Hỏi: Xin cho biết sự cấp thiết của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Trả lời:
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW. Ảnh nguồn Báo Điện tử Chính phủ.
Ngày 30/4/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là một trong “Bộ tứ trụ cột” mang tính đột phá, là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước. Sự ra đời của Nghị quyết số 66-NQ/TW xuất phát từ những lý do sau đây:
Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới
Nghị quyết là sự kiên định và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân đã được khẳng định tại Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật là yếu tố then chốt để phát triển đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đảm bảo yêu cầu “thượng tôn pháp luật”, nguyên tắc “quản lý xã hội bằng pháp luật” để xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, tạo nền tảng để chuyển đổi mô hình quản trị trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, với một nền quản trị linh hoạt, minh bạch, lấy pháp luật làm công cụ điều chỉnh chủ đạo.
Thứ hai, xuất phát từ những yếu kém trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đòi hỏi phải có tư duy đột phá để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật đang cản trở sự phát triển đất nước, giúp pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia
Trong tiến trình phát triển đất nước, pháp luật luôn giữ vai trò trụ cột trong việc xác lập, duy trì và bảo vệ trật tự kỷ cương, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, những vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” đang cản trở sự phát triển đất nước, cần phải tháo gỡ triệt để. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ; tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Pháp luật chưa thực sự trở thành công cụ kiến tạo phát triển; hệ thống pháp luật hiện nay còn nặng tính hành chính, có những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi; chưa thực sự đóng vai trò dẫn dắt, mở đường cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thiếu khung pháp lý kịp thời cho các lĩnh vực mới như AI, blockchain, dữ liệu số, sở hữu trí tuệ phi truyền thống. Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh, thủ tục hành chính còn rườm ra; tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Trong bài viết quan trọng “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” ngày 04/5/2025, Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, phải đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển trong kỷ nguyên mới; công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải đổi mới căn bản, toàn diện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Thứ ba, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, phát triển bền vững và quản trị hiện đại
Thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển mới với đặc trưng nổi bật là sự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế tuần hoàn và các mô hình quản trị mới. Các xu thế đó vừa mở ra những thuận lợi, thời cơ chưa từng có, vừa đặt ra khó khăn, thách thức đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ tạo ra khoảng trống pháp lý, buộc Nhà nước phải chuyển từ “phản ứng” sang “kiến tạo chủ động” trong xây dựng pháp luật. Pháp luật phải đi trước một bước để vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, vừa khơi thông động lực đổi mới, không chỉ ổn định, mà còn phải mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường, công bằng xã hội và quyền con người; luật hóa các chuẩn mực quản trị tiên tiến của thế giới (quản trị số, quản trị dữ liệu, minh bạch ngân sách, trách nhiệm giải trình...).
Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành một cách quyết liệt, nhanh chóng cuộc “cách mạng” tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế “hai con số”, nhất là yêu cầu hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật thực sự đồng hành cùng đổi mới, kiến tạo phát triển, thúc đẩy tiến bộ xã hội, công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thứ tư, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu
Nghị quyết 66-NQ/TW khẳng định rõ vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời nhấn mạnh phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; đẩy mạnh giám sát, kiểm soát quyền lực trong khuôn khổ pháp luật. Nghị quyết là định hướng chiến lược, tạo khuôn khổ chính trị - pháp lý để kiến tạo một hệ thống pháp luật minh bạch, thống nhất, khả thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thi hành; kiến tạo một nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực chất, hiện đại, hội nhập, xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng, an toàn, minh bạch; nhân dân thực sự làm chủ; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; quản lý, quản trị xã hội hiện đại, kiến tạo sự phát triển; nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị là có ý nghĩa chiến lược, đáp ứng yêu cầu cấp bách về nâng cao chất lượng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, là động lực then chốt để nâng tầm năng lực quản trị quốc gia hiện đại, hướng tới mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, bền vững, vì hạnh phúc của Nhân dân và vị thế quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế sâu rộng./.