(TVVN). Việc phát hiện tin đồn, tin giả trên các trang mạng xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong kỷ nguyên số hiện nay. Có nhiều cách khác nhau để phát hiện một thông tin là tin đồn, tin giả. Thao tác này giúp người dùng có những phản ứng phù hợp và định hướng hành vi của mình một cách đúng đắn.

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông trong những năm qua, việc tiếp cận tin tức hàng ngày trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ với các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng hay laptop được kết nối internet, chúng ta có thể tiếp cận thông tin ở bất cứ đâu trên thế giới vào bất kì thời gian nào một cách nhanh chóng và dễ dàng. Đây chính là những ưu điểm vượt trội của việc số hóa tin tức so với các phương thức truyền thông truyền thống. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Tuy nhiên, chính ưu điểm này cũng đặt ra một thách thức không nhỏ đó là vấn đề “quá tải” hay “nhiễu loạn” thông tin.

Trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, mạng xã hội đã nổi lên như là một “điểm đến” không thể thiếu của đa số người dân, đặc biệt là với những người trẻ tuổi. Facebook, Twitter, Instagram, TikTok,… là những nền tảng được ưa chuộng và thịnh hành nhất hiện nay. Nhờ số lượng người dùng lớn, tin tức trên những trang mạng xã hội này có tốc độ lan truyền nhanh chóng. Dưới góc độ của người dùng, việc tiếp nhận một lượng lớn thông tin hàng ngày qua các trang mạng xã hội khiến việc phân biệt đâu là tin tức đáng tin cậy, chính thống và đâu là tin giả mạo, tin đồn sai sự thật trở nên khó khăn hơn. Sẽ có những hậu quả khó lường đối với cá nhân và xã hội nếu những tin tức không được kiểm chứng được lan truyền rộng rãi. Đơn cử trong thời gian này, cùng với sự bùng phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt của đại dịch Covid-19 ở nhiều địa phương trên cả nước, đã có không ít những thông tin chưa đúng, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt về tình hình dịch bệnh. Điều này đã gây hoang mang, lo sợ cho người dân cũng như khó khăn cho công tác phòng chống dịch của nước nhà. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa rằng việc phân biệt giữa tin tức chính thống và tin đồn, tin giả là không thể. Điều này chỉ thực sự đạt được khi chúng ta là những người dùng “có hiểu biết”. 

Tin đồn, tin giả là gì?

Allport và Postman (1947) định nghĩa tin đồn là “Những giả thiết đức tin về các chủ đề cụ thể (hoặc hiện tại) được truyền từ người này sang người khác, thường là bằng lời nói, không có bất kỳ bằng chứng nào về sự thật của những chủ đề đó”. Hay N. DiFonzo và P. Bordia (2007) cho rằng tin đồn là “Những thông tin chưa được xác minh và có liên quan cụ thể đang lưu hành phát sinh trong bối cảnh không rõ ràng, nguy hiểm hoặc mối đe dọa tiềm tàng, và những thông tin đó có chức năng giúp mọi người hiểu và quản lý rủi ro”. Trong khi đó, H. B. Dunn và C. A. Allen (2005) định nghĩa “Một tin đồn là một giả thuyết được đưa ra trong trường hợp không có thông tin có thể xác minh được liên quan đến các trường hợp không chắc chắn quan trọng đối với các cá nhân khiến họ lo lắng về sự thiếu kiểm soát của mình do sự không chắc chắn này gây ra”. Như vậy, có thể hiểu theo nghĩa chung nhất tin đồn là những phát biểu, tuyên bố chưa được kiểm chứng hoặc không thể kiểm chứng được về tính xác thực của chúng.

Theo Kalsnes, trong nghiên cứu “Fake News” (Tin tức giả), có năm loại tin tức giả phổ biến trên các phương tiện truyền thông trên thế giới (Kalsnes, 2018). Thứ nhất, là tin tức được dựng lên (fabrication), cố ý đánh lừa người đọc, nhằm mục đích điều khiển dư luận. Ví dụ như hiện nay đang lan truyền trên mạng xã hội tin giả về hình ảnh xác chết do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh. Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam - VAFC (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông), hình ảnh lan truyền này là thông tin giả mạo. Qua xác minh từ cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, căn cứ thông tin từ truyền thông xã hội Myanmar và Indonesia, bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar. Thứ hai, là những trang tin châm biếm (satire), giễu nhại (parody), đăng những bài viết với mục đích giải trí, châm biếm, nhại lại các chính trị gia hay người nổi tiếng nhưng ở định dạng của tin tức chính thống nên dễ khiến người đọc hiểu nhầm rằng đó là những thông tin chính xác, nghiêm túc (Dale, 2019; Kalsnes, 2018). Thứ ba, là những tin tức sai lệch lừa đảo với quy mô lớn (manipulation), đôi khi được truyền đi bởi các trang tin có uy tín. Thứ tư, là những bài viết trong đó có những dữ kiện có thật, bị trộn lẫn với những dữ kiện chưa được xác minh, kiểm tra, nhằm mục đích quảng cáo (advertising), quan hệ công chúng. Thứ năm, là các tin tức thiên vị, định kiến dựa trên các quan điểm chính trị khác nhau nhằm mục đích tuyên truyền (propoganda) và công chúng rất khó xác định sự thật trong các tin, bài kiểu này.

Phát hiện tin đồn, tin giả bằng cách nào?

  • Thái độ thận trọng và tư duy phản biện: Khi tiếp nhận một sự kiện, câu chuyện nào đó được truyền tải trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là những “vấn đề nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và có nhiều luồng quan điểm khác nhau, sẽ là hữu ích nếu mỗi cá nhân có thái độ hoài nghi và thận trọng đối với thông tin được chia sẻ. Liệu tin tức đó có thuộc một trong số những loại tin giả đã được đề cập ở trên hay không? Động cơ, mục đích của người chia sẻ thông tin này là gì? Đây là những câu hỏi giúp chúng ta bước đầu có thể nhìn nhận và đánh giá về tính xác thực, tin cậy của thông tin.
  • Kiểm tra nguồn đăng tải: Đây là một thao tác đơn giản nhưng rất quan trọng trong việc phát hiện một sự việc có phải là tin đồn, tin giả hay không. Hầu hết những bài đăng, thông tin chính thống sẽ được trích nguồn cụ thể. Đó có thể là những trang web chính thức, trang báo điện tử, cổng thông tin điện tử… của các cơ quan, tổ chức có uy tín và tin cậy. Hình thức trích dẫn nguồn có thể là ghi đích danh nguồn thông tin, không hoặc có kèm theo đường dẫn siêu liên kết (hyperlink) để người xem có thể truy cập vào nguồn tin gốc. Chính vì vậy, nếu một bài viết hoặc đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội nhưng không được trích dẫn nguồn thì rất có thể đó là thông tin giả, thông tin sai sự thật.
  • Đánh giá, so sánh nội dung bài viết: Đây cũng là một cách hữu ích để nhận diện tin đồn, tin giả. Bằng việc đọc nội dung bài viết hoặc xem thông tin được truyền tải trên các đoạn video, người dùng cần xem xét thông điệp muốn truyền tải ở đây là gì và liệu những tuyên bố hay nhận định đưa ra có các minh chứng, dữ liệu đi kèm hay không. Những tin tức chính thống thường sẽ có các dữ kiện kèm theo để minh họa để người đọc có thể kiểm chứng được. Ngoài ra, nếu một tin tức là có thật và thu hút sự quan tâm của dư luận, nó sẽ được đồng thời đăng tải không chỉ trên mạng xã hội mà còn ở các phương tiện thông tin đại chúng khác như báo (điện tử và truyền thống), truyền hình, radio, … Vì vậy, người dùng hoàn toàn có thể so sánh, đối chiếu nội dung thông tin để tìm ra sự thật./.