Sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến là vô cùng to lớn. Điều đó thì hầu như ai cũng biết. Nhưng không phải ai cũng biết Việt Nam cũng đã từng đưa quân đội sang giúp đỡ cách mạng Trung Quốc. Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (tháng 6-tháng 10/1949) giúp đỡ cách mạng Trung Quốc – biểu hiện tinh thần quốc tế vô sản cao cả, quán triệt sâu sắc phương châm “Giúp bạn là mình tự giúp mình”
Đầu năm 1949, cách mạng Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đang trên đà thắng lợi. Tuy nhiên ở vùng Hoa Nam, lực lượng Trung Hoa dân quốc (thường gọi là quân Tưởng) còn khá mạnh, đang gây khó khăn cho việc phát triển cơ sở cách mạng.
Một yêu cầu cấp bách đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc này là phải xây dựng và củng cố cơ sở chính trị và vũ trang mạnh để đón đại quân tiến xuống.
Xuất phát từ yêu cầu đó, “Tháng 4/1949, lãnh đạo phong trào du kích ở Quảng Tây, giáp biên giới Đông Bắc nước ta, đề nghị Quân đội Việt Nam phối hợp chiến đấu, giúp đỡ đánh quân Tưởng để Giải phóng khu Ung-Long-Khâm. Sau khi có sự đồng ý của Trung ương, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Liên khu 1 “giúp Quân giải phóng Nhân dân xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm liền với biên giới Đông Bắc của ta”, “đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra biển, liền với khu giải phóng Việt Quế của bạn”1.
Để thực hiện nhiệm vụ, một bộ chỉ huy chung được thành lập mang tên Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn do đồng chí Lê Quảng Ba, Phó Tư lệnh Liên khu 1 làm Tư lệnh chiến dịch, Trần Minh Giang - cán bộ Trung Quốc làm Chính trị Ủy viên.
Tháng 5/1949, Bác Hồ căn dặn đồng chí Lê Quảng Ba (bên phải) trước khi lên đường
sang Thập Vạn Đại Sơn giúp bạn, với dòng chữ tự tay Người viết "Cẩn thận, bí mật, đoàn kết,
hữu nghị, thắng lợi" (Ảnh tư liệu)
Theo yêu cầu của bạn, chiến dịch chia thành hai mặt trận tiến công quân đội Trung hoa dân quốc ở hai phía Đông và Tây dãy Thập Vạn Đại Sơn. Trong đó, mặt trận phía Tây đánh trước, phía Đông đánh sau.
Đêm 12/6/1949, bộ đội Việt Nam ở mặt trận phía Tây Thập Vạn Đại Sơn vượt biên giới hướng về đồn Thủy Khẩu, một vị trí đối diện với Phục Hòa (Cao Bằng), tiến hành bao vây đồn. Trong khi đại bộ phận lực lượng bao vây đồn Thủy Khẩu, bộ đội Việt Nam cho 1 đại đội tiến sâu vào lòng địch, chiếm núi Độc Sơn để ngăn địch rút về Long Châu.
Sáng ngày 13/6/1949, bộ đội Việt Nam tiến công đồn Thủy Khẩu. Quân đội Trung Hoa dân quốc dùng chiến thuật “quân dã ngoại giữ thành” của Nhật để đối phó. Chúng cho quân ra ngoài, chỉ để một bộ phận trong đồn bắn tỉa. Nhưng quân dã ngoại của Tưởng Giới Thạch bị bộ đội ta bao vây, đã không dám nổ súng, mà phải nằm rạp trườn đi từng thước trên mặt đất rồi tháo chạy về Long Châu. Sau 2 ngày đêm “trong đánh, ngoài vây”, bộ đội Việt Nam đã hạ đồn Thủy Khẩu, diệt và bắt làm tù binh toàn bộ quân Trung Hoa dân quốc trong đồn.
Sau trận Thủy Khẩu, bộ đội Việt Nam tiếp tục tiến đánh La Hồi, diệt và bắt sống 1 tiểu đoàn quân Trung Hoa dân quốc ở chân núi Độc Sơn. Từ Long Châu, quân đội Trung Hoa dân quốc phái 1 tiểu đoàn đến ứng chiến.
Ngày 15/6/1949, tiểu đoàn quân Tưởng từ Long Châu đến, bị bộ đội Việt Nam dồn vào các hang đá ở ven bờ sông Tả Giang gần Hạ Đống. Đến sáng ngày 18/6, chúng kéo cờ trắng xin hàng. Thừa thắng, bộ đội Việt Nam tiến lên thị trấn Long Châu. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, quân Trung Hoa dân quốc tháo chạy và rút luôn các vị trí Thượng Thạch, Hạ Thạch, Ninh Minh. Chỉ trong vòng 15 ngày, một dải đất dài 30 km từ Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống đến Long Châu đã sạch bóng quân Trung hoa dân quốc.
Trên mặt trận phía Đông, do đường đi phải trèo đèo, lội suối rất khó khăn, gian khổ nên bộ đội Việt Nam phải hành quân mất gần một tháng mới đến nơi. Phát hiện bộ đội ta, quân Trung Hoa dân quốc tự động rút bỏ nhiều vị trí, co về các thị trấn lớn như Nà Lường, Phòng Thành, Đông Hưng. Bộ đội Việt Nam phối hợp với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc củng cố vùng vừa giải phóng, đánh địch càn quét và tiễu phỉ ở vùng Khâm Châu.
Kết quả, bộ đội Việt Nam đã tiêu diệt hơn 1 trung đoàn quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa trong tổng số 3 trung đoàn đóng trong vùng, diệt và bức rút 10/12 vị trí ở huyện Phòng Thành, thu hẹp đáng kể phạm vi chiếm đóng của quân Trung Hoa dân quốc ở Khâm Châu.
Tháng 10/1949, khi lực lượng vũ trang của Trung Quốc ở hai biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với chủ lực Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, bộ đội Việt Nam rút về nước, kết thúc chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. Ta trao lại cho bạn những vũ khí thu được của quân đội Trung Hoa dân quốc gồm hơn 500 khẩu súng các loại.
Đại tướng Chu Huy Mân, người từng tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn năm 1949 tại Trung Quốc (Ảnh: Việt Dũng - BáoTuoitreonline)
Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn nhận định: “Thắng lợi về quân sự đã quan trọng nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều”. Mấy tháng chiến đấu bên đất Trung Quốc, bộ đội ta đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân địa phương về kỷ luật của bộ đội cách mạng Việt Nam.
Trong chiến dịch này, một số cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Trung Quốc, trong đó có nhà văn quân đội Trần Đăng, một cây bút có nhiều triển vọng, đã hy sinh trong một trận đụng độ với quân Trung Hoa dân quốc.
Đại tướng Chu Huy Mân nhớ lại: “Trong cuộc chiến đấu này, cánh quân của chúng tôi đã có 18 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh và mấy chục anh em bị thương vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những người hy sinh được bạn và ta tổ chức an táng theo nghi lễ quân đội Trung Quốc, linh cữu được phủ lá cờ đỏ búa liềm có tiêu binh. Nơi an nghỉ của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam nằm bên bờ sông Tả Giang”.
Sau này, cuốn lịch sử của Trung Quốc “Đệ tam đệ thất chi đội sử” viết: “Quân bạn quốc tế, Trung đoàn 59, Trung đoàn Lạng Sơn, Tiểu đoàn Đặng Công Lệnh, Tiểu đoàn Trần Vinh, Đại đội Bình Liêu (Hải Ninh) thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản, phối hợp tác chiến với chi đội 3 lập công lớn, góp sức mạnh một cách vô tư, phát triển tình hữu nghị chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Công trạng sáng chói của họ, không sợ kẻ địch mạnh, không ngại khó khăn gian khổ, không tiếc xương máu sẽ mãi mãi được ghi trong sử sách đấu tranh cách mạng của nhân dân khu Thập Vạn Đại Sơn”.
Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn giúp đỡ cách mạng Trung Quốc cho thấy đường lối đúng đắn, nhạy bén, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính. Đồng thời, quan triệt phương châm “Giúp bạn là mình tự giúp mình”, hoạt động giúp đỡ cách mạng Trung Quốc còn có ý nghĩa quốc tế to lớn, góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với cách mạng và nhân dân Trung Quốc, mở ra những thắng lợi to lớn hơn cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
An Lê
1 . Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb. Quân đội nhân dân-Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 1995, tr. 347.