Từ thực tiễn lịch sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của phụ nữ đối với sự nghiệp cách mạng, đồng thời Người luôn quan tâm đến phụ nữ, công tác phụ nữ, quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam
Khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Một trong những nội dung cốt lõi nhất trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng phụ nữ, bình đẳng nam nữ và tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia chính trị và công tác đoàn thể.
Người coi giải phóng phụ nữ là một tiêu chí để đánh giá giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc Việt Nam. Giải phóng phụ nữ còn là cơ sở đánh giá bản chất của chế độ mới, của thể chế chính trị mà nhân dân Việt Nam xây dựng.
Do vậy, Người cho rằng phải gắn xây dựng chủ nghĩa xã hội với sự nghiệp giải phóng phụ nữ, phụ nữ là một trong những chủ thể chính, góp phần quyết định việc thành bại trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Hồ Chí Minh có những luận điểm thể hiện tầm nhìn chiến lược khi đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trong tương quan phát triển của xã hội mới của chủ nghĩa xã hội: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[1].
Từ trải nghiệm thực tiễn và hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận rõ vị trí, vai trò của phụ nữ trong công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, “Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng”[2]; “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”[3]. Điều này một lần nữa được Người khẳng định trong sách "Lịch sử nước ta": "Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời"[4]. Sự hưng thịnh của dân tộc ta, của đất nước ta có sự đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam mà Người đã dùng những lời khen ngợi vô cùng sâu sắc: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang
về thăm Thủ đô năm 1963 (Ảnh tư liệu)
Trong bài nói tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm tốt”, ngày 30/4/1964, Bác khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang (…) Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”[5].
Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên phong trào tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam là phong trào “Ba đảm đang”. Phát biểu tại Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của Thủ đô (2/12/1965), Bác nói: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”[6].
Ghi nhớ công lao to lớn của những bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngày 19/10/1966, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta.”[7].
Trong Di chúc, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn dân phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[8].
Trước lúc đi xa, Bác vẫn canh cánh lo cho các cháu gái bị thiệt thiệt thòi, bị áp bức. Nỗi lòng của Bác xót xa cho những người mẹ mất con, vợ mất chồng, những đứa con không người chở che. Bác vẫn thường nhắc rằng: “Phụ nữ Việt Nam ta có hoàn cảnh đặc biệt hai lần bị bóc lột: Đế quốc và ý thức hệ phong kiến với "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" đã đè nặng lên người phụ nữ”. Đó chính là tình cảm nhân ái của Người dành cho những người yếu thế trong xã hội, trong đó có phụ nữ Việt Nam.
Quan tâm sâu sắc đến thực hiện bình đẳng giới
Không chỉ khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong các phong trào cách mạng cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Bác Hồ còn quan tâm sâu sắc đến phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ.
Trong Hiến pháp năm 1946, bình đẳng nam nữ đã được hiến định, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện bình đẳng nam nữ. Bác nói: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”[9].
Để thực hiện nam nữ bình quyền, Hồ Chí Minh nhắc nhở phụ nữ “phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”[10].
Nữ quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 viếng lăng Bác ngày 17.11.2019
trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Châu Phi (Ảnh: Ngô Nhung)
Ngày 9/3/1961, nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Bác căn dặn: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, trước mắt là thi đua hoàn thành tốt kế hoạch năm nay, để làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm, để xây dựng đời sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”[11]…
Người rất quan tâm đến vấn đề bình đẳng nam nữ và Người thể hiện bằng những lời lẽ thật giản dị, dễ hiểu. Người nói: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó”[12]. Đúng như vậy, bình đẳng nam nữ không dễ dàng có được, nó là cả một quá trình, từ thay đổi nhận thức đến hành động thực tiễn, nhất là một đất nước tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề như nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến xây dựng thể chế để phụ nữ có thể tham gia hoạt động chính trị, xã hội một cách có hiệu quả.
Người khẳng định, giải phóng phụ nữ thì bằng pháp luật, chính sách, biện pháp cụ thể. Người yêu cầu hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy phải tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia chính trị và tham gia công tác đoàn thể xã hội: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[13].
Người chỉ rõ cho các cấp ủy đảng và chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”[14].
Về phía phụ nữ, Bác căn dặn: “Phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật... Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà[15]. Người luôn đặt hy vọng “chị em phụ nữ cố gắng học tập, tiến bộ nhiều, tiến bộ mãi để xứng đáng làm chủ nước nhà”[16].
Tư tưởng giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thể hiện ý thức chính trị, lòng nhân ái, vừa thể hiện giá trị văn hóa, chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, là một trong những cơ sở cho việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.
Chi Mai
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.300
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.339
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr.340
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.260
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.310
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.752
[7] Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, t.15, tr.172
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.ập 4, tr.491
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.313.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.60-61
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.342
[13]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617.
[14]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.260.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.59,61
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.511