(VNTV). Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới xác định quan điểm hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới là chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới. Đây là sự kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới.

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của ngoại giao, coi đây là một mặt trận đấu tranh, một vấn đề thiết yếu, ngoại giao cùng với chính trị, quân sự, là một trong ba mặt trận đấu tranh cơ bản để bảo vệ Tổ quốc. Trong hoạt động đối ngoại, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, nhưng không quên trách nhiệm quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp đỡ công tác chuyên môn cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội, ngày 22-3-1960. Ảnh tư liệu/nguồn tuyengiao.vn.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập, tự chủ gắn với tự lực, tự cường hay tự lực cánh sinh, “đem sức ta mà giải phóng cho ta” là phương châm xuyên suốt của cách mạng Việt Nam; muốn người ta giúp mình thì trước hết phải tự giúp lấy mình đã”,  “có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Tuy nhiên, theo Người, độc lập, tự chủ không phải là chủ nghĩa biệt lập, biệt phái mà luôn gắn với đoàn kết và hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Người luôn ý thức dẫn dắt hoạt động đối ngoại hành xử theo phương châm “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”; “đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”. Điều này thể hiện rõ trong bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Liên hợp quốc ngay từ những ngày đầu lập nước.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại và hoạt động ngoại giao Việt Nam phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”, “cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc”, “phải tranh đấu vì lợi ích của dân tộc”. Đồng thời, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn, “mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình”.

Để phát huy vai trò của mặt trận ngoại giao, theo Hồ Chí Minh cần phân biệt rõ “ai là bạn, ai là thù”, dựa trên cơ sở  “ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù”. Hoạt động ngoại giao cần có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, “không phải chỉ là các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán là những cơ quan chuyên môn phụ trách, mà còn là các tổ chức khác như ngoại thương, văn hóa, thanh niên, phụ nữ, công đoàn cũng đều làm ngoại giao cả”. Đồng thời, ngoại giao là măt trận quan trọng để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; đối ngoại cùng với quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”.

Ngọn đuốc soi đường cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đề ra đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện phương châm “Bốn không”

trong quốc phòng – an ninh và chiến lược “cân bằng” trong quan hệ với các nước lớn. Xây dựng nền ngoại giao hiện đại trên cả ba trụ cột: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Nhờ đó mà quan hệ ngoại giao của Việt Nam rất rộng mở, coi trọng cả ngoại giao song phương và đa phương, coi trọng tất cả các đối tác dù lớn hay nhỏ, gần hay xa. Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, trong đó có tất cả các nước lớn. Việt Nam cũng đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, với hàng chục các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Ngoại giao đã góp phần thu hút các nguồn lực, mở rộng không gian triển của đất nước. Trong các hoạt động đối ngoại, Việt Nam đã thể rất rõ tinh thần là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Những đóng góp của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Xác định đối tác, đối tượng trên cơ sở “những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng”. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển, đòi hỏi phải có tâm thế, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế. Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị “về hội nhập quốc tế trong tình hình mới” xác định hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới là chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới.

Đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế cùng với quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Tranh thủ nguồn lực, điều kiện thuận lợi bên ngoài cho mục tiêu bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước từ sớm, từ xa; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, đảm bảo tốt nhất lợi ích của nhân dân.

Nghị quyết 59 cùng với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân là  “Bộ tứ trụ cột” đưa Việt Nam cất cánh.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó đoán định, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt, xu hướng hình thành cục diện đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc ngày càng rõ rệt, nhằm từng bước nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế, Việt Nam cần phát triển nội lực quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa.... Đồng thời, đảm bảo giữ vững độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia.

Trong kỷ nguyên mới, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng vững chắc cho đường lối đối ngoại của Đảng, thể hiện trong sự kết hợp hài hòa giữa bảo vệ chủ quyền quốc gia và chủ động hội nhập quốc tế, thể hiện khát vọng xây dựng một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng và hợp tác cùng phát triển với cộng đồng quốc tế.