Trong ngày 30/4 lịch sử, có khoảng 40 phóng viên nước ngoài đã “liều mình” ở lại chứng kiến và đưa tin về sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam, cho dù họ đã được khuyến cáo là sự kiện kết thúc chiến tranh Việt Nam dù quan trọng, cũng không thể quan trọng hơn tính mạng của chính họ. Trong số những người ở lại Sài Gòn có nhóm phóng viên của hãng BBC, đã không quản nguy hiểm để đưa lại cho chúng ta những thông tin chân thực nhất về thời điểm lịch sử cách đây 50 năm. Bài tường thuật của phóng viên BBC được thực hiện hoàn toàn trên đường phố phản ánh những gì đang diễn ra trước mắt họ

Người Mỹ đã rời đi trong cuộc sơ tán muộn rất nguy hiểm chỉ 15 giờ đồng hồ trước khi Sài Gòn đầu hàng [1]. Hàng trăm người Việt Nam đã vây quanh Tòa đại sứ Mỹ, một số đông trong số họ đã được hứa hẹn về một vé di tản. Nhưng nhiều người đã bị bỏ lại phía sau, những chiếc trực thăng trong Chiến dịch “Gió lốc” đang hướng về đội tàu sơ tán của Mỹ ngoài khơi miền Nam Việt Nam. Các trực thăng chiến đấu Cobra của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ bảo vệ Tòa đại sứ.

Vào lúc bình minh của ngày cuối cùng, pháo sáng tín hiệu lóe lên trên bãi đáp trực thăng trên nóc tòa nhà. Một trận chiến cuối cùng đang diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất ở rìa đô thành. Mặc dù lực lượng giải phóng đang tiến lên, có thể nhìn thấy cuộc di tản của Mỹ, họ đã không can thiệp.

Chiếc trực thăng cuối cùng đã hạ cánh để đón một nhóm thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, một kết thúc bẽ mặt cho sự hiện diện của Mỹ. Cách đó gần hai cây số, bên ngoài khách sạn của chúng tôi, sự tan rã cuối cùng của luật pháp và trật tự đang diễn ra, các nhóm hôi của đang lẻn qua với đồ đạc đánh cắp từ các khu nhà bỏ hoang của người Mỹ. Chúng tôi cố gắng thể hiện sự trung lập của mình, rằng thực tế là chúng tôi không phải là người Mỹ, bằng cách gắn một lá cờ vương quốc Anh lên chiếc xe thuê của chúng tôi.

Vào lúc 9 giờ kém 10 phút sáng ngày cuối cùng trong cuộc di tản của người Mỹ, những người Mỹ cuối cùng đã rời khỏi khu phức hợp của Tòa đại sứ khoảng 25 phút trước và số phận của đại sứ quán giờ đã rất rõ ràng. Đại sứ quán Mỹ đang bị cướp bóc có hệ thống từ tầng này sang tầng khác và một phần của tòa nhà đã bị đốt cháy. Chẳng mấy chốc, những người cướp bóc đã quét sạch khu vực bên trong của đại sứ quán. Sở cứu hỏa đô thành là một trong số ít các cơ quan vẫn có các sĩ quan ở lại làm việc. Trong cảnh hỗn loạn, đoàn xe của Tổng thống Dương Văn Minh đã đi qua để phát sóng tin đầu hàng của Nam Việt Nam.

Quân tư trang lính Sài Gòn vứt đầy trên đường phố (Ảnh tư liệu)

Cuộc cướp bóc hỗn loạn vẫn tiếp diễn như thể những người Sài Gòn cuồng tiêu dùng đang trả thù người Mỹ, những người đã an toàn rời đi trong đội tàu di tản. Một cựu lính Mỹ xuất hiện đau khổ sau 5 ngày vô vọng tìm kiếm người vợ Việt Nam của mình. Ông ấy nói: “Tôi nghĩ chiếc trực thăng cuối cùng đã đi rồi, vậy thì còn cách nào khác để chúng ta có thể thoát khỏi đây không, có lẽ tôi có thể đi cùng các ông hoặc làm gì đó”.

Người phóng viên nói: “Chúng tôi đang ở khách sạn Caravelle, có một số phóng viên người Anh ở đó”. Người cựu binh Mỹ yêu cầu: “Vậy thì anh có thể giúp tôi một việc được không ?”. Người phóng viên hỏi: “Nhưng sao anh lại bỏ lỡ chiếc trực thăng cuối cùng ?”. “Tôi đã ở nhà của những người này, họ là người Việt Nam, nhưng họ ở cùng tôi và điều này rất quan trọng đối với một số người Việt khác. Anh có thể giúp tôi một việc được không, liệu tôi có thể ở lại với các anh và cho hai đứa trẻ này đi cùng tôi”. “Vâng anh có tiền để trả cho khách sạn và những thứ khác không ?”, “Tôi sẽ chuẩn bị tiền”. Đoạn hội thoại bị cắt đứt trong tiếng rít của một quả đạn pháo.

Tại bến cảng Sài Gòn, mọi người chen chúc lên các con tàu, hy vọng có thể xuôi theo dòng sông hiện đã nằm dưới sự kiểm soát của quân giải phóng.

Những người lính bắt đầu tiêu hủy hoặc thay đổi giấy tờ tùy thân của họ. Đó là những khoảnh khắc cuối cùng của sự hoảng loạn mù quáng, sự sống còn của bản thân là trên hết, sự thiếu quan tâm đối với những người yếu thế và bất lực chưa bao giờ rõ ràng như thế. Nhiều sĩ quan cấp cao và chính trị gia đã rời đi.

Qua làn khói của trận chiến, đoàn xe tăng đầu tiên của quân giải phóng đang tiến gần đến cầu Bình Triệu, lối vào phía Bắc của Sài Gòn. Tin tức về sự đầu hàng bắt đầu lan truyền và những người lính đã trở về từ vành đai phòng thủ của thành phố để cởi bỏ vũ khí và quân phục. Chỉ còn lại một số ít chỉ huy ở lại, hầu hết đã nói chuyện hoặc trả tiền để có chân trong cuộc di tản của Mỹ. Một số ít đội xe tăng và quân của chính quyền Sài Gòn nán lại vị trí của họ mà không hề biết rằng Quân giải phóng đang tiến nhanh như thế nào.

Với vẻ oai phong của đội quân chiến thắng, những chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng đã tràn vào Sài Gòn, những con người từ rừng rậm đã đến, ý nguyện cuối cùng của ông Hồ Chí Minh đã được thực hiện. Những người bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi người dân Sài Gòn đã cố gắng chào đón như thể tất cả họ đều cảm thấy đây là sự giải phóng và những chiếc xe tăng chiến thắng đã lao thẳng vào Dinh tổng thống. Lần thứ tư trong vòng 1 tháng, Dinh tổng thống đã có những chủ nhân mới. Nhưng lần này, họ đến để ở lại. Từ đầu đến cuối Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ kéo dài 51 ngày[2].

Khi chúng tôi đến gần dinh, một sĩ quan quân giải phóng bước ra mang theo lá cờ của chế độ cũ. Không thiếu những người cầm cờ của chính quyền cách mạng lâm thời. Bên trong, Tướng Dương Văn Minh, người chỉ làm Tổng thống trong 36 giờ đang chờ đợi các tướng lĩnh đối phương.

Dẫm lên cờ của quân đội bại trận, quân giải phóng đã phất cờ của họ lên để làm biểu tượng.

Đã đến lúc Tổng thống Minh tạm biệt Dinh tổng thống, một người đàn ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để Sài Gòn đầu hàng hoặc liều lĩnh để thành phố này bị phá hủy. Gần cầu Bình Triệu, có bằng chứng cho thấy một số quân lính Việt Nam Cộng hòa đã chống trả và phá hủy xe tăng quân giải phóng. Một người lính, người mà chúng tôi đã quay phim một giờ trước đó là một trong những người cuối cùng tử trận.

Cảnh những người lính giải phóng dẫm lên lá cờ của chính quyền Sài Gòn (Ảnh tư liệu)

Khi Dinh tổng thống đầu hàng, những người lính giải phóng đầu tiên đã đến đường Tự Do với niềm vui khôn xiết. Lần đầu tiên sau 20 năm, những bức ảnh của ông Hồ Chí Minh đã được trưng ra công khai giữa Sài Gòn.

Vào những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến, một số xe tăng của quân giải phóng đã bị phá hủy, nhưng những sự cố như vậy hầu như không làm chậm lại bước tiến dễ dàng của quân giải phóng. Có thương vong về dân thường, những người bị vướng vào cuộc đọ súng, nhưng nhìn chung Sài Gòn đã thoát khỏi hậu quả nặng nề.

Những nỗ lực của quân đội Việt Nam Cộng hòa nhằm chặn đường bằng xe tải đã thất bại. Những vật cản này chỉ đơn giản là bị ủn sang một bên hoặc đốt cháy. Đến ngày cuối cùng, ưu thế không quân của miền Nam đã biến mất. Bất kỳ chiếc máy bay nào còn nán lại trên bầu trời Sài Gòn đều bị tên lửa bắn hạ.

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều binh sĩ trong lực lượng quân giải phóng không biết làm thế nào để đến trung tâm Sài Gòn. Người dân Thủ đô Sài Gòn, sẽ được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh, đã sẵn lòng hướng dẫn những người chủ mới của thành phố.

Chiếc xe của chúng tôi, chúng tôi bắt đầu buổi sáng với lá cờ liên hiệp Anh. Lá cờ liên hiệp Anh vẫn còn nguyên vẹn, nhưng chiếc xe thì không. Chiếc xe đã bị một đại tá quân đội miền Nam, người chỉ huy khu vực này của Sài Gòn dùng vũ lực để lấy đi và ông ta quyết chiến đến chết với những binh sĩ quân giải phóng, những người ngay lúc này đang tiến vào Sài Gòn. Chiếc xe đã bị hư hỏng hoàn toàn khi bị một chiếc xe tăng cán qua, những gì còn lại là một đống sắt vụn.

Ba sư đoàn quân giải phóng đã tràn vào Thủ đô, nhưng họ đã bỏ qua một yếu tố đó là tình trạng tắc đường kinh hoàng. Đó là một trải nghiệm mới đối với những người lính giải phóng có kỷ luật cao. Họ đã không nhận ra rằng, làn sóng người dân tràn vào Sài Gòn cùng với họ rất lớn, trong đó có một nhóm, hầu hết là những người đào ngũ từ quân đội miền Nam đã đột kích vào một kho lương thực và chở đi nhiều bao tải gạo.

Quân đội bại trận đã tháo bỏ đồng phục hàng loạt, bỏ lại những bộ quân phục có thể gây hại cho họ, vứt trên khắp đường phố. Hàng tấn vũ khí súng trường và thiết bị đã được các sinh viên tình nguyện thu gom thành từng đống, vật tư chiến tranh trị giá hàng triệu đô la, phần lớn là hàng mới từ Mỹ để thay thế cho những tổn thất trước đó. Chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ đã bị ném vào sọt rác của lịch sử.

Đối với những người chiến thắng, đây là những khoảnh khắc ngây ngất. Nhờ cuộc tấn công được phối hợp một cách xuất sắc cùng với sự sụp đổ bất ngờ của quân đội Sài Gòn.

Sau nhiều tuần lễ với nỗi sợ ở Sài Gòn rằng một cuộc tắm máu có thể xảy ra thật đáng mừng khi thấy những người miền Nam cố gắng hiểu những người chiến thắng.

Các chàng trai đã gặp các cô gái, nhìn chung, các binh sĩ cư xử rất chừng mực và nhút nhát, không ai mong đợi sự thân thiện như vậy sau khi miền Bắc tiếp quản.

Những đứa trẻ đường phố bán biểu tượng của Chính phủ Cách mạng lâm thời đã kiếm bộn tiền. Có vẻ như việc tự mình treo lá cờ của chế độ mới trên chiếc xe thuê của chúng tôi là điều khôn ngoan vì không có cách nào để có được giấy tờ chính thức.

Trên các tuyến đường chính ra khỏi đô thành có những đợt kẹt xe khổng lồ tới mức lực lượng dân quân sinh viên không thể xử lý được. Hoàn toàn tự phát, không bị cản trở, hàng nghìn người bắt đầu trở về nhà. Phong trào di chuyển xuống vùng nông thôn ở miền Nam đang diễn ra. Xa lộ số 4 từ Sài Gòn dẫn về miền Tây Nam Bộ ngổn ngang những mảnh vỡ của một đội quân bại trận. Ba sư đoàn Việt Nam Cộng hòa đã biến mất trong và xung quanh Sài Gòn, bỏ lại nhiều xe cộ.

Các xe này đều đã hết nhiên liệu, cả một trung đoàn đã bỏ lại giày bốt và biến mất. Những người lính trở về làng quê của họ. Hòa bình đã đến. Các vùng nông thôn trong những ngày đầu sau chiến tranh này đã trở nên vắng vẻ một cách kỳ lạ. Quá nhiều người đổ xô trở về đồng bằng Sông Cửu Long đến nỗi xa lộ số 4 thường xuyên tắc nghẽn.

Một đơn vị xe tăng nữa của quân giải phóng đã bị kẹt trong giao thông. Không có nhiều cuộc chiến xảy ra ở đồng bằng, vùng nông thôn cũng đã buông súng khi Sài Gòn đầu hàng.

  

___________________________

[1'] "Chiến dịch Gió Lốc" di tản người Mỹ bằng máy bay trực thăng bắt đầu lúc 6 giờ sáng ngày 29/4 và kéo dài hơn 24 giờ sau đó.

[2] Các chiến dịch giải phóng miền Nam tính từ trận mở màn Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đến ngày 30/4/1975 kéo dài 51 ngày, trong đó Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ diễn ra từ ngày 26/4 đến ngày 30/4/1975. Đến ngày 03/5/1975, chính quyền Sài Gòn tại nhiều địa điểm ở Tây Nam Bộ, Côn Đảo mới đầu hàng hoàn toàn. Vì thế, sau này, tác giả Alan Dowson viết cuốn sách “55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ”, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1990.