Trong làn sóng khởi nghiệp sôi động hiện nay, các lĩnh vực như công nghệ, tài chính, thương mại luôn nhận được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ. Tuy nhiên, văn hóa – một nguồn lực giàu tiềm năng và bản sắc – vẫn chưa được khai thác đúng mức. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên nền tảng văn hóa không chỉ góp phần phát triển kinh tế, mà còn tạo dựng sức mạnh mềm, quảng bá giá trị Việt Nam ra thế giới.
Tái hiện kiến trúc Chùa Một Cột-Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo Ảnh: Sen Heritage
Khởi nghiệp sáng tạo: Hướng đi của thời đại
Đổi mới sáng tạo (Innovation and Creativity): Theo định nghĩa của OECD, là “thực hiện một sản phẩm mới hay một sự cải tiến đáng kể (đối với một loại hàng hóa hay dịch vụ cụ thể), một quy trình, phương pháp marketing mới, hay một phương pháp tổ chức mới trong thực tiễn kinh doanh, tổ chức nơi làm việc, hay các mối quan hệ đối ngoại” [1]. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình khởi nghiệp dựa trên chính những ý tưởng đổi mới sáng tạo; qua đó tạo ra sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình kinh doanh mới có những đặc điểm nổi trội, ưu việt hơn so với các sản phẩm, dịch vụ, quy trình hiện có; tạo ra giá trị mới cho cá nhân và cộng đồng.
Hiện nay, vấn đề khởi nghiệp đang được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, mọi sự chú ý dường như chỉ hướng tới các doanh nghiệp khởi nghiệp trong những lĩnh vực có triển vọng cao như: kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin, thương mại, dịch vụ... Trong khi đó, lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật lại hầu như không nhận được sự quan tâm tương xứng, mặc dù đây là một lĩnh vực có nhiều đặc thù và, khi thành công, có thể đạt được mục tiêu kép cả về kinh tế lẫn sức mạnh mềm văn hóa, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Sự phát triển của các start-up trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đây là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng GDP thông qua tạo việc làm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Điều này sẽ thành công, khi huy động được các nguồn lực văn hóa, vốn tri thức, công nghệ hiện đại cũng như các phương tiện khác để tạo ra các sản phẩm, cũng như dịch vụ văn hóa đa dạng và hấp dẫn [2].
Để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” [3].
Đặc biệt, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị (ban hành ngày 22/12/2024) hướng tới việc đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xem đây là “xương sống” của công cuộc hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây chính là định hướng quan trọng để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa có thể phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay.
Thực cảnh "Tinh hoa Việt Nam". Ảnh: Internet
Văn hóa: Mảnh đất màu mỡ cho khởi nghiệp
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng to lớn trong việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa. Chúng ta sở hữu một kho tàng văn hóa vô giá với hàng chục nghìn di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, thắng cảnh, dấu tích cách mạng; hàng ngàn truyền thuyết gắn với từng giai đoạn lịch sử; gần 8.000 lễ hội dân gian, lịch sử và tôn giáo; hơn 5.000 làng nghề truyền thống; hàng trăm trò chơi dân gian; hàng chục loại hình diễn xướng cổ truyền… Cùng với đó là y học cổ truyền, nghệ thuật ẩm thực, trang phục truyền thống, phong tục tập quán… Nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và nhân bản là một “mảnh đất” đầy hứa hẹn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống vẫn chưa được phát huy đầy đủ trong đời sống đương đại, đồng nghĩa với việc còn rất nhiều “dư địa” để giới trẻ khai thác, lựa chọn và đầu tư sáng tạo.
Theo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu năm 2020 (Global Innovation Index – GII), Việt Nam duy trì thứ hạng cao, liên tiếp hai năm giữ vị trí thứ 42 trong tổng số 131 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam cũng đứng đầu trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và xếp thứ ba khu vực Đông Nam Á. Một nghiên cứu của Hội đồng Anh cho thấy, từ năm 2014 đến 2018, số lượng không gian sáng tạo tại Việt Nam tăng từ 60 lên 140 trung tâm – một minh chứng cho sự lớn mạnh nhanh chóng của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong nước.
Thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ trong khai thác và quảng bá giá trị văn hóa – con người Việt Nam đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Điển hình là di tích Nhà tù Hỏa Lò với hệ thống thuyết minh tự động, trưng bày online, tham quan trực tuyến qua Spotify và Apple Podcasts, đặc biệt là “tour đêm” kết hợp hiệu ứng âm thanh – ánh sáng – hoạt cảnh, giúp đánh thức cảm xúc của du khách và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội. Công chúng cũng hào hứng đón nhận các sản phẩm kết hợp công nghệ hiện đại với văn hóa truyền thống như: 3D Mapping kể chuyện đạo học tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám; phục dựng chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo; Boardgame Thần Tích dựa trên cổ tích Việt Nam; hay các màn trình diễn thực cảnh “Tinh hoa Việt Nam” (Phú Quốc), “Tinh hoa Bắc Bộ” (Hà Nội), “Ký ức Hội An” (Quảng Nam)… đều gây tiếng vang và được yêu thích. Nhiều người trẻ đã dấn thân, vượt khó và khởi nghiệp thành công: Đặng Văn Hậu với Tò he Việt, Lê Mạnh Cương sáng lập KEIG Studio và game “Thần tích”, Đoàn Nhật Quang với “Việt sử giai thoại”, Nguyễn Đức Lộc với “Ỷ Vân Hiên”, Nguyễn Việt Nam với “Tired City”, Trần Hồng Nhung với “Zó Project”, Bùi Thị Mai Lan với “Thêu tay Tú Thị”, Trịnh Thu Trang với “Họa sắc Việt”, Nguyễn Quốc Duy với bộ cờ tướng “Chiếu kinh thành”… Những nỗ lực này đã góp phần lan tỏa cảm hứng, khơi dậy niềm tin và tinh thần tự chủ của lớp trẻ trong lựa chọn con đường sự nghiệp gắn với văn hóa. Có thể khẳng định: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hoá đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển bền vững tại Việt Nam.
Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa nói chung. Dù đã có nhiều nỗ lực, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP còn khiêm tốn (năm 2019 đạt 3,61%, chỉ vừa vượt mục tiêu 3% đến năm 2020), và chưa tương xứng với tiềm năng. Các tác phẩm nghệ thuật đủ sức chinh phục khán giả quốc tế vẫn còn ít, thương hiệu văn nghệ sĩ Việt Nam chưa định hình rõ nét trên bản đồ khu vực và thế giới. Nhìn chung, công nghiệp văn hóa chưa được khai thác hiệu quả, chưa tương xứng với chiều sâu văn hóa dân tộc và tiềm năng sáng tạo của con người Việt Nam.
Một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là vấn đề nhận thức. Dù đã có những thay đổi tích cực, nhưng nhiều người vẫn chưa coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc... là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã thâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực khác, thì văn hóa – nghệ thuật vẫn còn rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hóa của mình. Chúng ta cần nhìn nhận sản phẩm văn hóa, nghệ thuật cũng là sản phẩm hàng hóa – nhưng có logic đặc biệt. Khi thừa nhận điều này, chúng ta mới thực sự quan tâm đến thị trường, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, phát triển khán giả và xây dựng thương hiệu. Chỉ khi ấy, văn hóa mới thực sự trở thành trụ cột phát triển bền vững, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và thôi thúc khát vọng phát triển.
Một không gian sáng tạo của “Zó Project”. Ảnh: hointtvn.vn
Điểm nghẽn tiếp theo là giáo dục sáng tạo và kỹ năng kinh doanh. Dù có cải tiến, nhưng chương trình học hiện tại vẫn quá nặng, khiến các môn nghệ thuật và sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, các môn nghệ thuật giúp phát triển nhân cách, kỹ năng mềm, đặc biệt là tinh thần sáng tạo – yếu tố sống còn trong khởi nghiệp. Tài năng nghệ thuật là điều kiện cần, nhưng muốn thành công, người nghệ sĩ còn phải hiểu thị trường, biết định vị bản thân và giao tiếp với công chúng. Học vẽ là một chuyện, nhưng xây dựng thương hiệu cá nhân, tiếp cận khách hàng và bán được tác phẩm lại là chuyện khác.
Khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo
Để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ, thiết thực và có chiều sâu. Trước hết, cần hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo, sản xuất và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Việc chuyển hóa các “tài nguyên văn hóa” thành động lực phát triển cần sự thay đổi về tư duy: xóa bỏ định kiến với thị trường văn hóa, thúc đẩy cách tiếp cận “lấy văn hóa nuôi văn hóa”. Cùng với đó, cần rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, và tăng cường thực thi pháp luật để đảm bảo sự công bằng, minh bạch và khuyến khích sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp dành riêng cho lĩnh vực văn hóa – sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển các không gian sáng tạo, tổ hợp làm việc chung, không gian biểu diễn, trưng bày, hội chợ triển lãm… Đồng thời, kết nối mạng lưới giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhóm sáng tạo độc lập, doanh nghiệp, truyền thông và đặc biệt là các "nhà đầu tư thiên thần" quan tâm đến lĩnh vực này.
Hơn nữa, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh khởi nghiệp dựa trên nền tảng văn hóa. Bên cạnh việc đổi mới, cải thiện hiệu quả đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, cần quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các bậc học phổ thông..
Việt Nam là quốc gia giàu bản sắc, với vô số giá trị văn hóa còn đang ở dạng tiềm năng. Đây chính là “vùng đất mở” để chúng ta khai phá, tìm tòi và khởi nghiệp. Trong bối cảnh ngành công nghiệp văn hóa ngày càng được chú trọng, khởi nghiệp trên nền tảng văn hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần nuôi dưỡng bản sắc, khơi dậy tinh thần dân tộc và xây dựng một nền văn hóa phát triển bền vững. Khi văn hóa được nhìn nhận đúng như một nguồn lực phát triển, được kết nối với công nghệ, giáo dục và thị trường, thì những ý tưởng sáng tạo mang đậm tinh thần Việt sẽ có đủ sức vươn xa, bền vững và tạo giá trị thực sự cho quốc gia.
Chú thích:
[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018). Tài liệu hướng dẫn đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dành cho sinh viên. Hà Nội, tr.6.
[2] Từ Thị Loan (2022), Gian truân khởi nghiệp văn hóa, nghệ thuật, Báo Quân đội Nhân dân, https://ct.qdnd.vn/van-hoc-nghe-thuat/gian-truan-khoi-nghiep-van-hoa-nghe-thuat-527552, truy cập ngày 15/9/2022.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.145.