Tên sách: Thế Giới Cho Đến Ngày Hôm Qua 
Tác Giả: Jared Diamond
 Năm Xuất Bản: 2018
 Số Trang: 598
 Nhà Xuất bản: NXB Thế Giới

Tác giả của những cuốn sách bestseller: Sụp đổ và Súng, Vi trùng và Thép đã khảo sát lịch sử xã hội loài người để trả lời câu hỏi: Chúng ta có thể học được gì từ các xã hội truyền thống để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả?

 Phần lớn chúng ta đều mặc nhiên thừa nhận các đặc trưng trong xã hội hiện đại của chúng ta, từ việc du lịch bằng máy bay, viễn thông cho tới việc biết đọc, biết viết và bệnh béo phì. Tuy nhiên gần như suốt sáu triệu năm tồn tại, xã hội loài người không có những điều này. Trong khi hố sâu ngăn cách chúng ta khỏi thủy tổ dường như rộng hơn bao giờ hết, chúng ta có thể nhìn ngắm lối sống cũ của mình trong những xã hội truyền thống mà phần lớn vẫn hoặc gần đây còn tồn tại. Các xã hội như New Guninea nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ thay đổi mới chỉ là ngày hôm qua - thời điểm chúng ta tiến hóa - và rằng cơ thể và cách thức thực hành xã hội của người cận đại vẫn giúp họ có khả năng thích nghi tốt hơn với những điều kiện truyền thống hơn là hiện đại. Thế giới cho đến ngày hôm qua cung cấp một bức tranh trực diện đầy mê hoặc về quá khứ nhân loại tồn tại hàng triệu năm, một quá khứ hầu như đã biến mất và xem xét những khác biệt giữa quá khứ và hiện tại cho cuộc sống hôm nay của chúng ta.

"Đọc Thế giới cho đến ngày hôm qua, bạn sẽ sửng sốt bởi những hiểu biết sâu sắc và rộng lớn của tác giả ở nhiều lĩnh vực khác nhau: lịch sử, địa lý, pháp luật, khảo cổ, sinh học, kiến trúc, ngôn ngữ... Ở lĩnh vực nào ông cũng chứng tỏ mình là một bậc thầy, các kiến thức được ông lí giải đủ rõ ràng và dễ hiểu để người đọc gặt hái được niềm vui khi được mở mang về tri thức.

Đối tượng nghiên cứu chính của cuốn sách là xã hội truyền thống New Guinea, một đảo lớn nằm ở tây Nam Thái Bình Dương, trong sự đối sánh với nhiều xã hội truyền thống và hiện đại ở những vùng địa lí khác nhau trên khắp thế giới. Ngay từ việc lựa chọn đối tượng nghiên cứu, tác giả đã thoát được định kiến “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm) vốn phổ biến trong các công trình nghiên cứu xã hội học của phương Tây. Vì vậy, đọc cuốn sách ta có cảm giác được chu du khắp các nền văn minh từ quá khứ đến hiện tại, từ đông sang tây, từ những nền văn minh phát triển tới tận ngày nay đến những nền văn minh rực rỡ trong quá khứ nhưng giờ đây đã cuốn theo chiều gió, hiện chỉ còn để lại ít nhiều dấu tích như thách thức các nhà nghiên cứu hậu sinh.

Đến từ một xã hội tiện nghi, chắc chắn nhiều lần bạn sẽ có cảm xúc vừa kinh ngạc vừa đau xót về cách con người truyền thống, những con người xuất hiện trước chúng ta trên mặt đất này đã sinh tồn vất vả, đã tiến hành những cuộc chiến tranh dai dẳng giành cái ăn, đã hành xử “lạ lùng” như bỏ rơi người ốm, người già, giết trẻ sơ sinh khi bị cái đói và sự chết đe dọa,... Đến từ một xã hội tri thức, bạn cũng sẽ ngạc nhiên bởi họ, những người vốn dành gần như toàn bộ thời gian chỉ để sống còn và hẳn là không có tri thức toàn diện như chúng ta, đã chăm sóc và dạy dỗ con cái tiến bộ như thế nào, đối xử vị tình ra sao khi giải quyết những tranh chấp lớn nhỏ trong cuộc sống và dễ dàng học những ngôn ngữ mới không cần qua trường lớp, ...

Đọc Thế giới cho đến ngày hôm qua, ta sẽ cảm thấy may mắn khi thế giới ấy đã mãi mãi dừng lại ở ngày hôm qua, đã thuộc về lịch sử. Để giờ đây, sau một thời gian dài tiến hóa, lịch sử đã mang đến cho những người đến sau là chúng ta một thế giới được quản lí bằng các nhà nước và luật pháp, đảm bảo tự do cho con người, thế giới mà con người (phần lớn) không phải vật lộn với việc kiếm ăn (theo nghĩa đen) cho đến khi chết đi, con người được học hành, được chăm sóc về sức khỏe, được tiếp cận với những công nghệ mà trong quá khứ loài người hẳn chỉ là huyền thoại … Tuy nhiên, thế giới ấy dừng lại nhưng không phải là biến mất hoàn toàn, con người hiện đại là chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều từ những người đi trước, để phát triển mà vẫn thuận theo tự nhiên, để tạo nên một thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Cả một rừng kiến thức ngồn ngộn đã được cung cấp thông qua những câu chuyện cụ thể và ấn tượng đến từng chi tiết; những lí giải cũng cụ thể và rõ ràng không kém; những so sánh hài hước khiến bạn bật cười và sẽ được bạn nhớ rất lâu - như khi ông viết: “cũng như phụ nữ, lợn dễ đi lang thang và trốn khỏi chủ sở hữu, do đó chúng dễ bị đánh cắp, từ đó dẫn đến những cuộc chiến tranh liên miên”.

Đọc được một cuốn sách hay giống như một sự mặc khải, bạn có cảm giác được thỏa mãn về tri thức, bạn lại càng tò mò về những điều mà cuốn sách gợi ra, tức là nó truyền cảm hứng tìm kiếm tri thức cho bạn. "

Nguồn: Internet