Cơ sở của chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính
Cơ sở pháp lý quan trọng nhất của chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính là Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị “về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã”; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định “về tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số”; Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung); cùng với đó là các văn bản hướng dẫn liên quan.
Mục tiêu của chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính là việc hiện đại hóa quản trị nhà nước trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Trước tiên, việc tối ưu hóa bộ máy hành chính và nguồn lực giúp giảm thiểu sự chồng chéo và lãng phí khi loại bỏ những cơ quan chức năng trùng lặp. Điều này tạo ra một hệ thống quản trị thống nhất, cho phép hoạch định, triển khai và kiểm soát chính sách của nhà nước trở nên nhanh nhẹn và linh hoạt hơn. Sự tập trung nguồn lực qua việc sáp nhập không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn nâng cao năng lực điều hành và quản lý của chính quyền địa phương, từ đó góp phần xây dựng một nền hành chính hiệu quả.
Bên cạnh đó, chủ trương này còn mang lại động lực phát triển kinh tế - xã hội. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho cải cách, đổi mới và thu hút đầu tư, góp phần đồng bộ hóa phát triển giữa các khu vực, đặc biệt là giữa vùng ven đô thị và nông thôn. Nhờ đó, sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các địa phương được thu hẹp, tạo nền tảng cho một môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi cho phát triển đồng bộ cả về kinh tế lẫn xã hội.
Những vấn đề đặt ra
Trong quá trình thực hiện cũng xuất hiện nhiều vấn đề cần phải nhận thức và giải quyết một cách toàn diện, sâu sắc hơn.
Trước hết, mâu thuẫn lợi ích giữa các đơn vị trước đây là một thách thức đáng kể. Việc phân chia quyền lực và nguồn ngân sách sau khi sáp nhập đòi hỏi phải điều chỉnh cơ cấu tài chính, nhân sự giữa các địa phương, dẫn đến tranh chấp lợi ích đặc biệt giữa các khu vực có trình độ phát triển khác nhau. Bên cạnh đó, sự khác biệt trong văn hóa quản trị của các cơ quan trước đây bởi mỗi đơn vị có truyền thống làm việc và phong cách quản lý riêng, làm tăng khả năng xảy ra xung đột nội bộ khi phải hòa nhập thành một hệ thống thống nhất.
Thứ hai, chuyển đổi cơ cấu tổ chức gặp nhiều khó khăn. Quá trình tổ chức lại yêu cầu điều chỉnh nhanh chóng và toàn diện các quy trình, hệ thống thông tin và cơ chế quản lý, dẫn đến tình trạng rối ren, giảm sút hiệu quả quản trị và bế tắc công việc. Sự chênh lệch về trình độ, kinh nghiệm của cán bộ quản lý giữa các đơn vị trước khi sáp nhập cũng đòi hỏi phải có chương trình đào tạo, bồi dưỡng bài bản để hình thành một đội ngũ lãnh đạo thống nhất và hiệu quả.
Thứ ba, sáp nhập đơn vị hành chính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bản sắc và đặc thù địa phương. Những đơn vị có lịch sử, truyền thống và giá trị văn hóa riêng biệt dễ bị mai móa, làm mất đi sự đa dạng văn hóa quý báu của từng vùng miền. Đồng thời, nếu không tạo được cơ chế tham gia rõ ràng của quần chúng vào công tác quản lý, việc sáp nhập sẽ làm giảm khả năng lắng nghe và giải quyết kịp thời nhu cầu thực tiễn của người dân.
Thứ tư, việc đồng bộ hóa hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn. Quá trình điều chỉnh, hài hòa các văn bản pháp lý, quy định, chế độ của các đơn vị trước đây thành một hệ thống thống nhất thường gặp trở ngại về mặt thủ tục, gây chậm trễ trong triển khai chính sách và ảnh hưởng đến hoạt động quản trị địa phương.
Giải pháp tháo gỡ
Để tăng cường sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững đất nước cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:
Trước hết, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cần được đẩy mạnh một cách toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Nhiệm vụ của giai đoạn này là giúp người dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa cũng như lợi ích lâu dài của chính sách sáp nhập. Điều quan trọng là truyền đạt thông tin một cách minh bạch để nhân dân hiểu sáp nhập không phải là quá trình “xóa bỏ” những giá trị truyền thống hay làm mất đi quyền lợi của người dân, mà ngược lại, là cơ hội để tinh gọn bộ máy hành chính, tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả quản lý. Để thực hiện mục tiêu này, truyền thông cần đi trước một bước, sử dụng những nội dung phong phú, cách thức linh hoạt, phương pháp hiện đại. Đặc biệt, tận dụng các nền tảng mạng xã hội để thông tin được lan tỏa nhanh chóng và sâu rộng, tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với dư luận xã hội. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng cần được tăng cường để làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, qua đó thu thập thông tin về tâm tư, nguyện vọng của quần chúng và kịp thời giải quyết các vướng mắc, lo ngại.
Thứ hai, yếu tố đảm bảo tính dân chủ và lắng nghe ý kiến nhân dân đóng vai trò then chốt trong quá trình sáp nhập. Người dân luôn là chủ thể quyết định, do vậy mọi chính sách cải cách phải đặt họ vào vị trí trung tâm. Việc tổ chức công khai lấy ý kiến nhân dân tại các địa phương có liên quan là điều cần thiết nhằm đảm bảo rằng mọi góc nhìn, mọi phản ánh, băn khoăn và lo lắng của người dân đều được lắng nghe và xem xét một cách nghiêm túc. Điều này không chỉ giúp làm sáng tỏ các quan điểm, các mâu thuẫn lợi ích có thể phát sinh mà còn tạo điều kiện để các cơ quan chức năng có thể giải đáp cụ thể, thuyết phục những người dân có những quan điểm phản đối. Như vậy, đảm bảo tính dân chủ và minh bạch không chỉ là nguyên tắc của một nền quản trị hiện đại mà còn là yếu tố góp phần gia tăng sự đồng thuận và sự ổn định trong xã hội.
Thứ ba, chủ trương sáp nhập cần đi kèm với các chính sách cụ thể nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân và cán bộ sau sáp nhập. Cần có các chế độ hỗ trợ rõ ràng, đảm bảo quyền lợi về đất đai, dịch vụ công, và cơ hội việc làm mới cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời, các cán bộ, công chức bị ảnh hưởng bởi quá trình tinh giản bộ máy phải được bồi dưỡng, đào tạo lại và bố trí việc làm thích hợp, nhằm không gây ra tình trạng thất nghiệp hay mất ổn định trong hệ thống hành chính. Việc cải cách cũng phải chú trọng đến giải quyết nhanh chóng, linh hoạt các thủ tục hành chính, đảm bảo hệ thống dịch vụ công tại các đơn vị mới được duy trì ổn định và liên tục nâng cao chất lượng. Đồng bộ đầu tư hạ tầng cơ sở y tế, giáo dục, giao thông giữa các khu vực cũng là yếu tố then chốt để tránh tình trạng chênh lệch và tạo sự công bằng, từ đó chuyển động lực phát triển từ mức độ cơ sở lên toàn diện.
Thứ tư, phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở để củng cố niềm tin và sự đồng thuận từ quần chúng nhân dân. Cán bộ, đảng viên và các lãnh đạo cơ sở cần gần dân, sát dân, lắng nghe dân và kịp thời khắc phục các vướng mắc do quá trình sáp nhập gây ra. Khi hệ thống chính trị cơ sở được củng cố với những tiêu chuẩn cao về tính minh bạch, trách nhiệm và gần gũi với nhân dân, lòng tin của người dân sẽ được củng cố, từ đó tạo đà cho sự đồng thuận lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội.
Như vậy, tăng cường sự đồng thuận xã hội về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là yêu cầu khách quan của quá trình hiện đại hóa quản trị nhà nước mà còn là yếu tố quyết định thành công của cuộc cải cách. Qua đó, sẽ giúp người dân nhận thấy sáp nhập không chỉ là sự tái cơ cấu hệ thống chính trị mà còn là bước tiến chiến lược, hướng tới một Việt Nam cường thịnh.