển của nền công nghiệp hiện đại, nhất là ở các nước đang tiến hành công nghiệp hoá hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Tự động hóa đang được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, như: công nghiệp sản xuất, gia công cơ khí, dây chuyền lắp ráp tự động, ứng dụng kiểm soát chất lượng… Các hệ thống điều khiển thường dùng để vận hành quá trình sản xuất bao gồm servo, PLC, mạch điện tử, G code… Các hệ điều khiển này có thể bao gồm việc điều khiển từ đơn giản đến các thuật toán phức tạp, điều khiển những máy móc đơn giản cho đến những hệ thống công nghiệp lớn. Do đó, lợi ích của tự động hóa trong nền sản xuất hiện đại có thể nhìn nhận trên các khía cạnh như:
Tăng năng suất sản xuất rõ rệt. Trong quá trình sản xuất, từ việc không ngừng tăng cường áp dụng hiệu quả của tự động hóa, làm cho các khâu trong quy trình sản xuất diễn ra nhanh hơn, đều đặn và nhịp nhàng hơn; ít chịu những yếu tố tác động từ ngoại cảnh hơn cách thức con người làm việc. Do đó, sản phẩm làm ra sẽ tăng hơn rất nhiều. Có những lĩnh vực cho năng suất rất cao như: sản xuất lắp ráp ô tô; điện tử viễn thông; dệt may, da dày;…
Cắt giảm chi phí nhân công. Vì quá trình tự động hoá sử dụng công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp, lặp đi lặp lại một cách tự động. Mức độ tự động hóa này liên quan đến số hóa công việc nhờ sử dụng automation để triển khai và tập trung vào công việc thường ngày. Cho nên, một phần nhân công sẽ bị mất cơ hội việc làm, nhất là các công việc có tính lặp đi lặp lại, hay những công việc đòi hỏi kỹ năng, kỹ xảo, công việc ở những vị trí có tính độc lại;… Hơn thế nữa, trong sản xuất có rất nhiều công đoạn nguy hiểm nếu con người phải tham gia trực tiếp, bởi vậy, nhờ ứng dụng dây chuyền tự động sẽ đảm bảo an toàn cho người lao động tại các nhà máy.
Hình thành những lĩnh vực sản xuất mới trong nền sản xuất công nghiệp. Tiện ích của quá trình tự động hoá sẽ giúp hoạt động sản xuất công nghiệp khởi nghiệp với nhiều lĩnh vực sản xuất mới mà công nghệ đóng vai trò là ưu thế, như cơ khí và luyện kim; hóa chất; điện tử viễn thông; năng lượng mới và năng lượng tái tạo… Ngoài ra, một số lĩnh vực công nghiệp mới sẽ có xu thế nổi lên chiếm lĩnh trong nền sản xuất công nghiệp trong tương lai gần tới đây, như công nghệ mới, với thế hệ công nghệ thông tin mới, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, vật liệu mới và công nghệ sinh học mới là những điểm đột phá chính, sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ, tạo ra những điều chỉnh lớn cho công cuộc đổi mới toàn cầu và kích hoạt vòng cách mạng công nghiệp mới sẽ thúc đẩy sự hình thành các ngành công nghiệp trong tương lai sẽ thống trị và dẫn đầu toàn cầu.
Hình thành tư duy mới trong hoạt động của các doanh nghiệp. Việc ứng dụng tự đông hoá trong quá trình sản xuất khiến cho cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp thay đổi theo hướng đa dạng, linh hoạt hơn. Vì vậy, hệ thống quản lý của doanh nghiệp cũng cần thay đổi để có thể dễ dàng kiểm soát, quản lý được các yếu tố của hạ tầng kinh doanh mới. Sự dịch chuyển công việc từ con người dần sang máy móc khiến cho các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được chú trọng thực hiện. Các doanh nghiệp cũng được trang bị khả năng phản ứng nhanh nhạy hơn với môi trường kinh doanh và hội nhập. Xu thế hiện đại hoá nền sản xuất được thể rõ nét ở tất cả doanh nghiệp trong nền kinh tế đang phát triển.
2. Tự động hoá sẽ không thể thay thế được công nhân trong nền công nghiệp hiện nay
Khoa học và công nghệ ở trình độ nào cũng là sản phẩm sáng tạo của bàn tay, khối óc con người, nên khoa học và công nghệ, trong đó tự động hoá có hiện đại, dù có hữu ích đến đâu, cũng chỉ là quá trình và cách thức sản xuất được tạo ra bởi con người. Nó không có ý thức hay khả năng tự quyết. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các ứng dụng của tự động hoá đều phục vụ mục đích của con người, từ việc đơn giản hóa các công việc hàng ngày đến việc giải quyết những vấn đề phức tạp của xã hội và trong cả quá trình sản xuất công nghiệp. Vì vậy, suy cho cùng, con người luôn là chủ thể quyết định mọi quá trình.
Tự động hoá được tạo bởi nhu cầu và sáng tạo của con người để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao quá trình sản xuất công nghiệp. Do đó, tự động hoá phụ thuộc hoàn toàn vào việc nó có đáp ứng được những yêu cầu và mong đợi của con người hay không. Vì thế, tự động hoá được đưa vào quá trình sản xuất công nghiệp không phải là để thay thế mà là để bổ sung cho trí tuệ của con người, hỗ trợ và phục vụ con người trong môi trường sản xuất công nghiệp ở những phần việc mà con người thao tác năng suất thấp hơn máy móc hoặc con người khó có thể đảm nhận được. Hay tự động hoá có thể thực hiện các công việc lặp đi lặp lại, xử lý lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó, giúp con người tập trung vào những công việc sáng tạo và có giá trị hơn. Song, cả quá trình đó, dù máy móc có hiện đại đến đâu thì con người vẫn là chủ thể điều khiển trong mọi hoạt động sản xuất. Dù không cần quá nhiều nhân công trong một dây chuyền sản xuất, nhưng nếu thiếu con người ở những khâu, những vị trí công việc then chốt thì hoạt động sản xuất cũng sẽ không được diễn ra. Điều đó có nghĩa là, vị trí, vai trò của giai cấp công nhân là không thể mất đi, mà chỉ có thể biểu hiện dưới những mức độ và tính chất khác trước. Cũng đồng nghĩa với việc, công nhân trong nền công nghiệp hiện nay cần phải không ngừng nâng cao chất lượng (cả về trình độ tay nghề, kỹ năng lao động sản xuất và tư duy đổi mới sáng tạo) để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại.
Con người, với trái tim và tâm hồn, sở hữu một khả năng đặc biệt mà không một hệ thống máy móc nào có thể mô phỏng, đó là cảm xúc và mối quan hệ gắn kết. Ngoài ra, trí tuệ của con người còn có khả năng linh hoạt, sáng tạo không ngừng; trong khi theo thời gian, máy móc cũng sẽ trở nên lạc hậu, lỗi thời và bản thân nó không thể tự tạo ra được những cái mới nếu không có trí tuệ của con người kết tinh vào đó. Điều đó đòi hỏi con người phải có nhận thức đúng đắn, toàn diện về máy móc, cả trên phương diện thời cơ mà nó mang đến cũng như những thách thức mà nó đặt ra cho chúng ta. Thay vì nhìn nhận tự động hoá một cách cực đoan, chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn. Chính con người là nhân tố quyết định cách thức phát triển và ứng dụng máy móc. Và chính con người cũng cần nhận thức được rằng, cơ hội trong mọi hoàn cảnh công việc là do chính bản thân mình tạo nên và cũng chính do con người quyết định tương lai của mình; máy móc sẽ không thể thay thế được con người nếu như con người có sự quyết tâm học hỏi, nâng cao trình độ, kỹ năng và tinh thần đổi mới sáng tạo.
Trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, con người thay vì lo ngại về việc bị máy móc thay thế, chúng ta nên tập trung vào việc hợp tác với máy móc để giải quyết những vấn đề phức tạp nhất của nhân loại. Con người phải biết làm sao để chính máy móc có thể là một công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta tăng cường năng lực, sáng tạo và đổi mới, từ đó tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Vì vậy, dù trong kỷ nguyên của cuộc cách khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhưng tự động hoá vẫn không thể thay thế được con người bởi con người tạo ra chính quá trình đó và đến lượt mình, tự động hoá lại quay trở lại phục vụ cho chính mục đích con người, giúp con người gia tăng năng lực hoạt động thực tiễn. Vì lẽ đó, chúng ta vẫn có thể khẳng định cho đến nay, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân là đúng đắn.