Trước bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi Việt Nam cần phải có một tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn. Việc trì hoãn đổi mới tổ chức bộ máy có thể khiến hệ thống trở nên trì trệ, kém hiệu quả và mất đi khả năng thích nghi với tình hình mới. Nếu không quyết liệt thực hiện sắp xếp, tinh gọn ngay lúc này, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội để tối ưu hóa bộ máy, giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao hiệu quả điều hành và nguy cơ tụt hậu là hiện hữu.

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới và hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng và toàn diện hơn với thế giới. Trước bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội thế giới có những sự biến chuyển mau lẹ, khó lường cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi Việt Nam cần phải có một tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn. Việc trì hoãn đổi mới tổ chức bộ máy có thể khiến hệ thống trở nên trì trệ, kém hiệu quả và mất đi khả năng thích nghi với tình hình mới, nếu không thực hiện cải cách ngay lúc này, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội để tối ưu hóa bộ máy, giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao hiệu quả điều hành. Do đó, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam lúc này không chỉ đơn thuần là sự lựa chọn mà là một yêu cầu tất yếu.

1. Một số vấn đề bất cập đặt ra yêu cầu cần phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cồng kềnh, hiệu quả hoạt động chưa cao

Bộ máy nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung của Việt Nam còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn nhiều trùng lặp, chồng chéo; tổ chức bộ máy còn thiếu tính đồng bộ, nhiều yếu tố bất hợp lý; số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc trong hệ thống chính trị còn nhiều[1] nhưng hiệu suất làm việc không đồng đều, hiệu quả chưa cao.

Phương thức hoạt động còn nhiều bất cập

Phương thức vận hành của bộ máy còn nhiều trì trệ, một số quy trình giải quyết công việc còn phức tạp gây bất tiện và lãng phí thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nhiều yếu tố đã trở nên lạc hậu không theo kịp với sự phát triển và yêu cầu của xã hội. Tình trạng quan liêu cũng thể hiện rõ khi một số cán bộ, công chức quá chú trọng vào việc thực hiện quy trình một cách cứng nhắc, máy móc mà không chú ý đến kết quả thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Gánh nặng ngân sách để nuôi bộ máy hệ thống chính trị

Với một bộ máy cồng kềnh và số lượng người làm việc trực tiếp hưởng lương từ ngân sách quá nhiều đã gây nên một áp lực lớn trong cơ cấu chi của ngân sách nhà nước. Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, hiện nay chi thường xuyên của Việt Nam đang chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách, chỉ còn khoảng 30% để chi cho đầu tư phát triển và an ninh – quốc phòng, trong khi đó các nước phát triển tỉ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm khoảng 48 – 50% tổng chi ngân sách nhà nước[2] (chi thường xuyên chủ yếu là chi để nuôi bộ máy của hệ thống chính trị). Những số liệu trên cho thấy, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến khả năng dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Do đó, việc tinh giản bộ máy và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động là cần thiết để giảm gánh nặng chi thường xuyên tiết kiệm chi phí để tăng cường nguồn lực cho thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2. Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị không thể chậm trễ hơn

Từ những hạn chế trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hiện nay, cùng với áp lực từ việc đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế chính là nhân tố đầu tiên tác động tới quá trình chuyển đổi mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đang chuyển đổi một cách mạnh mẽ và đạt được những thành tựu to lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2022 – 2024 bình quân đạt 6,72% (là một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và nhanh nhất khu vực và thế giới)[3], quy mô nền kinh tế đạt khoảng 476,3 tỷ USD (xếp thứ 33 trên thế giới)[4], thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 4.700 USD[5]. Với sự phát triển nhanh về kinh tế kéo theo sự chuyển biến về mọi mặt trong đời sống xã hội, sự đòi hỏi của xã hội ngày càng cao hơn thì một tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cồng kềnh, quan liêu đã không còn phù hợp và gây cản trở kìm hãm sự phát triển của đất nước. Mặt khác, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính vì thế các cam kết, các tiêu chuẩn về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, chống tham nhũng ngày càng khắt khe, đòi hỏi bộ máy hệ thống chính trị phải vận hành theo cơ chế linh hoạt, trong sạch và minh bạch hơn, một bộ máy chính trị quan liêu, trì trệ sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đất nước đối với thế giới, suy giảm năng lực cạnh tranh của quốc gia và sức hấp dẫn của đất nước trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Chúng ta đang ở điểm nút của hội nhập sâu rộng, đây là cơ hội vàng để chúng ta cải cách thể chế nói chung và tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nói riêng, nếu không quyết liệt thay đổi ngay bây giờ, Việt Nam sẽ không thể tiến kịp, đồng hành, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng ngàn đời của toàn dân tộc.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có cả cách thức tổ chức và phương thức vận hành của bộ máy hệ thống chính trị ở các quốc gia, làm xuất hiện nhiều mô hình quản trị mới như chính phủ số, chính phủ mở, chính phủ thông minh.

Với việc ứng dụng công nghệ số, lúc này bộ máy quản lý không chỉ dựa vào con người mà còn vào các nền tảng dữ liệu số để ra quyết định, các đơn vị hành chính có thể hoạt động theo mô hình phi tập trung, linh hoạt, giúp cải thiện năng suất và giảm chi phí, vì vậy, việc chuyển đổi số trong hoạt động của bộ máy ở các quốc gia đã trở thành tất yếu: Chính phủ điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế nhiều công việc hành chính như tiếp nhận, xử lý hồ sơ, cấp phép trực tuyến, nhiều vị trí trung gian không còn cần thiết do ứng dụng hệ thống dữ liệu tập trung và tự động hóa. Các cấp trung gian sẽ được giảm bớt, tạo ra bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn, việc ứng dụng công nghệ số giúp quản lý, giám sát công việc nhanh hơn, thông minh hơn, chính xác hơn. Hệ thống dữ liệu số giúp kết nối thông tin giữa các cơ quan, giảm trùng lặp, chồng chéo, phần mềm quản lý công việc giúp lãnh đạo theo dõi tiến độ, ra quyết định kịp thời, dịch vụ công trực tuyến giúp hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính, các nền tảng công khai thông tin giúp người dân giám sát chính quyền chặt chẽ hơn… Như vậy, chuyển đổi số không chỉ giúp tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, mà còn tạo ra một chính phủ minh bạch, phục vụ tốt hơn cho người dân, sắp xếp tổ chức bộ máy trong bối cảnh chuyển đổi số không chỉ là một xu thế, mà còn là một nhiệm vụ cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại số. Nếu tận dụng tốt công nghệ số, Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống hành chính tinh gọn, hiệu quả, minh bạch hơn, ngược lại, nếu chậm trễ, bộ máy hệ thống chính trị sẽ cồng kềnh, chồng chéovà sẽ trở thành lực cản  kìm hãm sự đổi mới, phát triển của đất nước. Vì vậy, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là nhu cầu mà còn là nhiệm vụ, là cơ hội lịch sử để Việt Nam bước lên một tầm cao mới.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng với sự cạnh tranh gay gắt và hợp tác, kết nối sâu rộng về kinh tế, khoa học công nghệ và quản trị nhà nước. Những quốc gia cải cách nhanh, đổi mới mạnh sẽ có lợi thế vượt trội, trong khi những nước trì trệ sẽ bị bỏ lại phía sau, vì vậy, cải cách không chỉ là vấn đề ở mỗi quốc gia mà nó đã trở thành xu thế và cuộc đua toàn cầu. Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng, khi mà cả công nghệ, kinh tế và xã hội đang hội tụ mở ra một cơ hội lịch sử thúc đẩy cho sự đổi mới mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nếu không tận dụng thời điểm này để đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ tụt hậu và đánh mất đi cơ hội phát triển trong nhiều thập kỷ tới. Vậy nên việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị Việt Nam là vấn đề không thể trì hoãn, không thể chậm trễ hơn!


[1] Quyết định số 72-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. (Tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn 2022 - 2026 là 1.979.433 người).

[2] Thanh – Ánh Hồng.2024. Bộ trưởng Bộ Tài chính: 70% thu ngân sách là chi thường xuyên, còn tiền đâu để chi cho phát triển. Địa chỉ: https://tuoitre.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-70-thu-ngan-sach-la-chi-thuong-xuyen-con-tien-dau-de-chi-cho-phat-trien-20241219133455882.html.[Truy cập: 19/12/2024].

[3] Anh Nhi. 2025. Tạp chí kinh tế và dự báo. https://kinhtevadubao.vn/viet-nam-nam-2024-khang-dinh-su-phuc-hoi-ro-net-la-diem-sang-ve-tang-truong-30767.html. [Truy cập: 8/1/2025].

[4] Anh Lê. 20225. Việt Nam thu hút hiệu quả cả nguồn vốn trong nước và quốc tế. https://baochinhphu.vn/viet-nam-thu-hut-hieu-qua-ca-nguon-von-trong-nuoc-va-quoc-te-102250328094323998.html.[Truy cập: 28/3/2025].

[5] Bảo Ngọc. 2025. Năm 2024 tăng trưởng hơn 7%, quy mô GDP nền kinh tế khoảng 476 tỉ USD. https://tuoitre.vn/nam-2024-tang-truong-hon-7-quy-mo-gdp-nen-kinh-te-khoang-476-ti-usd-20250106103700155.htm. [Truy cập: 6/1/2025]