Quyền con người xã hội chủ nghĩa (XHCN) là tổng thể các quyền cơ bản, vốn có của con người, được nhà nước tôn trọng, thừa nhận, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật, thể chế và chính sách xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển con người toàn diện, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì con người, do con người và vì lợi ích của đa số nhân dân. Tiếp tục phát triển tư duy mới về con người và quyền con người xã hôi chủ nghĩa là yêu cầu cấp bách của kỷ nguyên phát triển mới.

Cơ sở đặt ra yêu cầu tiếp tục phát triển tư duy mới về con người và quyền con người XHCN

Thứ nhất, trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Với thế và lực sau 40 năm đối mới đất nước, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đặt ra yêu cầu cấp bách tiếp tục phát triển tư duy, nhận thức mới về con người và quyền con người xã hội chủ nghĩa nhằm huy động cao nhất nguồn lực con người xã hội chủ nghĩa, khơi thông mọi nguồn lực, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển đột phá”[1].  Điều này đòi hỏi một bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về quyền con người, không chỉ dừng ở thừa nhận hình thức mà phải đi vào thực chất, phù hợp với điều kiện, nhu cầu và xu thế toàn cầu.

Thứ hai, thực tiễn hiện nay cũng đặt ra yêu cầu từ sự chuyển mình của đất nước: Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp, đang hướng tới quốc gia phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. Mô hình phát triển truyền thống dựa trên tăng trưởng kinh tế phải nhường chỗ cho mô hình phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, chất lượng sống, sự tham gia của người dân và công bằng xã hội. Xuất phát từ yêu cầu từ chuyển động của thế giới khi toàn cầu đang đối mặt với những thách thức xuyên biên giới: biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh phi truyền thống, chuyển đổi số, và phân cực xã hội. Những vấn đề này đều liên quan đến quyền con người thế hệ mới. Đặc biệt, xuất phát từ yêu cầu của sự phát triển nhận thức của người dân về quyền con người, nhất là nhu cầu tham gia chính sách, có năng lực tự giám sát và phản biện xã hội. Trong thời đại số, thanh niên - nhóm chủ thể quan trọng của quốc gia yêu cầu một hệ thống quyền không chỉ “được ghi nhận” mà còn có tính thực thi cao, công bằng trong tiếp cận và dễ kiểm chứng hiệu quả.

Thứ ba, thực tiễn cũng cho thấy rõ hhệ quả nếu không phát triển tư duy mới. Tụt hậu trong thể chế: hệ thống pháp luật không thích ứng kịp với nhu cầu quyền con người mới sẽ khiến công dân mất lòng tin. Bất ổn xã hội có nguy cơ gia tăng: phân hóa giàu nghèo, kỳ thị giới, định kiến dân tộc, vùng miền nếu không được xử lý bằng chính sách quyền tiến bộ và công bằng sẽ tạo mâu thuẫn âm ỉ. Đặc biệt, nếu không làm chủ được lý luận và thực tiễn về quyền con người, Việt Nam sẽ bị động trước các sức ép nhân quyền mang tính áp đặt từ phương Tây.

Những điểm nhấn nổi bật

Một là, phát triển tư duy mới về con người: Chuyển từ “con người là công cụ sản xuất” sang “con người là trung tâm phát triển”. Điều này cho thấy rõ nhận thức con người không chỉ ở khía cạnh vật chất mà bao gồm toàn diện: thân thể, trí tuệ, đạo đức, nhân phẩm, bản sắc văn hóa.

Hai là, phát triển tư duy mới về quyền con người XHCN. Khẳng định quyền con người là sự kết hợp hài hòa giữa giá trị phổ quát của nhân loại và giá trị đặc thù của dân tộc. Khẳng định vai trò chủ thể tích cực của Nhà nước trong việc tạo điều kiện, không chỉ thừa nhận mà còn phải chủ động tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người cho mọi người.

Ba là, phát triển nhận thức toàn diện, cân bằng giữa các nhóm quyền: Không chỉ tập trung vào quyền dân sự - chính trị, mà cần nhấn mạnh các quyền kinh tế - xã hội - văn hóa. Cần phát triển mạnh nhận thức về quyền thế hệ mới như quyền kỹ thuật số, quyền tiếp cận thông tin, quyền phát triển cá nhân trong không gian số; quyền của nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm ưu tiên trước hết và trên hết là quyền tự quyết dân tộc với nguyên tắc độc lập lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Để đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển tư duy mới về con người và quyền con người xã hôi chủ nghĩa cần phải: Xây dựng lý luận hiện đại về quyền con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.  Cải cách thể chế và phương pháp thực thi quyền: tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo quyền bằng dữ liệu và số hóa dịch vụ công. Tổ chức phổ biến giáo dục quyền con người trong hệ thống chính trị, trường học, báo chí. Bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và công chức theo tư duy hiện đại về quyền con người, đặc biệt là quyền của nhóm dễ bị tổn thương.

Như vậy, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hội nhập, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và cạnh tranh mô hình phát triển, việc tiếp tục phát triển tư duy và nhận thức mới về con người và quyền con người XHCN là yêu cầu tất yếu, cấp bách. Đây là điều kiện then chốt để xây dựng một Nhà nước pháp quyền vì nhân dân, một xã hội văn minh, và một dân tộc Việt Nam phát triển mạnh mẽ, bền vững và bao trùm.


[1] Thư của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi Hội thảo khoa học quốc gia “Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”, https://baohungyen.vn/thu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-gui-hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-con-nguoi-quyen-con-nguoi-la-3176194.html?utm_source=chatgpt.com, Thứ 3, 15/10/2024, truy cập ngày 12/5/2025.