Đến nay, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã giành thắng lợi được 50 năm, đánh dấu bằng Đại thắng mùa xuân năm 1975 để non sông thu về một mối, Nam - Bắc sum họp một nhà. Nửa thế kỷ qua đi, đất nước đã có nhiều thay đổi nhanh chóng và vẫn luôn tỏa sáng tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Vậy mà, có một số kẻ vẫn luôn ôm khư khư tâm lý cố chấp, hằn thù, ra sức xuyên tạc, phủ nhận tinh thần tốt đẹp đó.
Những luận điệu lạc lõng suốt 50 năm
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, vì những nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số người ở miền Nam Việt Nam đã ra nước ngoài sinh sống. Cùng với đó, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng bị “đóng băng” trong một thời gian dài. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị vẫn ra sức đưa ra các luận điệu sai trái để xuyên tạc, phủ nhận tinh thần hòa hợp dân tộc. Những luận điệu đó tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:
Một là, xuất phát từ việc xuyên tạc bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc “nội chiến”, các thế lực thù địch cáo buộc rằng chiến thắng 30/4 chính là “ngày quốc hận”, “tháng Tư đen” vì “Việt Nam cộng sản đã xử thẳng tay với người Việt”, “buộc hàng triệu người phải vượt biển ra đi, hàng nghìn người bỏ mạng…”!
Hai là, một số người tự xưng là các “nhà dân chủ” đã vin vào những tư tưởng tự do phương Tây để phán xét Việt Nam “không chấp hành nghiêm điều khoản về hòa hợp, hòa giải dân tộc trong Hiệp định Paris 1973” và lên tiếng cáo buộc chính sách hòa hợp dân tộc của Việt Nam chỉ là “đãi bôi”, “con đường nửa vời”, “hình thức”. Từ đó họ kêu gọi để thực sự thực hiện hòa hợp dân tộc cần phải theo kiểu tự do phương Tây!
Ba là, gần đây, trong một văn kiện chính trị của một trong những tổ chức phản động luôn chĩa mũi nhọn vào Việt Nam mang tên “Việt Nam nửa thế kỷ tụt hậu và lối thoái cho tương lai” (công bố tháng 2/2025), các thế lực thù địch đã lên tiếng cáo buộc Việt Nam đã “bỏ rơi” đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài, không trưng dụng họ, không thực sự tạo điều kiện cho họ về đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Lấy cớ cho rằng 50 năm qua, Việt Nam đã “bỏ qua những cơ hội vàng để phát triển”, các thế lực phản động đã lôi kéo, kích động một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài chung tay “cùng tìm lối thoát để sớm tạo nên những chuyển động lịch sử, góp phần khởi tạo sự vươn mình của Việt tộc”!
Có thể thấy rõ, những luận điệu trên hết sức phiến diện, sai lầm. Một mặt xuất phát từ tâm lý đố kỵ, hằn thù dân tộc luôn thường trực sẵn có song mặt khác cũng bắt nguồn từ ý đồ chống phá nên cố tình xuyên tạc, kích động. Những luận điệu trên được lặp đi lặp lại suốt 50 qua, kiểu như một dạng “tâm lý ăn theo” mỗi khi đất nước ta kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4. Đáng chú ý, những phương thức thể hiện các luận điệu đó thường xuyên có sự thay đổi. Nếu như trước đây được tuyên truyền, phát tán trên phát thanh, báo chí, truyền đơn… thì nay, trong bối cảnh phát triển của truyền thông số và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã sử dụng nhiều chiêu trò mới rất tinh vi, thu hút nhiều người tham gia. Đó là thông qua hội nghị, trao đổi trực tuyến, thảo luận bàn tròn, phỏng vấn, ghi hình hoặc livestream để đưa ra các luận điệu sai trái nhằm lôi kéo, kích động một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có những Việt kiều trẻ, du học sinh. Tuy nhiên, đó chỉ là những luận điệu lạc lõng được lặp đi lặp lại suốt 50 năm qua, là trò “bình mới rượu cũ” với âm mưu xuyên suốt là xuyên tạc, phủ nhận chủ trương, chính sách hòa hợp dân tộc của Việt Nam.
Trong khi cả nước đang hướng đến ngày lễ lớn của dân tộc với một khí thế sục sôi, hào hùng, cũng rất cần nhận diện rõ để cảnh giác với các luận điệu sai trái, thù địch, đồng thời, càng thêm tự hào về một Việt Nam đã kiên cường, anh dũng trong chiến tranh song cũng rất đỗi bao dung, hòa hiếu khi chiến tranh đã kết thúc.
Không thể phủ nhận tinh thần hòa hợp dân tộc của Việt Nam
Từ ngàn xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thi hành chính sách hoà hiếu thực lòng, nhân văn, nhân đạo để giữ gìn hòa bình, hoà hiếu, ngăn ngừa chiến tranh từ xa. Với tinh thần “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo, khi các cuộc kháng chiến chống Tống, Nguyên Mông, chống Minh kết thúc, quân ta đã mở đường cho giặc tháo chạy về nước, vừa để bảo toàn tính mạng, vừa rút lui trong danh dự. Phát huy truyền thống ngoại giao hoà hiếu, khi đối mặt với thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm các giải pháp hoà hoãn, nhân nhượng trước khi bắt buộc phải đứng lên kháng chiến toàn quốc.
Cần khẳng định rõ ràng, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 là cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, đồng thời đấu tranh chống lại những thế lực ngả theo quân xâm lược, đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc và nguyện vọng nhân dân. Trên bình diện quốc tế, đó là một bộ phận của cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống lại mọi sự xâm lược, đô hộ nhằm khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Do đó, không thể cố tình đánh tráo khái niệm hoặc vu cáo rằng đó là cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” và thực tiễn cũng cho thấy, sau khi Mỹ và Ngụy quân, Ngụy quyền thất bại, có một bộ phận người dân đã theo chân Mỹ - Ngụy tháo chạy khỏi đất nước hoặc vượt biên trái phép. Đó là sự chủ động rời bỏ chứ không phải Việt Nam gây ra “cuộc nội chiến” để rồi đẩy chính đồng bào ra khỏi đất nước. Đây là những luận điệu vu cáo trắng trợn, lộ rõ ý đồ chống phá.
Khi nói về vấn đề này, Nhà báo Thomas G. Tobin trong cuốn “Last flight from Saigon” cho biết, phía Việt cộng dường như không có động thái nào ngăn cản hay tấn công đoàn người di tản, họ chỉ muốn tiến vào Sài Gòn và nhanh chóng kết thúc cuộc chiến. Có một lệnh ngầm được thực hiện bởi các Ủy ban cách mạng rằng không ngăn cản hay dùng bạo lực nếu có những đoàn người muốn ra đi. Điều này có nghĩa là mục tiêu lớn nhất của quân ta khi tiến vào Sài Gòn chỉ là giải phóng miền Nam, kết thúc chiến tranh chứ không phải đẩy một bộ phận nhân dân vào con đường phải rời bỏ Tổ quốc như lời cáo buộc của các thế lực phản động.
Trên thực tế, Đảng và Nhà nước luôn thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc để khoan dung, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cả những người đã từng rời bỏ đất nước có điều kiện tốt để sinh sống, làm việc cũng như có thể quay trở về đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Điều đó được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về hòa hợp dân tộc, như: Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Nghị định số 82/2015/NĐ-CP này 24/9/2015 quy định về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết số 36-NQ/TW...
Tinh thần nổi bật của những chủ trương, chính sách đó là đều khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là tiếp tục quan tâm, có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng, không phân biệt ý thức hệ, lịch sử cá nhân, kể cả đối với những người còn định kiến, mặc cảm với chế độ xã hội; lấy tình thân ái để cảm hóa những đồng bào lầm đường lạc lối.
Cùng với đó là những hành động thiết thực để chủ động mở rộng tiếp xúc với tất cả kiều bào ta định cư ở nước ngoài. Các cơ quan chuyên trách về công tác người Việt ở nước ngoài luôn tích cực hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho kiều bào hòa nhập với các nước sở tại; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, hướng về Tổ quốc; hỗ trợ dạy và học tiếng Việt hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con theo truyền thống dân tộc và phù hợp với đặc thù, pháp luật của nước sở tại.
Mục tiêu của chủ trương, chính sách hòa hợp của Đảng và Nhà nước Việt Nam là lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm điểm tương đồng của mọi người có dòng máu Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài; tạo điều kiện cho mọi người, kể cả những người từng làm việc trong chế độ cũ, về thăm, đóng góp để xây dựng quê hương. Do những điều kiện mang tính lịch sử mà có thời điểm tiến trình hòa hợp dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có mặt còn hạn chế; nhưng xuyên suốt là hành trình không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước Việt Nam chăm lo giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc; kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, dựng xây và phát triển đất nước.
50 năm chiến tranh đã lùi xa, các chủ trương, chính sách hòa hợp dân tộc ngày càng được tô thắm và mang đến nhiều kết quả tích cực trong việc củng cố, phát triển tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Điều đó tạo thành sức mạnh to lớn để phản bác có hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tinh thần hòa hợp dân tộc của Việt Nam. Điều đó một lần nữa cũng khẳng định chiến thắng 30/4 là chiến thắng của khát vọng hòa bình và tinh thần hòa hợp dân tộc.