Sài Gòn - nơi mà hơn sáu thập kỷ sau từ ngày chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước đã diễn ra thời khắc diệu kì vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. “Khải hoàn ca” của dân tộc được hân hoan cất vang trong buổi trưa rực nắng, phố xá rợp người nô nức, cờ hoa tưng bừng hoan hỉ chào đón đoàn giải phóng quân chiến thắng. Tố Hữu - “nhà thơ của nhân dân”, đã hòa vào giai điệu của bản hùng ca bất diệt ấy, reo lên trong niềm vui sướng và “báo công” lên Bác Hồ bằng những vầng thơ: “Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/Bác Hồ ơi!Toàn thắng về ta/Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa”
Niềm vui và tưởng nhớ Bác
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là thời khắc mà ý chí, khát vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta đã hóa thành hiện thực, vỡ òa thành những nụ cười rạng rỡ và giọt nước mắt lóng lánh trên gương mặt bao người.
Sau hơn một ngày của thời khắc lịch sử đó, ngày 01/5/1975, thi sĩ Tố Hữu đã diễn tả nỗi xúc động dâng trào, niềm vui sướng vô biên của hàng triệu con tim Việt Nam: “Ôi, nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng/Trào vui nước mắt cứ rưng rưng” trong bài thơ “Toàn thắng về ta”.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh dấu sự kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đồng thời khép lại 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của đế quốc Pháp - Mỹ và chế độ phong kiến, rửa sạch nỗi nhục và nỗi đau mất nước hơn 1 thế kỷ của đất nước hình chữ S.
Lời tiên tri: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”[1] trong bản Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ứng nghiệm thành sự thật. Nhưng ước vọng của Người: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”[2], tiếc mãi mãi là dang dở, không thành. Thành phố Sài Gòn cũng như miền Nam ruột thịt trong giây phút nghẹn ngào đó như hiện về bóng dáng của vị “cha già dân tộc” qua tưởng niệm của Tố Hữu: “Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm đường cách mệnh/Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam”.
Sài Gòn trong ngày giải phóng (Ảnh tư liệu)
Chiến thắng và nối tiếp thêm mốc son lịch sử chói lọi
Cái tên Võ Nguyên Giáp - Đại tướng, Tổng tư lệnh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” lại được nhắc đến trong đại thắng mùa xuân 1975 với vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh chiến dịch đã tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành nhiều quyết sách, chỉ thị và mệnh lệnh quan trọng, không một giây phút chậm trễ, góp phần đẩy nhanh kế hoạch giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Trong đó, Bức điện khẩn ký ngày 07/4/1975 với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” được coi là “kim chỉ nam” và cũng là một lời “hịch tướng sĩ” truyền đạt mệnh lệnh, quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đến các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, đến mỗi đảng viên, chiến sĩ, các cánh quân chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù.
Vị Tổng Tư lệnh tài ba cũng là người ký chỉ thị của Quân ủy Trung ương mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giao cho Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - người từng được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên - Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh.
Khi chiến tranh khép lại, Red Napoleon - “Napoleon đỏ” - biệt danh mà báo chí phương Tây ngưỡng mộ đặt cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp của trận Điện Biên Phủ năm xưa đã tổng kết và đánh giá về Chiến thắng của mùa xuân Ất Mão: “Trong quá trình cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng, ba cái mốc chói lọi bằng vàng: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến thắng mùa Xuân 1975, đại thắng mãi mãi sáng ngời trong sử sách.
Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới”.
Có thể nói, thắng lợi vĩ đại, hiển hách này là mốc son lịch sử chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh, được cổ vũ và nối tiếp truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong tiến trình kháng chiến chống các thế lực ngoại xâm như: quân Nguyên Mông với trận Bạch Đằng (1288), quân Minh với trận Chi Lăng (1427), quân Thanh với trận Đống Đa (1789), thực dân Pháp với chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Đó cũng chính là “điệp khúc”: thắng lợi của công lý và chính nghĩa trước bạo tàn phi nghĩa của đất nước hơn bốn ngàn năm văn hiến lại được cất lên. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta mà còn góp phần cổ vũ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Học sinh Sài Gòn với khẩu hiệu thể hiện tình cảm với vị lãnh tụ kính yêu (Ảnh tư liệu)
Thề hứa với Bác: “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh…”
Sau khi nước nhà thống nhất, chúng ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Quá khứ đau thương hẳn sẽ khép lại và nhớ lời Bác dặn năm xưa “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” nên thay mặt hàng triệu con tim, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam” đã thề hứa “Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/Đứng gác biển trời tươi mát màu lam”. Phải vậy, “xanh ngời ánh thép” và “tươi mát màu lam” - màu của hy vọng, hòa bình, một khởi đầu mới và phát triển với sự tự tin đầy bản lĩnh và trọng trách thiêng liêng của dân tộc để biến thành “vĩnh viễn Việt Nam”.
Thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 sẽ mãi là động lực tinh thần vô cùng quan trọng và mạnh mẽ của đất nước, nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, công cuộc dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang có nhiều nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng cũng muôn trùng khó khăn, thách thức. Thách thức từ an ninh truyền thống của Biển Đông, biên giới biển đảo, cũng như an ninh phi truyền thống như: an ninh mạng, nguồn nước, lương thực, ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, buôn lậu ma túy, di cư bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế, an ninh năng lượng và con người… vẫn đang rình rập thường trực. Các nước lớn liên tục gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng, với mức độ, quy mô khác nhau ở khu vực, gây diễn biến phức tạp, mất ổn định chưa hề lắng dịu. Những thế lực thù địch không ngừng tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt… Nó đòi hỏi sứ mệnh “đứng gác biển trời” - sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của các thế hệ con cháu các vua Hùng phải “gấp trăm lần mạnh” - phát huy mọi nguồn lực vật chất và tinh thần cho Tổ quốc được “tươi mát màu lam”.
Tinh thần, hào khí của đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử hãy luôn bùng khởi và bất diệt. “Chúng con” luôn trăn trở và quyết tâm hành động giúp sớm hoàn thành tâm nguyện của Bác về một Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” chính là cách đáp đền thiết thực nhất công lao của lãnh tụ kính yêu và các anh hùng liệt sỹ đã viết lên những trang sử vàng của dân tộc.
Đã tròn nửa thế kỷ qua, tháng Tư lại về là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới và thấu hiểu sâu sắc hơn những giá trị, những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Qua gần 40 năm đổi mới với những thành tựu to lớn, đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế… là những minh chứng sống động và cơ sở để chúng ta càng tin tưởng và tự hào về Đảng, tự hào về dân tộc đang chuyển mình lập nên những kỳ tích vĩ đại tiến vào kỷ nguyên mới, phấn đấu sớm hiện thực hóa khát vọng về một nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và phát triển.