Câu hỏi: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần, kiệm, liêm, chính, chỉ công, vô tư được hiểu như thế nào?
Trả lời:
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Ảnh tư liệu.
Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thấy rằng, trong đạo đức cách mạng, Người luôn nhấn mạnh đến “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Điều này thể hiện ở tác phẩm Đời sống mới (tháng 3/1947) và đặc biệt, vào tháng 6/1949, để tiếp tục răn dạy cán bộ về đạo đức, Người viết tác phẩm Cần kiệm liêm chính gồm bốn bài báo với bút danh là Lê Quyết Thắng, đăng trên báo Cứu quốc để giải thích rõ nội dung bốn đức tính này.
Cần theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”[1] nhưng “cần” phải luôn đi cùng với “chuyên”. Con người trong thời đại mới phải luôn cố gắng, rèn luyện không phải chỉ ngày một, ngày hai mà phải thường xuyên, liên tục.
Kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”[2]. Tiết kiệm cả về của cải, vật chất và thời gian, công sức lao động. Tiết kiệm không phải chỉ cho mình mà còn phải tiết kiệm cho người khác. Tuy nhiên, Người cũng chỉ rõ, “kiệm” không đồng nghĩa với bún xin. “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm”[3].
Trong bài báo “Thế nào là liêm?”, Người nói liêm là “trong sạch, không tham lam” và chỉ rõ “tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm”[4]. Người nhấn mạnh chữ “liêm” đối với cán bộ, đảng viên để làm kiểu mẫu cho nhân dân nơi theo.
Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”[5]. Người giữ được chữ “chính”: Đối với mình: không tự kiêu, tự đại, không tự cho mình là người giỏi nhất, sống độ lượng và có chí tiến thủ; đối với người phải thực sự yêu quý, kính trọng nhân dân, sống chân thành, khiêm tốn học hỏi, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, không nghe nịnh hót, cũng như không nịnh hót người trên; đối với việc phải tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải luôn biết đặt việc chung, lợi ích chung của tập thể, của Đảng lên trên hết.
Chí công, vô tư là khách quan, công bằng; không thiên vị, không tự tư, tự lợi; mọi hành động đều đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và của nhân dân lên trước. Thực hành chí công, vô tư, cũng có nghĩa là kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Tuy nhiên, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là bỏ qua lợi ích của từng cá nhân người dân, mà phải nhận thức đúng đắn đâu là chủ nghĩa cá nhân, đâu là lợi ích cá nhân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công, vô tư, chí công, vô tư thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 118.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 122.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 123.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 126.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 129.