Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 (7/10/1947-20/12/1947) là chiến dịch đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc loại hình chiến dịch phản công, đã làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp trong những năm đầu của cuộc kháng chiến

Bất ngờ tiến công phủ đầu

Âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp là bất ngờ sử dụng lực lượng mạnh với ưu thế tuyệt đối về vũ khí, phương tiện chiến tranh nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến, nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tranh.

Vào thời điểm tháng 10/1947, Pháp có quân số và vũ khí áp đảo tại Việt Nam và Đông Dương.

Pháp sử dụng 15.000 quân tiến công một khu vực rộng lớn trên 30.000 km2. Pháp huy động khoảng 12.000 quân, gồm: 5 trung đoàn bộ binh (Trung đoàn Maroc số 6 (6eRTM), trung đoàn bộ binh thuộc địa Maroc (RICM), trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4 (4e - RIC), trung đoàn bộ binh Lê dương số 3 (3e REI) và một trung đoàn do Cô-xtơ (Coste) chỉ huy), 3 tiểu đoàn dù, hai tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới với 800 xe vận tải, hai phi đội với 40 máy bay, 3 thuỷ đội xung kích với 40 tàu, xuồng.

Mùa Hè năm 1947, từ Khu V trở ra, ta có 120.000 quân, trong đó chỉ có ¼ số quân được trang bị súng. Tại Bắc Bộ, bộ đội ta có 45.802 người. Riêng chiến trường Việt Bắc, bộ đội ta có 20 tiểu đoàn chủ lực. Trong lúc đó, tại Việt Bắc, địch tập trung 30 tiểu đoàn, có hỏa lực mạnh yểm trợ.

Từ bị động nhanh chóng chuyển sang phản công

Trong chiến dịch Việt Bắc, lúc đầu, ta bị động, lính nhảy dù của Pháp nhanh chóng tiến vào Thủ đô kháng chiến, gây thiệt hại về người và những cơ sở hậu cần của ta. Ngay trong ngày đầu tiên của chiến dịch, ngày 7/10/2047, quân nhảy dù Pháp đã thu được 1 số thành quả nhất định. Khi quân Pháp nhảy dù tập hậu, lực lượng ta ở thị xã Bắc Cạn chỉ có một bộ phận của tiểu đoàn 49, Trường võ bị Trần Quốc Tuấn lúc này cũng chỉ có một tiểu đoàn tân binh. Hai đơn vị nhỏ này chủ yếu nổ súng để bảo vệ cho nhân dân và một số cơ quan đóng ở đây tản cư rút vào rừng núi an toàn. Pháp phá được xưởng in tiền và công binh xưởng, một số kho tàng và thu được 10 triệu bạc Việt Nam của Ty Ngân khố.

Pháp bắt được cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, lúc đầu nhầm là Hồ Chí Minh, sau đó bắn chết cụ trong khi cụ tìm cách chạy thoát khỏi tay kẻ thù. Cụ Nguyễn Văn Tố là Bộ trưởng đầu tiên và duy nhất, đồng thời cũng là người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong Hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng viết rằng: “Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta”..

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo

tình hình Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947 (Ảnh tư liệu)

Chiều ngày 14/10, Thường vụ Trung ương Đảng họp thông qua Chỉ thị: "Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp." Hội nghị nhận định: nếu biết lợi dụng khai thác những chỗ yếu của Pháp thì nhất định cuộc tiến công sẽ thất bại. Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức "Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung", nhất trí tổ chức ba mặt trận như báo cáo của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp.

Trên khắp các mặt trận, bộ đội ta chiến đấu anh dũng, ngăn chặn và đẩy lui bước tiến của quân Pháp, đặc biệt là thủy binh.

Ngày 15/10, hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ có một khẩu đội pháo phối hợp, tiến công 200 quân Pháp đóng tại Chợ Mới. Ngày 21/10, một tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô tiến công một đại đội Pháp đóng trong Chợ Đồn. Ngày 22, tự vệ thị xã Tuyên Quang dùng địa lôi đánh phục kích ở ki-lô-mét số 7 trên quốc lộ 2, diệt và làm bị thương gần 100 tên địch. Cùng với đó là 17 trận phục kích nhỏ trên đường Phủ Thông - Bắc Kạn, Chợ Mới - Bắc Kạn, đã làm cho quân Pháp nhụt chí, không dám sục sạo rộng ra ngoài vị trí đóng quân.

Pháo binh thực hiện nghi binh, cơ động linh hoạt, bố trí sát bờ sông, đã đánh hai trận phục kích vào ngày 24/10: một đoàn tàu Pháp năm chiếc từ Tuyên Quang xuống đến Đoan Hùng lọt vào trận địa phục kích của Trung đội Pháo binh Xuân Canh (Trung đội Pháo đài Xuân Canh - Hà Nội 12/1946) và Trung đội Lục tỉnh. Khi tàu chiến Pháp đổ bộ lên bờ sông thì bị bộ đội Việt Minh phục kích bằng vũ khí hạng nặng (như sơn pháo, Bazoka...), bị bắn chìm tại chỗ hai chiếc, toàn bộ quân Pháp trên tàu bị tiêu diệt; bắn hỏng nặng hai chiếc khác. Chiếc còn lại quay đầu về Tuyên Quang. Sau trận này, tuyến đường sông Lô bị cắt 10 ngày, Pháp phải thả dù tiếp tế cho Tuyên Quang và Chiêm Hoá. Báo chí Pháp gọi đây là "Thảm hoạ Đoan Hùng".

Ngày 29/10, tiểu đoàn 374 trung đoàn 11 tổ chức trận địa phục kích đoạn đường Bản Sao - đèo Bông Lau. Tại đèo Bông Lau, đoàn xe 30 chiếc của quân Pháp lọt vào ổ phục kích của bộ đội ta và chịu thương vong khá lớn. Cả đoàn xe, có cả xe bọc thép hộ tống, với khoảng 250 binh lính bị diệt và bị bắt (một số ít bỏ chạy vào rừng sâu). Bộ đội thu chiến lợi phẩm rồi đốt xe, bộ đội ta chỉ hy sinh một chiến sĩ, bị thương năm chiến sĩ.

Do sự chống trả quyết liệt của bộ đội ta, cuộc tiến công diễn ra không thuận lợi, hai mũi tiến công đã không hợp vây được với quân nhảy dù. Bộ đội ta liên tiếp tấn công trên Mặt trận Đường số 3, Mặt trận Đường số 4, Mặt trận Sông Lô, chủ động bao vây và tiến công quân Pháp ở Chợ Mới, Chợ Đồn, Chợ Rã, Ngân Sơn, Bạch Thông (nay thuộc Bắc Kạn)... Quân Pháp buộc phải rút lui cục bộ: ngày 28/10 rời bỏ Bản Thi, Yên Thịnh; ngày 13/11 rút khỏi Chợ Đồn; ngày 16 rút khỏi Chợ Rã, Ngân Sơn. Kế hoạch Lê-a bị phá sản.

Bộ đội pháo binh Sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc Thu -Đông 1947 ( Ảnh: qdnd.vn)

Huy động được sức mạnh tổng hợp của quân đội và nhân dân vùng căn cứ

Tại Việt Bắc, ta huy động lực lượng quân sự gồm: 7 trung đoàn bộ binh, tổng cộng 18 tiểu đoàn chủ lực (trong đó có hai tiểu đoàn của Bộ), 30 đại đội độc lập, 4.228 dân quân du kích tập trung; ngoài ra còn có lực lượng tự vệ của các thị xã, thị trấn, công xưởng trên toàn Quân khu Việt Bắc.

Lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, đã phản công đánh địch, tạo nên những chiến thắng lớn trên sông Lô, Đèo Bông Lau, đường số 4….

Nhân dân các địa phương, chủ yếu là các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng… đã tích cực tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Tại Thái Nguyên, du kích xã Tân Dương, Phượng Tiến phối hợp với tự vệ Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ chặn đánh một đại đội địch từ Chợ Chu đánh vào. Tại Đồng Mon, du kích xã Đồng Thịnh phối hợp với tự vệ Nhà máy Quân khí A4 chặn đánh một đại đội địch từ Quán Vuông đánh xuống. Chiều ngày 28/11/1947, Trung đội du kích Định Hoá và các đơn vị bộ đội chủ lực bảo vệ Trung ương đã chặn đánh rất quyết liệt mũi tấn công của địch vào xã Phú Đình. Ngày 7/12/1947, quân Pháp từ Võ Nhai rút về huyện Đồng Hỷ, tiếp tục bị lực lượng dân quân, du kích của huyện chặn đánh ở dốc Măng Đắng, Trại Táo, La Thông, Na Đành, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên khiến chúng phải rút qua thị xã Thái Nguyên lên làng Ngò, xã An Khánh (huyện Đại Từ), kết thúc thảm bại cuộc tấn công vào An toàn khu Võ Nhai.

Tại Bắc Kạn, ngày 19/10/1947, du kích Cao Kỳ đánh thắng một trận giòn giã ngay tại địa bàn xã. Lợi dụng địa hình hiểm trở, du kích đã dùng địa lôi phá hủy 3 xe của địch, diệt hơn 50 tên.

Tại Chợ Đồn, ngày 10/10/1947, trung đội du kích Chợ Đồn phối hợp với học viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn phục kích đánh địch ở Kéo Phay, không cho chúng càn quét Bản Thi. Ngày 13/10/1947, trung đội du kích xã Bằng Viễn (nay là xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn) tập kích quấy rối địch ở châu lỵ Chợ Đồn. Ngày 17/10/1947, một đơn vị địch hành quân từ Bắc Kạn vào Chợ Đồn, khi đến Nà Khao bị du kích xã Yên Nhuận và trung đội bộ đội chủ lực thuộc tiểu đoàn 102 phục kích, ném lựu đạn và diệt 8 tên địch.

Trải qua hơn hai tháng chiến đấu, quân và dân Bắc Kạn đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe quân sự, trong đó có xe tăng, thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng. Riêng du kích Bạch Thông đã đánh 25 trận, diệt gần 300 tên.

Không thể kể hết được những chiến công của quân và dân các tỉnh thuộc căn cứ địa Việt Bắc, phối hợp với bộ đội chủ lực, ra sức đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, buộc địch rơi vào ý định chiến lược và sách lược của quân và dân ta.

Chiến thắng có ý nghĩa quan trọng trong cuộc chiến tranh

Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông đánh bại cuộc hành quân lớn nhất của Pháp từ sau Toàn quốc kháng chiến đến thời điểm đó vào căn cứ địa cách mạng, đánh bại kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp, buộc địch phải chuyển sang chiến lược đánh lâu dài, rơi vào ý định chiến lược của ta.

Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới được củng cố, phát triển với những nội dung ngày càng được khẳng định rõ nét, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, càng đánh càng mạnh, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Ánh Nguyệt